Ở Tổng hành dinh APEC

Ở Tổng hành dinh APEC
TPCN - Gần cửa ra vào tầng trệt Trung tâm Hội nghị quốc gia có một căn phòng thoáng sáng cửa giả thông thống. Đó là Tổng hành dinh APEC.
Ở Tổng hành dinh APEC ảnh 1
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan điều hành giao ban tại Tổng hành dinh APEC

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan thoải mái trong chiếc sơmi dài tay thư thả vào phòng và ngồi trước một chiếc trong dãy computer đặt sát tường. Ngó những thao tác mau mắn, người ta hiểu rằng ông khá thạo thứ công cụ này vốn giúp việc ông đắc lực lâu nay.

Vừa lướt tay trên phím, ông vừa trao đổi chi đó với  Giám đốc Trung tâm Hội nghị Quốc gia Trần Hoài Nam. Thời gian với ông, đến tận cái tuổi bảy mươi này, có lẽ vẫn thuộc về công việc và gắn liền với những sự kiện lớn? Trích ra được của ông chút thời gian quả chẳng dễ gì?

Nhưng có một lần, tôi được ngồi lâu lâu với ông. Đó là mùa thu năm 2002, trên con tàu chở đoàn đại biểu Việt Nam thăm cảng Hamburg. Theo lịch trình, tàu lướt dọc cảng biển có đến mấy tiếng đồng hồ.

Hai tầng thênh thang của con tàu khách mà số lượng người chỉ lọt thỏm nên ai muốn thung thăng ở tầng dưới tầng trên thì tùy. Tôi leo lên tầng hai định kiếm một chỗ khuất gió để thỏa hết tầm nhìn một địa danh nổi tiếng, thì nhận ra cách mình một hàng ghế, ông Vũ Khoan khi ấy là Bộ trưởng Bộ Thương mại đang trong tư thế tay chống cằm.

Tôi thầm nghĩ chắc ông đang thư giãn chút ít qua những ngày mệt mỏi vì công vụ ở xứ người. Cứ ngó qua cung cách từ Thủ tướng đến một số đồng nhiệm nuớc ngoài  trao đổi với ông một cách tin cẩn thân mật thì cũng mang máng một điều rằng ông đang phải đảm trách lắm thứ việc trọng?

Tôi đang định lánh chỗ khác thì ông vẫy lại ngồi cùng. Câu chuyện của chúng tôi lan man nhiều thứ... Chả hạn câu hỏi, ông đang quen người thuộc việc ở ngành ngoại giao lại phân công làm thương mại, ông giải thích rất giản dị rằng từ hồi còn làm trợ lý cho Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, ông đã rất mê làm kinh tế! Mình đi đây đi đó thấy thiên hạ giàu và đang làm giàu, một cảm giác day dứt choán lấy ông.

Nhiều quốc gia điểm xuất phát họ kém mình về lợi thế lao động đất đai tài nguyên sao họ khéo họ tài họ vượt nhanh vậy? Thế thì phải tìm hiểu không phải kiểu soi mói tò mò mà là thực sự cầu thị, nói tóm lại là phải học! (Và ông, cộng sự của ông, cả ngành ông đã phải học.

Rồi sau này tiếp theo những vị thế công việc mới, ông đã đầu tàu cho việc học hỏi  hội nhập như thế nào  để góp, để tạo cho đất nước một vị thế như những ngày APEC này!

Trên lầu hai, lầu ba kia, với những cuộc họp, hội thảo mấy ngày qua, vị thế Việt Nam đang bình đẳng đang tự tin cùng các nền kinh tế APEC. Lộ trình hội nhập ấy, công bằng mà nói, trên các cương vị công việc, ông cũng ít nhiều làm cái việc khai sơn phá thạch?

Người cầm chịch nền thương mại thế giới, ngài Pascal Lamy đang nói trên phòng họp lớn kia vốn là người quen của ông khi ở vị thế Cao ủy Kinh tế EU, Bộ trưởng rồi Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng nhiều lần gặp gỡ thương thảo...  

Lần ấy, tôi cũng tò mò về vai trò cá nhân nói chung, nhất là trong ngành ngoại giao...  Hình như ông có nói thế này, cá nhân thường làm cái việc đề xuất những khía cạnh và những khía cạnh ấy được hoàn chỉnh trên cái nền chung, quan điểm chung!

Rồi đận ấy, tôi cũng được biết thêm  chuyện ông đã gắng gỏi một cách sáng tạo như thế nào để tiếp cận và thông thạo một số ngoại ngữ trong đó có tiếng Nga, tiếng Anh.

... Bây giờ ông đang ngồi đây, nói theo thuật ngữ quân sự là “Tổng tư lệnh hành dinh APEC”.  Xét đề nghị của Bộ Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ về việc đề nghị cử Tổng chỉ huy các hoạt động trong Tuần lễ Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC 14, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý cử phái viên đặc biệt của mình vào vị trí này bằng Công văn số 146/ CP- QTTV.

