Ông Bửu “lúa”

Ông Bửu “lúa”
TP - Người đang thầm lặng đứng sau những nghiên cứu về giống lúa thông minh là GS.TS Bùi Chí Bửu - Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long. 
Ông Bửu “lúa” ảnh 1
GS Bùi Chí Bửu

Trong tương lai không xa, nhà nông đất Việt sẽ có những giống lúa thông minh, biết chữa bệnh cho con người bằng cách hút các tinh chất cần thiết từ lòng đất rồi đúc  vào trong hạt gạo.

Chuyên gia đầu ngành về cây lúa

Duyên nợ với cây lúa của Bửu bắt đầu từ chuyện trốn lính trong chế độ cũ, thi đỗ vào Đại học Nông lâm. Ra trường, anh xuống ĐBSCL “ba cùng” với bà con nông dân để nghiên cứu hạt ngọc trời.

GS Bửu tâm sự: “ấn tượng lớn nhất của tôi lúc bấy giờ là chuyện bà con nông dân sống bên cạnh những cánh đồng phì nhiêu nhưng đời sống của họ lại quá cơ cực.

Thời điểm những năm sau giải phóng, mang tiếng là sống ở xứ lúa gạo, mà mọi người phải xếp hàng với cái sổ gạo trên tay, nếu chẳng may mất sổ gạo là cả nhà đói to.

Chứng kiến cảnh đó ai mà không day dứt, nhất là những người làm khoa học trong ngành nông nghiệp. Bản thân anh em chúng tôi lúc đó ở Viện Lúa, nhưng toàn phải ăn loại gạo kém phẩm chất. Cả một đồng bằng lớn như vậy mà một năm chỉ sản xuất được trên dưới 5 triệu tấn lúa”.

Mười năm sau khi đặt chân đến Viện Lúa, năm 1988, ở tuổi 35, chàng trai Bùi Chí Bửu bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Nghiên cứu đặc điểm giống lúa nước sâu ở ĐBSCL, phục vụ cho công tác chọn giống”. Sang tuổi 36, TS Bùi Chí Bửu được đề bạt làm Viện phó Viện Lúa, một trong những cán bộ lãnh đạo cấp viện trẻ nhất thời kỳ này.

Mỗi năm thu về 80 triệu USD

Được biết, vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, chương trình “1 triệu ha lúa xuất khẩu ở ĐBSCL” đã được GS.TS Bùi Chí Bửu và một số đồng nghiệp đề xuất với Bộ NN&PTNT.

Trong những năm gần đây, Chương trình này đang mang lại cho đất nước mỗi năm số tiền tương đương 80 triệu USD.

Chương trình được triển khai, diện tích trồng giống lúa tốt của bà con nông dân từ chỗ chỉ chiếm 2%, trong vòng 5 năm đã phát triển đến trên 30%.

Nếu như gần chục năm nay VN chỉ xuất khẩu được dưới 4 triệu tấn gạo, thì năm 2005 VN đã đạt kỷ lục về xuất khẩu gạo với 5,2 triệu tấn.

Năm 2004 ông chính thức được phong hàm giáo sư, trở thành chuyên gia đầu ngành về cây lúa ở nước ta. Sự say mê với cây lúa của GS.TS Bùi Chí Bửu không chỉ được đo đếm bằng trên một trăm công trình nghiên cứu về giống lúa, hai giáo trình và ba cuốn sách về chuyện cây lúa của ông, mà kết quả của sự say mê còn hiện diện bằng những mùa vàng bội thu trên khắp các cánh đồng ở ĐBSCL.

Nhắc đến những đóng góp của GS Bửu, các chuyên gia nông nghiệp vẫn thường đề cập đến giống lúa cực sớm. Nhờ thay đổi giống lúa cực sớm, trồng vào hai vụ trước và sau mùa lũ để tránh lũ, từ chỗ năng suất chỉ đạt 2tấn/hecta đến nay bà con nông dân ĐBSCL đã nâng lên 10 tấn/ha.

“Hiện cả đồng bằng mỗi năm đã sản xuất được trên 19 triệu tấn lúa”- GS Bùi Chí Bửu tự hào nói.

Và những trăn trở

Trò chuyện với GS.TS Bùi Chí Bửu, điều mà ông luôn trăn trở là dù chúng ta đã đạt được nhiều thành quả về xuất khẩu lúa gạo, nhưng nông dân trồng lúa vẫn là những người nghèo nhất trong các loại nông dân, nghèo cả về vật chất lẫn đời sống tinh thần.

Mười năm nay, mặc dù sản lượng lương thực cứ mỗi năm lại tăng hơn một triệu tấn, nhưng thu nhập của người trồng lúa thì vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu.

GS Bùi Chí Bửu tâm sự: “ĐBSCL là một trong những đồng bằng trù phú bậc nhất của thế giới, tiềm lực ở đây chưa thể nói là mình đã đánh thức hết”.

Về dự án giống lúa thông minh, GS Bửu cho biết: “Đến nay, bằng cách kết hợp giữa nghiên cứu chọn giống truyền thống và xử lý sinh học, Viện Lúa đã có những vật liệu bước đầu cho việc ra đời hai loại gạo giàu sắt và vitamin A”.

Tới đây, có thể các chủ nhân của những ruộng lúa thông minh ở ĐBSCL sẽ không biết nhà khoa học đã tạo ra hạt giống có khả năng mang lại thu nhập cao cho họ là ai, nhưng giới nghiên cứu hẳn sẽ đọc tên nhà khoa học đó là: Ông Bửu “lúa”!

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.