Ông chủ tật nguyền giúp người đồng cảnh

Ông chủ tật nguyền giúp người đồng cảnh
TP - Trần Hữu Học bị liệt cả 2 chân khi lên 4 tuổi. Càng lớn anh càng dằn vặt, mặc cảm bởi sự thất bại trong cuộc sống. Rồi một đêm đông nát nhàu trong men rượu giữa phố núi, sự động viên của bà hàng rong vỉa hè đã giúp anh đứng dậy... 
Ông chủ tật nguyền giúp người đồng cảnh ảnh 1
Trần Hữu Học (chống nạng) và những lao động tật nguyền ở xưởng mây tre lá

Quốc lộ 14 vừa ra khỏi nội thị Pleiku, một ngày đẹp trời đầu năm 2007 xuất hiện xưởng: Mây-tre-lá chuyên đan những khay đựng trái cây xuất khẩu. Những người qua lại lấy làm lạ bởi từ chủ đến thợ đều là người tật nguyền. Đồng bào Kinh có, Ba Na, Jơ Rai…có.

Đến giờ làm tất cả đều dồn tâm sức cho công việc. Những thao tác đan lát với người bình thường sẽ chẳng mất nhiều thời gian, công sức song với không ít thợ trẻ ở đây nhìn họ đan vào, tháo ra tỉ mẩn và cực nhọc.

Anh Trần Hữu Học đang quản lý xưởng cơ khí tại nhà ở phường Hội Phú-Pleiku thì một ngày kia được tin Sở Lao động-TBXH Gia Lai liên kết với trường Trung cấp nghề mở lớp đào tạo cho người khuyết tật.

Thương người đồng cảnh ngộ, Học ra trường xem để có thể giúp được gì các em làm nghề cơ khí của mình không. Khi thấy đa số học viên đều là nữ giới, lại quá đông, gần 60 người, anh nghĩ rằng phải có một ngành nghề khác vừa phù hợp với tất cả mọi người, lại giải quyết được nhiều lao động. Vậy là xưởng may tre lá xuất khẩu của doanh nghiệp anh ra đời.

Những người đến đây vừa học việc vừa làm ra những đồng tiền đầu tiên trong đời. Phan Thị Liên 20 tuổi quê ở huyện Ia Grai xúc động cho biết: Em bị liệt 1 cánh tay từ nhỏ. Khi học đến lớp 9 vì mặc cảm em đã nghỉ học. Ở nhà chỉ đỡ đần công việc nhà cho bố mẹ.

Càng lớn em thấy mình là mối lo toan của người thân trong gia đình nên rất áy náy. Em quyết tâm học một nghề nuôi sống bản thân, tự lo tương lai mình.

Anh Học cho biết: Đối với người bình thường mức giao khoán của anh mỗi ngày họ sẽ có thu nhập từ 30.000 đến 50.000đồng, song với các bạn khuyết tật, thu nhập những tháng đầu tiên còn khá khiêm tốn, chỉ trên dưới 10.000đ/người/ngày. Tuy nhiên những đồng tiền ban đầu rất có ý nghĩa, là nguồn động viên giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Gương chiến thắng  mặc cảm khuyết tật

Anh Trần Hữu Học sinh năm 1963 ở quận I-TP Hồ Chí Minh, năm lên 4 tuổi sau 1 cơn sốt bệnh bại liệt đã cướp mất đôi chân anh. Bố mẹ anh bán toàn bộ gia sản chạy chữa cho con không khỏi. Năm 1969 vì buồn chán, ba mẹ Học bỏ Sài Gòn lên Pleiku sinh sống.

Gia đình hết lòng thương yêu đứa con trai duy nhất sớm chịu cảnh tàn tật. Ba thường vỗ về động viên, khuyên nhủ: “Con rán học lấy nghề để sau này lo cuộc sống cho mình. Không ai nuôi mình mãi đâu. Con phải có nghề nghiệp  để sống với cuộc đời”.

