Ở nơi giá dịch vụ đắt nhất Việt Nam

Ở nơi giá dịch vụ đắt nhất Việt Nam
TP - Những ngày qua, nhiều hộ dân sống tại khu đô thị Ciputra (Nam Thăng Long - Hà Nội) đang sống trong cảnh hoang mang trước thông tin không đóng các khoản phí dịch vụ thì sẽ bị cắt điện, cắt nước…
Ở nơi giá dịch vụ đắt nhất Việt Nam ảnh 1
Ciputra - Khu đô thị có giá dịch vụ đắt đỏ nhất  ảnh: Nguyễn Tuấn

“Giá cả quá đắt đỏ: muối mắm cao gấp nhiều lần bên ngoài, ly kem cũng đắt hơn 4 lần. Giá bán cho người Tây cũng không cao thế!”- Chị Hiền, một cư dân ở khu Ciputra cho biết. Hầu hết những cư dân Ciputra người Việt như chị Hiền trót mua nhà vào đây  đành chấp nhận hàng ngày ra ngoài chợ Quảng An, Xuân La mua sắm.

Giá cả đắt đỏ còn có thể ra ngoài nhưng các khoản phí bắt buộc do BQL khu Ciputra quy định không chỉ cao mà rất phi lý. Đầu tiên là khoản đặt cọc 5 triệu đồng/hộ để đấu nối điện nước.

“Nhưng khoản đặt cọc đó lại không có quyết toán cụ thể, khiến chúng tôi nghĩ rằng việc thu tiền của dân có thể có sự mờ ám” - Chị Hiền nói. Kế đó, những thông báo thu phí hàng tháng đã gây bức xúc cho nhiều gia đình ở đây từ tháng 8/2005.

Đáng tiếc, bức xúc đó chưa được BQL giải quyết thì mới đây, Phòng Công sản (có chức năng quản trị khu đô thị) lại ra Thông báo gửi cho các hộ dân về các khoản bắt buộc phải đóng góp hàng tháng.

Các hộ ở khu chung cư (khu G03) phải đóng “phí dịch vụ” từ 350.000-420.000 đồng;  còn các hộ dân sống tại khu biệt thự phải chịu mức phí trên dưới 1 triệu đồng. Khoản phí này được giải thích rõ là các chi phí về: quản lý, an ninh, vệ sinh, điện nước ở các khu vực công cộng (đèn đường, đài phun nước, nước tưới cây…).

Điều mà các cư dân cho là phi lý đó là: Phí dịch vụ được tính cho mỗi hộ gia đình lại dựa trên số m2 diện tích từng căn hộ. Nói cách khác, “chi phí dịch vụ” này chính là tổng chi phí vận hành hàng tháng cả khu chia cho tổng số mét vuông sàn của các hộ hiện đang sinh sống.

Hiện Ciputra quy định mức phí 2.544đ/m2 (chung cư), và 3.800đ/m2 (biệt thự). “Như vậy, diện tích nhà càng lớn thì phí dịch vụ càng cao, dù nhà có 1 hay 10 người cũng thế!” - ông Nguyễn Duy Bình ở biệt thự số 13-G6 bức xúc nói.

Cách tính như trên quá phi lý, vì theo ông Bình, cư dân đang sinh sống tại đây đã phải gánh những chi phí này cho cả những căn hộ chưa có chủ nhân, thậm chí còn trong quá trình xây dựng.

Ông Bình nhẩm tính, nếu tính cả khoản 500.000 đồng gửi xe ô tô hàng tháng (bãi ngoài trời), cộng thêm 7 triệu đồng/người/năm để sử dụng phòng tập thể dục, bể bơi (dịch vụ này tất nhiên không bắt buộc ai cũng phải mua) thì một gia đình có 4 người như nhà ông, mỗi năm phải đóng một khoản phí dịch vụ là khoảng 40 triệu đồng!

Đô thị cao cấp, chất lượng không như ý

Nhiều hộ dân ở Ciputra cho biết chất lượng nhà kém, không như quảng cáo, nhưng vì đã trót “mua trên giấy” nên không biết kêu ai! Ông Bình cho biết: “Do phải sửa chữa, thay thế nhiều, chi phí ngôi biệt thự của ông đã tăng từ 220 lên 300 ngàn USD”.