Công văn này cũng đã gửi tới ủy ban quốc gia APEC 2005, các tiểu ban APEC 2006, Ban thư ký APEC 2006.  Vẻ thư thái, ông vừa lướt web vừa thong thả vóng sang tôi chất giọng đều đều và bình thản.

Ông đang cởi mở cho những băn khoăn đại loại, PNTR chưa được thông qua liệu có ảnh hưởng đến các quan hệ khác? Chất giọng, cung cách ấy làm tôi nhớ đến lần ông trả lời phỏng vấn một tờ báo trước câu hỏi phóng viên đưa ra có vẻ bức xúc về vấn đề hậu WTO...

Ông đã an lòng mọi người bằng chất giọng thủng thẳng cần phải lạc quan. Lạc quan bởi phải biết tự tin ở xu thế, ở các mối quan hệ và về lợi ích của các bên.

Rồi câu hỏi về khó khăn khi điều hành một cuộc họp lớn như APEC, ông cũng thư thả rằng tất nhiên có nhiều cái khó nhưng anh em đã được tập dượt, đã được làm quen nhiều hội nghị lớn quốc tế tổ chức thành công tại Việt Nam  như ASEAN-6, ASEM-5.

Tôi hiểu đằng sau chất giọng bình thản ấy là cả một sự gắng gỏi và sự âm thầm chuẩn bị tập dượt quyết liệt. Có cả những chuyến đi gồm nhiều thành phần trong đó có những thành viên của Trung tâm HNQG này sang Thái Lan sang Hàn Quốc để học tập kinh nghiệm làm APEC.

Nói chi xa, ngay cái buổi chiều sau đận ngồi với ông ở cảng biển Hamburg ấy, hai thầy trò ông một già một trẻ (Lê Anh Tuấn, phục vụ kiêm cận vệ, có hàng chục cuộc đi công cán ở xứ người, hai thầy trò cứ song hành cùng nhau như thế) đã vội tạm biệt đoàn bay trước để về Thượng Hải chuẩn bị cho APEC tháng 11 năm 2001.

Chắc không ít kinh nghiệm đã được đúc kết đã được thu hoạch để góp phần dựng nên một APEC hoành tráng hôm nay?

Trước lúc ngồi với vị Tổng tư lệnh, tôi đã được ông Trần Duy Hiền, một thành viên của Tổng hành dinh dắt đi giới thiệu về hệ thống báo cháy chống cháy hiện đại phục vụ cho toàn bộ TTHNQG. 

Mặc dầu thiết bị mới nhập nhưng do nhiều lần anh em được tập dượt thuần thục và đã nhanh chóng thành thạo. An toàn một nhẽ, nhẽ nữa sau những hội nghị lớn như thế này, uy tín TT sẽ được nâng cao hơn và các hãng bảo hiểm sẽ cạnh tranh để được bán bảo hiểm cho TT!

Nhân chuyện ông Hiền, bữa gần đây tôi có ngồi với ông Giám đốc TT Trần Hoài Nam. Vốn là chỗ quen biết (trước kia ông là cán bộ TƯ Đoàn. Ông Nam đã có kha khá kinh nghiệm tổ chức vận hành quản lý những trung tâm hội nghị lớn, như TT Hội nghị Quốc tế trên phố Lê Hồng Phong mà ông có nhiều năm làm Giám đốc) ông đã thẳng thắn trước câu hỏi có vẻ rụt rè của tôi rằng, sau APEC công năng lẫn công suất của nhà họp lớn nhất nước này sẽ như thế nào?

Ông lấy ra dẫn chứng, sau khi  TT Hội nghị Quốc tế Lê Hồng Phong được xây dựng cũng có những ý kiến băn khoăn đại loại, TT to thế, hoành tráng thế, sử dụng sao cho hợp lý và kinh tế?

Thế nhưng chỉ riêng hai năm thôi, năm 2004 TT đạt 14 tỷ doanh thu. Năm 2005 là 30 tỷ! Tôi cố vớt vát rằng TT Lê Hồng Phong dẫu hoành tráng nhưng vẫn gọn nhỏ và địa điểm cũng tiện lợi hơn so với TTHNQG này? Ông Nam cười cười bật mí cho tôi hay rằng đã trù liệu cả rồi.

APEC chưa kết thúc, nhưng hãng TOYOTA đã hợp đồng để thực hiện một cuộc triển lãm khá hoành tráng. Cũng chưa hết, đầu năm 2007, Ngân hàng Thế giới WB cũng hợp đồng tổ chức một Hội nghị tầm cỡ! Lại vẫn chưa hết, báo Thanh Niên cũng đã có kế hoạch với TT tổ chức Duyên dáng Việt Nam.