Ba anh làm cơ khí, một nghề khá nặng nhọc với cả người lành lặn. Dù vậy, từ nhỏ ba đã hướng cho Học làm những việc vừa sức anh. Năm 22 tuổi Học mở xưởng cơ khí riêng, là 1 trong 3 xưởng sửa chữa lớn nhất Pleiku những năm đầu đổi mới.

Công việc đang ăn nên làm ra, có tiền ham nhiều tiền, năm 1985 đến 1987 anh xuôi ngược Nam-Bắc mua máy móc về lắp ráp. Buôn bán đường dài, đất khách quê người đầy khắc nghiệt, nhất là với người tàn tật. Năm 1987 anh bị một người ở Hà Nội lừa ẵm toàn bộ vốn liếng đến nỗi không có tiền xe về lại quê nhà.

Chán nản, anh lang thang ở Thủ đô 6 tháng ròng làm thuê kiếm sống, không chịu về. Gia đình khuyên nhủ không được, mẹ anh từ đó đâm ra trọng bệnh, lúc ấy Học mới trở lại phố núi.

Chán nản, Học sống buông thả say xỉn triền miên. Gia đình bất lực. Trong một lần chợt tỉnh cơn say trên hè phố Pleiku, một người bán hàng rong ven đường tâm tình với Học: “Cháu xem đi, người bình thường say xỉn còn khó coi, huống hồ người khuyết tật.

Cháu còn trẻ cố gắng sẽ làm lại từ đầu. Phải hứa với cô là thay đổi được…”. Học tỉnh ngộ lại, mượn vốn thuê nhà mở quán cà phê. Quán sá thất bại anh chuyển sang bỏ mối nước giải khát từ Pleiku về các huyện rồi chạy đến các xưởng cưa mua củi về bỏ lại các tiệm bún bánh lấy đồng lời. Rồi mở xưởng in lụa…

Dấn thân vào những nghề không chuyên, khiến anh chẳng thành công trên lĩnh vực nào. Năm 1995 một người con gái đem lòng yêu anh, họ vượt qua tất cả mọi sự cản ngăn để về sống với nhau. Bây giờ vợ chồng anh đã có 3 con 2 gái 1 trai. Anh trở lại với nghề cơ khí, trở thành người trụ cột kinh tế gia đình.

Năm 2002, khi kinh tế đã tương đối  vững Học nghĩ đến việc phải liên kết giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ, anh cùng vận động thành lập câu lạc bộ những người khuyết tật TP Pleiku. Câu lạc bộ nhằm thông tin động viên giúp đỡ những người không may vươn lên trong cuộc sống.

Năm 2005, để thuận lợi trong làm ăn Trần Hữu Học thành lập doanh nghiệp tư nhân Hữu Học, anh làm giám đốc. Việc mở rộng ngành nghề sang đan lát mây tre lá xuất khẩu là để Học giải quyết việc làm cho nhiều người có cảnh ngộ như anh. Năm 2006 anh vinh dự được Bộ LĐTBXH tặng Bằng khen người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.

Anh Học gọi điện cho tôi khi đại hội Đoàn IX vừa bế mạc. Anh nói Bí thư Thứ nhất TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã đề cập đến việc giải quyết việc làm cho người khuyết tật.

Đây là nội dung rất phù hợp với tâm nguyện của hàng nghìn hộ gia đình có hoàn cảnh không may ở Gia Lai. Anh hứa sẽ làm cầu nối tư vấn giúp Đoàn giải quyết ngày càng nhiều chỗ làm cho người khuyết tật giúp họ có nghề nghiệp phù hợp sớm vươn lên trong cuộc sống.

Vượt qua khiếm khuyết, tật nguyền vươn lên trong cuộc sống để có một gia đình hạnh phúc và giờ biết tương thân tương ái. Trần Hữu Học làm được nhiều điều mà không ít người lành lặn mơ cũng chẳng thành.

MỚI - NÓNG