Ở biệt thự hoang, lo từng bữa

Hàng nghìn lao động tự do đang bị kẹt ở các xóm trọ
Hàng nghìn lao động tự do đang bị kẹt ở các xóm trọ
TP - Hàng nghìn lao động tự do đang bị kẹt ở các xóm trọ, lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn vì dịch COVID-19. Họ đang cố gắng từng ngày bám trụ tại Thủ đô, trông chờ công ăn việc làm và hỗ trợ từ Chính phủ. 

Sau hơn 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội để giảm chậm ca mắc COVID-19, nhiều lao động tự do đã phải trở về quê, tuy nhiên, còn rất nhiều người mắc kẹt ở Thủ đô. Khu nhà liền kề L1 Trung Yên (Yên Hòa, Cầu Giấy) mới được xây thô, bỏ hoang nhiều năm qua nay trở thành chỗ tá túc lý tưởng cho những lao động nghèo đang mưu sinh tại Thủ đô. Khác với trước, “xóm trọ triệu đô” (cách mà các công nhân vẫn gọi về giá trị những căn nhà họ đang ở - PV) hôm nay vắng hơn nhiều. Nhiều ô cửa tạm bợ đã khóa, một vài lao động mắc kẹt không về được đành chấp nhận ở lại nơi này. 

Trong căn phòng còn sáng điện, anh Minh (58 tuổi, quê Nam Định) ngồi uống trà, đon đả chào chúng tôi. Anh cho biết, anh nhận mấy thợ sơn ở quê lên Hà Nội làm công trình ở gần đó, đã nghỉ hơn nửa tháng. Anh nhận làm khoán, nên khi nghỉ, chủ công trình cũng không hỗ trợ gì. “Hơn nửa tháng nay, mấy anh em thợ tự góp tiền để ăn uống, nay đã cạn. Tôi ở lại vì sợ có việc chủ công trình gọi, phần vì không có xe khách về” - anh Minh nói.

Bên cạnh, anh Thiềm (26 tuổi, quê Phú Thọ) quần áo lấm lem sơn trắng, đang ăn bát cơm nguội, trên mâm có bát canh nấu suông, đĩa dưa chuột muối ớt và 2 miếng thịt mỡ rang cháy. Anh mời cơm và nói: “Mấy anh em chung nhau nấu cơm, mua thức ăn cũng khó, tiền tiết kiệm mang về cho vợ con đã tiêu gần hết. Xuống đây làm được 2 tháng thì nghỉ dịch hơn nửa tháng nay, quanh ra quẩn vào trong phòng làm bạn với chén trà sau bữa trưa, rồi lăn ra ngủ”. Anh Thiềm cho biết thêm, anh không về quê do xe khách không chạy, phần nhiều về thì sợ lây bệnh cho vợ, con nhỏ. Nếu về quê, phải qua nhiều chốt kiểm tra, sợ người làng kỳ thị.

Vừa dựng chiếc xe chở đồ đồng nát, chị Đỗ Thị Liên (đang trọ tại ngõ 337 Định Công, Hoàng Mai) cho biết, kể từ khi giãn cách xã hội, hôm nay, theo thói quen, chị tranh thủ ra ngoài đi lượm ít vỏ chai, thùng giấy đem về nhưng chưa bán được. Trước khi giãn cách xã hội, ngày chị làm công nhân dọn vữa ở công trình, hết giờ chị tranh thủ đi mua gom đồng nát. “Tiền nhà trọ, tiền điện, tiền nước mỗi tháng hơn một triệu, hai vợ chồng mỗi tháng dành dụm được mấy triệu gửi về cho các cháu ăn học. Nay nghỉ ở nhà, ăn uống tốn kém, không có tiền nên tôi đành ra ngoài nhặt nhạnh tranh thủ kiếm thu nhập”, chị Liên nói.