Rồi Đêm Giao thừa hoành tráng sắp tới cũng sẽ được tổ chức ở đây. Và nữa, những điều khoản cuối cùng cho một hợp đồng Triển lãm Nông nghiệp cũng vừa được hoàn tất!

Tôi giật thột nghĩ thêm cái điều, thời buổi kinh tế thị trường, những anh có máu mặt dại chi mà không vào ngồi ở cái nơi mà  những yếu nhân hành tinh này đã từng ngồi họp, đã từng ngồi ăn?

Những chiếc ghế hẵng còn lưu hơi ấm của 21 người đứng đầu các nền kinh tế thành viên APEC cùng rất nhiều doanh nhân hàng đầu thế giới.

Ba phái đoàn của úc đã đến Việt Nam học tập kinh nghiệm để năm 2007, úc là nước chủ nhà APEC. Một điều họ phục Việt Nam đã làm rất tốt việc xã hội hóa APEC. Ông Nam có kể một chuyện là cà phê dùng trong TTHNQG kể cả TT báo chí, ngoài cà phê Trung Nguyên ra còn có cà phê Boloven gọi là cà phê Đào được khách nước ngoài rất chuộng.

Boloven là một cao nguyên của nước bạn Lào. Chị Hương, một Việt kiều phụ trách cơ sở trồng và chế biến cà phê Boloven đã tìm đến Tổng hành dinh này đề nghị được phục vụ APEC 2006 với tấm lòng của một người con xa Tổ quốc.

Các bộ phận có trách nhiệm của Tổng hành dinh đã xem xét kiểm nghiệm cẩn thận và chấp thuận. Chị Hương lại đem tới một máy xay - pha cà phê trị giá 10.000 USD để phục vụ và có nhã ý tặng lại TT sau khi APEC kết thúc. 

Cũng buổi chiều ở Tổng hành dinh APEC, tôi được dẫn lên tầng 2 để ngó qua một căn phòng đặc biệt. Căn phòng độ non ba chục thước vuông, trống trơn! Không hẳn thế mà có một cái bục gỗ nhỏ, trên để một chiếc la bàn.

Quanh đó tôi đếm được chín tấm thảm sặc sỡ mà anh cán bộ dẫn tôi đi nói là thửa tận Ba Tư! Một TTHNQG phục vụ những cuộc họp tầm cỡ quốc tế như thế này không thể không nhớ nhu cầu tôn giáo của đại biểu. Đây chính là căn phòng cầu nguyện dành riêng cho người theo đạo Hồi.

Chợt xa, cái lần ra giàn khoan dầu ngoài khơi Vũng Tầu, trên giàn khoan cũng dành một vị trí cho những cán bộ kỹ thuật nước ngoài hành lễ mỗi ngày vài lần chi đó.

Chợt gần, buổi trưa nay, thấy ba phóng viên người Mã Lai chỉ dùng chuối và bánh mà không xuống phòng ăn miễn phí, nơi phục vụ gần hai ngàn nhà báo ta và tây đang hành nghề tại TT. Liệu ba đồng nghiệp ấy có biết mà đến căn phòng này không nhỉ?

Đang mải ngắm nghía và nghe giải thích rằng, chiếc kim kia của la bàn luôn chỉ về hướng Thánh địa Mecca thì cánh cửa bật mở. Có hai vị khách, một nam một nữ, không rõ người nước nào, mặc âu phục thong thả tiến vào ngồi xệp trên tấm thảm. Anh cán bộ TT ra dấu cho tôi cùng lui mau... 

Chưa tới  4 giờ chiều là bắt đầu thời gian giao ban thường lệ tại Tổng hành dinh nhưng năm tư lệnh về An ninh, Lễ tân, Vật chất Hậu cần, Thông tin văn hóa, Nội dung đã tề tựu đầy đủ.

Tôi thấy những gương mặt quen thuộc  như Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Công Sự , Thứ trưởng Bộ VHTT Trần Chiến Thắng, Trưởng Tiểu ban tuyên truyền APEC Nguyễn Sanh Châu... Họ là thành viên phụ trách các Tiểu ban của APEC Hà Nội.

Ngó những cái cười thân mật và động thái niềm nở khi tiếp xúc với vị Tổng tư lệnh, tôi mang máng cái điều công việc của Tổng hành dinh này đang rất xuôn sẻ trôi chảy...

Cuộc giao ban chiều nay nghe nói phải duyệt lại lần cuối từng chi tiết cụ thể của đêm tiệc Gala Dinner do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và phu nhân chủ trì chào mừng các quan khách APEC vào đêm 19 tháng 11. Trong vô số những phần việc của APEC 14, Gala Dinner hình như là một tiết mục được nhiều người quan tâm?

Ghi chép của Xuân Ba

MỚI - NÓNG