Ông Bảy Ruộng, anh hùng, lão nông...

Ông Nguyễn Văn Bảy nắm tay cựu phi công Mỹ Marshall L.Michel III tại cuộc gặp hồi tháng 1/2018
Ông Nguyễn Văn Bảy nắm tay cựu phi công Mỹ Marshall L.Michel III tại cuộc gặp hồi tháng 1/2018
TP - Như lá rụng về cội, gắn bó với quê nhà những năm tháng cuối đời sau mấy chục năm cống hiến cho Tổ quốc với những chiến công kỳ tích, Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy trở về là một lão nông miền Tây thực thụ, một công dân mẫu mực.

Người bạn tri kỷ 

Ngày 24/9, từ trung tâm thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi theo con đường ven rạch Bá Vinh, tìm đến nhà anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (căn nhà cấp bốn của vợ chồng ông tạm thời đóng cửa vì gia đình ông hiện đang ở thành phố Hồ Chí Minh). Ở khu vực khóm 1 của thị trấn này, ai cũng biết ông Nguyễn Văn Bảy và ông Võ Văn Bảy (thường gọi Bảy Bút, 60 tuổi) là hàng xóm và cũng là bạn tri kỷ gần 10 năm qua. Tiếp chúng tôi với vẻ mặt hốc hác, đôi mắt đỏ hoe, ông Bảy Bút cho biết, mấy hôm nay khó ăn khó ngủ vì nhớ ông Nguyễn Văn Bảy. “Lần nào đi đâu ổng cũng nói với tôi, nhưng lần này ổng không nói gì hết trơn” - ông Bảy Bút bắt đầu câu chuyện.

Ông Bảy Bút nhớ lại, khoảng năm 2009, ông Bảy từ Sa Đéc về sống ở đây, không lâu sau thì hai người thân nhau, từ đó đến nay. Mỗi sáng, cứ đúng 4 giờ, hai ông bắt đầu ngồi cùng nhau với ly cà phê, ấm trà, bắt đầu một ngày mới, khoảng 6 giờ thì ai làm việc nấy, chủ yếu vẫn với vườn, với ruộng… Chiều về thi thoảng rảnh rỗi họ lại cùng nhau "lai rai" với đặc sản cây nhà lá vườn, cá tôm dưới kênh, trong hồ. Ông Bảy Bút kể, ông Bảy tuy lớn tuổi nhưng còn rất khỏe, việc gì ông cũng làm được, từ trồng rau, nuôi cá, đặt dớn bắt cá dưới kênh…, ngoài việc gia đình, ông còn giúp đỡ bà con không ngần ngại.

Đặc biệt, ông cũng là người khởi xướng rồi kêu gọi, vận động, rồi cùng địa phương đầu tư được con đường bê tông dài hơn 1,2km, rộng 3,5m cho cả chục hộ dân được đi. “Nếu không có ông ấy, không biết chừng nào mới có con đường này” - ông Bảy Bút chỉ tay ra con đường trước nhà nói. Không những vậy, từ khi ông Bảy về đây, ông đã bàn bạc cùng ông Bảy Bút rồi đứng ra kéo điện về cho bà con, rồi vận động, kêu gọi để có nước sạch cho người dân nơi đây. Cũng là hàng xóm của ông Bảy, anh Ngô Thái Hòa (45 tuổi) cho biết, ông Bảy sống rất hòa đồng, thương bà con lối xóm, có gì cũng chia sẻ cho con cháu hàng xóm láng giềng. “Ở đây ai cũng thương ổng hết trơn à” - anh Hòa nói.     

Nhắc lại hôm cuối cùng gặp ông Bảy, ông Bảy Bút kể: “Sáng hôm đó, ông Bảy vẫn tới uống cà phê như mọi ngày, sau đó về ổng ra dỡ dớn, rồi còn đem cá cho tui và hẹn chiều sẽ lai rai. Nhưng đến trưa, khi nghe vợ ổng đến kêu, tui cùng mọi người hốt hoảng đi kiếm”. Ông Bảy đã gắng làm việc gắng sức hôm đó và đã ngã sau vườn nhà, mọi người đã nhanh chóng gọi cấp cứu đưa ông đến bệnh viện tại Sa Đéc rồi chuyển lên thành phố Hồ Chí Minh. “Tui cũng không ngờ, cũng không ai ngờ là xảy ra nhanh vậy. Tui còn chưa kịp thắc mắc sao ổng đi đâu mà không nói gì. Từ bữa đó đến nay nghe thiếu vắng, nhớ ổng, rồi đến khi nghe ổng đi luôn càng buồn hơn. Ổng mới mua chiếc xuồng gần 4 triệu đồng để “hành nghề”, nhưng chưa kịp sử dụng, còn để đó kìa” - ông Bảy Bút nói.