Thiết bị điện, nước nhiều thứ không bảo đảm. Bồn tắm, gạch lát nền phải thay mới sử dụng được. Chỉ tính riêng phần điện, ông Bình phải thay toàn bộ mất hơn 27 triệu đồng. Mất mấy chục ngàn USD sửa biệt thự, nhưng nước mưa vẫn chảy vào nhà theo cửa sổ.

Ông Bình phải kiến nghị nhiều lần mới được Ciputra sửa chữa.Tương tự, do thiết kế bất hợp lý, nhà bà Nguyễn Thị Bảy (khu C4) cũng  bị nước  mưa chảy vào trong nhà. Bà Bảy đã mất hơn chục triệu đồng tự sửa nhà nhưng Ciputra chưa có ý kiến gì!

Không có tổ dân phố: Thiệt đủ đường

Do thường xuyên bị áp đặt các khoản thu bất hợp lý, nhiều hộ dân  đã phản đối và yêu cầu được Ciputra giải thích rõ ràng. “Chúng tôi đã gửi yêu cầu đến Phòng Công sản và ông Sutro Bo-Tổng Giám đốc dự án nhưng chưa hề nhận được trả lời”.

Thay vào đó - theo quy định riêng của Ciputra - những cư dân này có thể bị cắt điện, cắt nước bất cứ lúc nào nếu chậm nộp tiền phí theo thông báo. Theo ý kiến chung, mức phí dịch vụ mà Ciputra đưa ra quá cao và bất hợp lý. Vì vậy đến nay chưa hộ nào chịu nộp tiền.

Ví dụ, biệt thự 225 m2 Ciputra đưa ra mức phí khoảng 1 triệu đồng/tháng, trong khi đó tại Phú Mỹ Hưng (TP HCM), một khu đô thị có chất lượng tốt hơn nhiều, mức phí chỉ bằng 1/4 (biệt thự 500 m2, phí 450.000-500.000 đồng/tháng).

Ngoài ra, mức phí này không tương xứng với chất lượng như những gì mà Ciputra đã cam kết. Hơn một năm đưa vào kinh doanh nhưng Ciputra vẫn chưa có hạ tầng thiết yếu như: trường học cho người Việt, siêu thị, trạm y tế… An ninh cũng chưa thật tốt: Người lạ bên ngoài vẫn ra vào quá nhiều, và đã xảy ra một số vụ mất cắp.

Nhiều chuyện phiền phức bi hài, chẳng hạn “Người, xe trong khu phải mang số! Sống trong khu đô thị mà chẳng khác bị bế quan tỏa cảng”- ông Bình nói.

Ciputra Hà Nội là khu đô thị cực kỳ đắt đỏ nhưng lại thiếu đồng bộ về hạ tầng nên đã gây rất nhiều khó khăn cho sinh hoạt của người dân: Các gia đình  nếu không ra ngoài thì phải gửi con vào trường của Tây giá gửi trẻ 300 USD/cháu/tháng, ở trường quốc tế thì học phí tới hơn 1 triệu đồng/ngày (một năm học 180 ngày phải trả 14.000 USD học phí + các chi phí khác).

Chị Hiền cho biết: “Đó là mức chi phí rất cao, dù có thu nhập cao, vợ chồng tôi cũng không thể trang trải được nên các cháu đều phải xin học ở nơi khác”.

Nói là khu đô thị cao cấp, nhưng người dân ở đây đang sống trong những tiêu chuẩn thấp cấp: Không có sân chơi cho trẻ em, không công viên, trạm y tế... Ông Bình phàn nàn: “Họ làm gì tùy thích, muốn thu gì thì gửi trát đến nhà, chúng tôi chẳng có quyền gì!”.

Các phiếu thu của Ciputra cho thấy giá điện, nước cao hơn hẳn giá của ngành điện và Cty nước sạch đang bán cho các hộ dân bên ngoài và đó là giá do Ciputra tự ý quy định. “ở đây không có tổ dân phố, đại diện chính quyền nên người dân rất thiệt thòi. Khi đến ở mới thấy chất lượng dịch vụ không đúng như họ đã quảng cáo”- Chị Nguyễn Thị Hiền, một cư dân khu cao tầng nói.

Chiều qua (22/2), PV Tiền Phong đã liên lạc với Phòng quản lý công sản của Ciputra để làm rõ một số vấn đề nhưng đại diện của Ciputra cho biết Ban lãnh đạo đi vắng, không ai có thể trả lời.

MỚI - NÓNG