Núp bóng nghĩa trang, “xẻ thịt” núi Trúc Bạch

Núi Trúc Bạch bị xẻ thịt.
Núi Trúc Bạch bị xẻ thịt.
TP - Mặc dù công trình nghĩa trang Trúc Bạch (xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) chưa có quyết định thu hồi đất nhưng núi Trúc Bạch từ lâu đã bị “xẻ thịt” để lấy đất đá san lấp, phần lớn quả núi đã bị đào khoét tan hoang trước sự làm ngơ của chính quyền.

Bạt núi làm nghĩa trang

Từ tỉnh lộ 352 theo con đường dẫn vào thôn 1 Niêm Nội (xã Kỳ Sơn), núi Trúc Bạch, nơi có khu nghĩa trang nhân dân của xã, ngổn ngang như một đại công trường khai thác đất. Người dân khu vực cho hay nghĩa trang xã vốn nằm lọt trong khu đất dưới chân núi Trúc Bạch đã có từ hơn 30 năm nay với cả trăm ngôi mộ xây cất thẳng hàng. Nhưng cuối năm 2012, lấy danh nghĩa xây dựng mở rộng nghĩa trang, ngọn núi Trúc Bạch đã bị người ta đưa máy móc tới cày xới, khai thác đất đá vô tội vạ.

Núi Trúc Bạch bị xẻ thịt nhanh chóng biến thành một khai trường bốc xúc đất đá ngổn ngang. Sườn núi phía trước bị đào khoét nham nhở trên diện rộng, nhiều chỗ đã bị đốn tận chân, bao nhiêu cây xanh, thảm thực vật màu xanh biến mất, chỉ còn trơ lại màu đất bị cày xới vàng sậm.

Chỏm núi bên trái gần khu dân cư cũng bị chém bay, tạo một con đường đất cho phương tiện bốc xúc, vận chuyển đất đá lên xuống. Sườn núi nơi có một số hộ dân đang sinh sống, cũng đã bị các đối tượng khai thác đất đá đào khoét tạo thành một lòng chảo khá lớn.

Bà M., sống ở phía sau ngọn núi Trúc Bạch, cho biết mặt trước ngọn núi do nhà thầu thi công nghĩa trang đào bới, còn mặt sau là do một “trùm” khai thác đất san lấp tên Choai (trú xã Lại Xuân) đưa máy móc phương tiện vào xúc.

Khu đồi phía sau nằm trong vườn một số hộ dân nên “trùm” Choai đã chi tiền “hỗ trợ” để họ “thả cửa” cho đưa máy móc vào khai thác trái phép. Mối “hợp tác” làm ăn này đã diễn ra trong thời gian dài nhưng dường như chính quyền xã, huyện đều không hay biết nên không hề có biện pháp ngăn chặn.

Người dân khu vực cho hay trong mấy năm qua, máy xúc, máy ủi, các loại xe ben rầm rập hoạt động. Bao nhiêu đất đá đào lên đã được đoàn xe ben loại nhỏ chở đi khắp nơi san lấp. Theo chân những chiếc xe ben chở đất từ khu nghĩa trang núi Trúc Bạch, dễ dàng nhận thấy đất đá được chuyển tới các dự án san lấp, trong đó phần lớn là đổ mặt bằng cho một KCN trên địa bàn huyện Thủy Nguyên.

Chính quyền tiếp tay?

Theo tìm hiểu, công trình xây dựng, mở rộng nghĩa trang Trúc Bạch có tổng mức đầu tư hơn 4,7 tỷ đồng do UBND xã Kỳ Sơn làm chủ đầu tư. Từ cuối năm 2012, xã này đã ra quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng nghĩa trang, quyết định chỉ định Cty Cổ phần cơ khí và xây dựng Thuận Thiên, một doanh nghiệp khai thác đất đá san lấp, làm nhà thầu thi công.

Mặc dù công trình nghĩa trang Trúc Bạch chưa có quyết định thu hồi đất (hơn 2,8 ha) theo quy định, chưa đủ điều kiện triển khai nhưng UBND xã Kỳ Sơn đã “mở đường” cho nhà thầu là Cty Thuận Thiên đào khoét đất đá bằng một bản hợp đồng san lấp.

Ngay sau đó, nhà thầu đã cấp tập đưa máy móc, phương tiện tới thi công đào khoét núi, biến nơi đây thành công trường khai thác đất quy mô lớn vượt ra ngoài ranh giới. Theo hợp đồng giữa xã và nhà thầu, thời gian thi công nghĩa trang chỉ có 60 ngày nhưng đến nay đã kéo dài tới hơn 4 năm, công trình này vẫn chỉ dừng ở việc đào khoét tan hoang ngọn núi.

Ông Bùi Quang Tuân, Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn, cho biết công trình nghĩa trang có tổng mức đầu tư hơn 4,7 tỷ đồng này được nhà thầu hỗ trợ cho địa phương 40% kinh phí. Theo ông Tuân, nhà thầu hỗ trợ kinh phí làm nghĩa trang vì doanh nghiệp này có một mỏ đất khác trên địa bàn xã nên mới giúp đỡ địa phương chứ không phải để được khai thác đất trái phép tại núi Trúc Bạch.

Ông Tuân thừa nhận tình trạng khai thác, vận chuyển đất trái phép ra khỏi khu vực đã diễn ra trong thời gian dài. Tuy nhiên, chính quyền xã đã không hề có biện pháp nào ngăn chặn hoạt động khai thác và tiêu thụ đất đá trái phép này.

Chính quyền huyện cũng dường như không hay biết hoạt động khai thác trái phép đất đá tại đây. Mặc dù tháng 4/2014, Sở TN-MT TP Hải Phòng kiểm tra, đã kiến nghị dừng hoạt động khai thác tài nguyên trái phép này nhưng phải đến tháng 10/2014, sau khi phát hiện xã cho nhà thầu vận chuyển đất đá khỏi khu vực núi Trúc Bạch, huyện Thuỷ Nguyên mới chịu ra thông báo dừng hoạt động. Tuy nhiên, theo người dân, sau đó, hoạt động khai thác đất tại núi Trúc Bạch vẫn tiếp diễn, đến tận cuối năm 2016 vừa qua mới tạm ngưng.

Trả lời câu hỏi trách nhiệm của chính quyền xã trong việc làm ngơ cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép diễn ra tại công trình nghĩa trang Trúc Bạch trong thời gian dài, ông Tuân nói: “Trách nhiệm của chúng tôi tới đâu đã có cấp trên xem xét”.

Ông Tuân thừa nhận tình trạng khai thác, vận chuyển đất trái phép ra khỏi khu vực đã diễn ra trong thời gian dài. Tuy nhiên, chính quyền xã đã không hề có biện pháp nào ngăn chặn hoạt động khai thác và tiêu thụ đất đá trái phép này. Chính quyền huyện cũng dường như không hay biết hoạt động khai thác trái phép đất đá tại đây.

Mặc dù tháng 4/2014, Sở TN-MT TP Hải Phòng kiểm tra, đã kiến nghị dừng hoạt động khai thác tài nguyên trái phép này nhưng phải đến tháng 10/2014, sau khi phát hiện xã cho nhà thầu vận chuyển đất đá khỏi khu vực núi Trúc Bạch, huyện Thuỷ Nguyên mới chịu ra thông báo dừng hoạt động. Tuy nhiên, theo người dân, sau đó, hoạt động khai thác đất tại núi Trúc Bạch vẫn tiếp diễn, đến tận cuối năm 2016 vừa qua mới tạm ngưng.

MỚI - NÓNG