Ở biệt thự hoang, lo từng bữa ảnh 1

Cảnh sinh hoạt của những lao động trong các khu trọ nhà liền kề phường Yên Hòa. Trong ảnh, anh Thiềm đang dùng bữa trưa

Ở biệt thự hoang, lo từng bữa ảnh 2

Trong ảnh là anh Chiến (lao động tự do) đang tranh thủ chăm sóc cho chiếc xe chở hàng 
Ảnh: Đức Anh

Chị Liên cho biết, do vợ chồng chị mới chuyển đến đây thuê trọ nên chưa kịp đăng ký tạm trú tạm vắng. Mấy ngày nay ở nhà cũng chưa thấy bên phường có thông báo về tiền hỗ trợ cho những lao động khó khăn trong dịch COVID-19.

Ngóng hỗ trợ từng ngày

Xóm trọ trên bãi sau chợ Long Biên (phường Phúc Xá, Hoàn Kiếm), nơi ở của hàng trăm lao động nghèo là người khuân vác, bán hàng rong, xe ôm… ở các chợ Đồng Xuân, Long Biên, mấy hôm nay cũng vắng lặng. Dàn xe kéo, xe chở hàng dựa lưng vào tường; phía trong một vài người quét dọn, tranh thủ sửa đèn, lau dầu mỡ, chờ ngày mở cửa chợ.

Vợ chồng anh Chiến - Hiền quê ở Phúc Thọ (Hà Nội) sống bằng nghề gánh hàng và chở thuê hoa quả. Nay giãn cách xã hội, vợ chồng anh vẫn quanh quẩn ở xóm trọ. Nói là phòng trọ nhưng căn phòng vợ chồng anh thuê chừng 10m2, dựng bằng cột bê tông, tường ghép bằng các miếng tôn thải, kê được chiếc giường, nhà vệ sinh và nhà bếp. Anh Chiến cho biết, chủ nhà lấy tiền thuê 1,5 triệu đồng/tháng. Ảnh hưởng của dịch, các chủ trọ bên cạnh đã bớt vài trăm nghìn, nhưng phòng anh chị thuê thì không.

“Mấy ngày đầu dịch, vợ chồng ở lại, định lấy ít hoa quả chở đi bán ở Bắc Ninh nhưng không được. Đi làm không được mà về quê thì sợ lây bệnh cho con. Nộp tiền nhà, tiền xăng xe, chi phí sinh hoạt, hai vợ chồng dành dụm được hơn 3 triệu định gửi về cho con (bị dị tật - PV) ở quê, nay đã tiêu quá nửa. Chúng tôi ở đây đã gần 10 năm, đăng ký tạm trú đầy đủ, nếu Nhà nước có hỗ trợ lao động như chúng tôi thì tốt qúa. Nhưng chưa thấy phường nói gì, chúng tôi muốn đăng ký ở đâu, thủ tục như thế nào thì chưa được biết”, anh Chiến cho biết.

Anh Minh (ở Nam Định) cho biết, mấy hôm trước, ở nhà giãn cách xã hội, thấy có cán bộ phường xuống bảo ra điểm đăng ký nhận hỗ trợ dành cho người bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. “Mừng rỡ ra đăng ký luôn cho anh em thợ nhưng ra tìm mãi không thấy địa chỉ nên đành về chờ”, anh Minh nói.

Khu nhà liền kề L1 Trung Yên (Yên Hòa, Cầu Giấy) mới được xây thô, bỏ hoang nhiều năm qua nay trở thành chỗ tá túc lý tưởng cho những lao động nghèo đang mưu sinh tại Thủ đô. Khác với trước, “xóm trọ triệu đô” (cách mà các công nhân vẫn gọi về giá trị những căn nhà họ đang ở - PV) hôm nay vắng hơn nhiều. Nhiều ô cửa tạm bợ đã khóa, một vài lao động mắc kẹt không về được đành chấp nhận ở lại nơi này.  

MỚI - NÓNG