Nút giao thông Thanh Xuân: Phương án điều chỉnh trái với Quyết định

Nút giao thông Thanh Xuân: Phương án điều chỉnh trái với Quyết định
TP - Sau khi dư luận và công luận lên tiếng, tháng 8/2006, chủ đầu tư mới trình phương án (PA) xây dựng nút giao thông “cân”. Tuy nhiên, đây vẫn là nút giao thông méo.
Nút giao thông Thanh Xuân: Phương án điều chỉnh trái với Quyết định ảnh 1
Việc đập bỏ nhiều công trình cao tầng để mở rộng nút Thanh Xuân là vô cùng lãng phí

Đặc biệt, việc đề xuất PA này  trái với quyết định đầu tư của Thủ tướng và thiết kế kỹ thuật được duyệt.

Đề xuất điều chỉnh trái với quyết định đầu tư!

Ngày 18/8/2006 sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) Hà Nội gửi Ban QLDA Thăng Long (chủ đầu tư) có đề nghị xem xét lựa chọn một trong hai phương án.

Thứ nhất: Mở nút cân theo chỉ đạo của Bộ GTVT và UBNDTP Hà Nội. Trong trường hợp này có thể chọn phương án  (PA) mở rộng nút cân phía Hà Đông với Hà Nội làm PA hoàn chỉnh lâu dài nhưng đầu tư thành 2 giai đoạn.

Nút giao thông giai đoạn đầu sẽ có dạng bán hoa thị  (hai nhánh hoa thị phía Hà Đông chưa xây dựng). PA này được xây dựng cân hoàn chỉnh khi các nhà ở Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam được đầu tư cải tạo và xây dựng lại. Thứ hai: Chọn nút giao loại bán hoa thị (không cân).

Dựa trên ý kiến này, chủ đầu tư trình Bộ GTVT hai  PA (thực chất chỉ là PA thứ nhất mà Sở QHKT góp ý): Xây dựng  nút giao thông liên thông (cân đối) kiểu hoa thị. 

Giai đoạn I: Xây dựng hoa thị phía Hà Nội, giai đoạn II: hoàn chỉnh nốt phía Hà Đông.  Về bản chất, đây vẫn là nút giao thông không cân đối vì việc phá dỡ hàng loạt công trình cao tầng để mở nút cho giai đoạn II là không khả thi.

Hơn nữa, thời gian thực hiện giai đoạn II không  cụ thể. Điều này, không đúng với tinh thần  chỉ đạo của Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội.

Quan trọng hơn, đó là việc chủ đầu tư đề xuất PA trái với QĐ đầu tư của Thủ tướng và thiết kế kỹ thuật (TKKT) đã được Bộ GTVT duyệt. Cụ thể, theo QĐ đầu tư số 597-2001 của Thủ tướng Chính phủ và TKKT được duyệt thì nút giao thông Thanh Xuân sẽ được xây dựng cầu vượt trực thông rộng 24m (4 làn xe), phần dưới  tổ chức giao bằng, giữa là đảo tròn và các đường nhánh rẽ phải. Vậy mà chủ đầu tư trong văn bản gửi Bộ GTVT đã đề xuất: Xây dựng nửa nút (phần Hà Nội) có dạng hoa thị liên thông.

Và xây dựng cầu vượt 31,5 m (6 làn xe). Điều này trái hẳn với TKKT được duyệt và QĐ đầu tư của Thủ tướng  (nút trực thông).

Phương án cân nhỏ - tại sao không?

Nút giao thông Thanh Xuân được thiết kế hoàn chỉnh cân đối bốn góc- (cân rộng) sẽ giải quyết cơ bản các xung đột giao thông; đảm bảo năng lực thông xe, mức độ an toàn ...

Tuy vậy, để thực hiện được PA này nhiều công trình  cao tầng (phía Hà Đông) sẽ phải phá bỏ và gây lãng phí hàng trăm tỉ đồng. Trong khi Chính phủ đang phải chắt chiu từng đồng vốn.