Những vị khách đặc biệt

Đầu năm 2018, tại quê nhà Lai Vung, ông đã đón đoàn khách đặc biệt đến thăm, trong đó có Đại tá Marshall L.Michel III - cựu phi công Mỹ hai người từng là đối thủ tìm diệt nhau trên bầu trời Việt Nam năm nào. Dẫn đoàn khách hôm đó, Đại tá Kiều Dũng (nguyên Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân) cho hay: Marshall L.Michel III dù đã có 321 phi vụ bay trinh sát bằng F4 trên bầu trời Việt Nam nhưng cũng chỉ được nghe có những phi công Việt Nam giỏi như ông Bảy.

Họ không biết tên, cũng không biết mặt nhau. Kết thúc chiến tranh, từ những cuốn sách về không chiến, đặc biệt là cuốn “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ hai phía” do tác giả Nguyễn Sỹ Hưng, Nguyễn Nam Liên và nhóm các cựu phi công biên soạn (NXB Quân đội nhân dân, xuất bản tháng 12/2013), ông Marshall L.Michel III mới biết đến phi công Nguyễn Văn Bảy.

Tháng 4/2016, đoàn khách 11 cựu phi công Mỹ đã có chuyến thăm Việt Nam. Đáp lại, tháng 9/2017, đoàn 12 cựu phi công tiêm kích Việt Nam do Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát dẫn đầu đã có chuyến thăm thành phố San Diego, Mỹ. Cuộc hội ngộ lịch sử lần thứ hai đó có chủ đề “Từ không chiến đến hòa giải”, Marshall L.Michel III và Nguyễn Văn Bảy đã gặp nhau. Không chỉ có Marshall L.Michel III mà trước đó Thiếu tá Hải quân Hoa Kỳ Joseph Charlie Plumb cũng có cuộc gặp gỡ đặc biệt với Nguyễn Văn Bảy tại quê nhà Đồng Tháp, hai người từng chạm trán trên bầu trời Bắc Việt Nam.

Nói về quá khứ, với Marshall, Nguyễn Văn Bảy là một con người rất anh hùng, dũng cảm, một người lính có tài năng đặc biệt trong không chiến. “Chúng tôi nghĩ rằng, đã rất may mắn khi ông Bảy không tham gia không chiến từ năm 1967, bởi nếu ông tiếp tục ngắm bắn trên không thì ắt sẽ còn nhiều máy bay của chúng tôi bốc cháy” - ông Marshall nhớ lại. Đến thăm ông Bảy lần này, Đại tá Marshall không khỏi bất ngờ bởi ông không nghĩ rằng một phi công huyền thoại như thế lại sống ở miền quê mộc mạc này, nhưng ông cũng rất ấn tượng khi cho rằng, khu vực nông thôn này thật đẹp, tĩnh lặng và tuyệt vời.

“Tôi cũng nghĩ rằng, khi mọi thứ đã kết thúc thì chúng tôi cần gần lại bên nhau để hiểu nhau hơn. Khi chúng tôi rút khỏi Việt Nam là những người lính thì giờ đã đến lúc chúng tôi quay lại như những người bạn. Cảm xúc của mọi người Mỹ đến Việt Nam đều rất là ấn tượng, nhiều người Mỹ đến đây không những một lần mà rất nhiều lần. Tôi tin rằng, các mối quan hệ đó ngày càng đẹp, đặc biệt là khi chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ” - cựu phi công Mỹ chia sẻ.

Sau khi nghỉ hưu, Đại tá, Nguyễn Văn Bảy rời TP Hồ Chí Minh cùng vợ về thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp sinh sống. Một thời gian sau, ông giao lại nhà cho con gái, cùng vợ trở về quê nhà huyện Lai Vung để được sống với nghề nông. Ông cần mẫn lao động làm kinh tế, tích cực tham gia công tác địa phương, vận động bà con đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đời sống văn hóa mới. Dù là phi công huyền thoại nhưng người dân ở đây đã quen thuộc với hình ảnh một lão nông chân chất, giản dị.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.