Ô nhiễm vẫn tăng

Ô nhiễm vẫn tăng
TP - Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai gồm 12 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có 7 tỉnh, thành phố thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa nhanh chóng của các địa phương trên lưu vực, hệ thống sông Đồng Nai bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Ô nhiễm vẫn tăng ảnh 1
Sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm nghiêm trọng

Tất cả các dòng sông… đều ô nhiễm

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên - Môi trường, hiện nay, ở khu vực hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai (sau đập Trị An trên sông Đồng Nai, sau đập Dầu Tiếng trên sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Thị Vải), nguồn nước đã có dấu hiệu ô nhiễm rõ rệt.

Các tác nhân gây ô nhiễm chủ yếu là chất thải của người, gia súc và một số ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến thực phẩm.

Sông Thị Vải đã bị ô nhiễm ở mức nghiêm trọng và được biết đến như một trong những con sông ô nhiễm nhất cả nước với đoạn sông chết dài trên 10km. Tuy nhiên, sau khi Cty Vedan bị phát hiện xả thải trái phép, kết quả quan trắc cho thấy chất lượng nước của sông đã được cải thiện khá nhiều.

Còn sông Sài Gòn, mức độ ô nhiễm hữu cơ vùng Nhà Bè - Cần Giờ có hàm lượng hữu cơ vẫn còn khá lớn (BOD5 thường ở mức 5 - 15 mg/l, DO từ 4 - 6 mg/l).

Một đặc điểm nổi bật của sông Sài Gòn là độ pH rất thấp vào mùa mưa tại Bến Than và cầu Bình Phước (có khi chỉ còn dưới 4,0). Trong khi đó, tiêu chuẩn cho phép đối với nguồn nước phục vụ cho mục đích ăn uống phải đạt 6,0 - 8,5. Sông Vàm Cỏ Đông bị nhiễm phèn và axit hóa ở mức độ cao.

Đề án có, triển khai túc tắc

Ông Bùi Cách Tuyến, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, nhận xét: “Nhìn chung, công tác xây dựng và triển khai các văn bản pháp quy, ban hành chỉ thị, xây dựng kế hoạch thực hiện, chương trình hành động bảo vệ môi trường ở địa phương được tiến hành tương đối đồng bộ.

Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều chưa ban hành chương trình hay kế hoạch hành động cụ thể để triển khai bảo vệ sông Đồng Nai trên địa bàn”.

Theo Tổng cục Môi trường, nguồn nước sông Đồng Nai có  tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa sống còn  đối với các tỉnh, thành trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 15 triệu người, cấp nước sản xuất công nghiệp, tưới tiêu nông nghiệp, phát triển thủy điện, nuôi trồng thủy sản, giao thông vận tải, du lịch sông nước… cho vùng lãnh thổ rộng hàng triệu hécta. Tuy nhiên, hiện nhiều chỉ tiêu môi trường đã vượt tiêu chuẩn cho phép ở mức đáng báo động, trong đó nghiêm trọng nhất là ô nhiễm hữu cơ, vi sinh, kim loại nặng và dầu mỡ.

Ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh  cho rằng, Ủy ban bảo vệ sông Đồng Nai (UBBVSĐN) ra đời hơn một năm nhưng hành động chưa đủ mạnh.  

Về hoạt động của UBBVSĐN, ông Bùi Cách Tuyến nêu: Tháng 12-2008, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập UBSĐN gồm 24 thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành và 12 tỉnh, thành.

UBBVSĐN đã đề ra chương trình hành động các tỉnh, thành phải lập Ban chỉ đạo chống ô nhiễm. Tuy nhiên, cho đến nay, ngoại trừ tỉnh Long An, các địa phương khác hiện vẫn chưa thành lập Ban chỉ đạo cũng như chưa thành lập văn phòng hoặc bộ phận giúp việc chuyên trách để triển khai việc này.

Trước đó, vào tháng 12-2007, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký quyết định phê duyệt “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020”. Theo đó, tổng kinh phí để triển khai, thực hiện 16 dự án trọng tâm khoảng 1.938 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Xuân Cường (kiêm Phó Chủ tịch UBSĐN) nhìn nhận tiến độ triển khai các nhiệm vụ, dự án thuộc Đề án này còn chậm so với yêu cầu đặt ra.

Ngoài một số nguyên nhân về cơ chế chính sách nhất là về cơ chế tài chính, nguồn lực đầu tư của các địa phương còn hạn chế… thì còn có nguyên nhân do sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ.

MỚI - NÓNG