Thêm vào đó, Hà Nội sẽ phải chuẩn bị thêm hàng trăm căn hộ tái định cư cho gần 300 hộ dân trong diện giải tỏa di dời trong khi quỹ nhà tái định cư của thành phố đang gặp khó khăn. Điều này làm kinh phí dự án đội thêm vài trăm tỷ đồng và tăng thêm sức ép về quỹ nhà tái định cư.

Trao đổi với PV Tiền phong, đại diện một số cơ quan chức năng của Bộ GTVT đã tính đến PA cân nhỏ. Cho dù PA này có thể chưa đảm bảo tối đa khả năng thông xe, chưa giải quyết triệt để các xung đột nhưng lại có nhiều ưu điểm: Diện tích thu hồi nhỏ, Nhà nước sẽ giảm mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng, hàng trăm tỷ đồng khác không bị lãng phí và khoảng 300 hộ dân tiếp tục được ổn định sinh sống. Tiến độ dự án đảm bảo...

Điều quan trọng hơn, làm như vậy chủ đầu tư mới thực hiện nghiêm túc QĐ đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, TKKT được duyệt và đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Hà Nội, Bộ GTVT.

Ý kiến người dân sẽ phải di dời

- Bác Hoàng Đình Sủng, Tổ trưởng tổ dân phố số 57 phường Thanh Xuân Trung, nói: “Theo những văn bản người ta phát từ năm 2001 (hiện chúng tôi vẫn lưu giữ), nút giao thông này xây cân trên diện tích bé, gọi nôm là cân bé, tổ dân chúng tôi chỉ khoảng dăm hộ phải di dời. Cái cân bé này đại để chả khác nút Mai Dịch vừa xây xong.

Đến năm 2002, người ta lại phát cho chúng tôi bản đồ vẽ cái Ngã tư méo, không phải cân lớn đâu mà là méo thật sự, theo đó thì toàn bộ tổ dân 57 chúng tôi đều phải di dời. Thấy quá vô lý, chúng tôi làm đơn khiếu nại. Hết lá này đến lá khác, không ai trả lời.

Tháng 8/2003, qua một kênh riêng, chúng tôi được biết Bộ GTVT đã họp với UBND TP Hà Nội, thống nhất không làm méo, mà phải làm cân, chính là quay lại cân bé được thiết kế từ đầu ấy, thể hiện tại văn bản số 401 báo Tiền phong đã nêu.

Còn cái cân lớn người ta khịa ra gần đây thôi, thực chất chính là méo, giả nói cân nhưng chia làm 2 giai đoạn cho người dân tưởng thật. Họp dân mới đây, cái văn bản 401 tưởng chúng tôi không có, họ đem cắt béng đoạn quan trọng nhất đi, rồi ghép với văn bản khác, thật quá đáng”.

- Ông Nguyễn Văn Thìn, một người dân trong tổ 57 cho biết thêm: “Cân lớn so với cân bé, năng lực giao thông không tăng thêm, bởi vẫn chỉ xây cầu vượt theo +một hướng, các hướng đi khác vẫn giao nhau. Nhưng cân lớn sẽ tốn thêm hàng trăm tỷ đồng.

Người dân chúng tôi không hiểu ai đẻ ra cái cân lớn, thậm chí tự ý thuê chỗ này thiết kế, chỗ kia thẩm định, trong khi từ đầu Thủ tướng đã phê duyệt phương án cân bé, còn liên ngành cũng đã chỉ đạo là không làm méo nữa? Chắc chắn rồi người ta sẽ phải quay về với cân bé ban đầu thôi. Không biết khi ấy ai sẽ chịu trách nhiệm về lãng phí thời gian và tiền bạc?”.

Thiết nghĩ những ý kiến của người dân ở tổ dân phố 57 rất đáng để Ban quản lý dự án Thăng Long và những người có trách nhiệm thiết kế, thẩm định phương án xây nút giao thông Thanh Xuân lắng nghe, có ý kiến trả lời công khai trên công luận, theo đúng phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

MỚI - NÓNG