Ông Cù Huy Hà Vũ "ứng cử" chức Bộ trưởng

Ông Cù Huy Hà Vũ "ứng cử" chức Bộ trưởng
Chiều 8/5, ông Vũ đã gửi đơn tự ứng cử chức Bộ trưởng Văn hoá Thông tin tới 4 địa chỉ: Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.
Ông Cù Huy Hà Vũ "ứng cử" chức Bộ trưởng ảnh 1
Ông Cù Huy Hà Vũ

Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu khẳng định, đây là điều chưa từng có tiền lệ.

"Điều 53 Hiến pháp quy định, công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội... do đó tôi thấy mình hoàn toàn có quyền ứng cử vào vị trí bộ trưởng", tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ khẳng định với chúng tôi chiều 9/5.

Ông cho biết, là người viết văn, nghiên cứu lịch sử, có nhiều hoạt động trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật nên ông tự nhận thấy có sự hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực văn hoá.

"Từ nhiều năm nay, tôi đã đấu tranh chống sự xuống cấp về văn hoá nhưng hiệu quả không là bao. Vì vậy, với tôi, giải pháp tốt nhất là trực tiếp tham gia quản lý điều hành ngành Văn hoá Thông tin", ông Vũ nói.

Ông Cù Huy Hà Vũ, 49 tuổi, làm việc tại Bộ Ngoại giao từ năm 1979. Ông có bằng thạc sĩ văn chương, tiến sĩ luật tại Pháp; ông cũng tốt nghiệp Học viện Quốc tế hành chính công của Pháp.

 Ông Vũ là con nhà thơ Huy Cận, con nuôi nhà thơ Xuân Diệu.

Trong "chương trình hành động", ông Vũ nêu 3 vấn đề. Đầu tiên, giải quyết nạn vi phạm bản quyền; tệ nạn núp bóng hoạt động văn hoá. Thứ hai, rà soát năng lực cán bộ ở các cấp. Thứ ba, chấn hưng văn hoá dân tộc và hội nhập văn hoá thế giới.

Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Lê Quang Bình cho hay, ông đã nhận được đơn của ông Vũ và chuyển cho Ban công tác đại biểu để chuyển cho Uỷ ban thường vụ và Quốc hội. "Cá nhân tôi cho rằng, đây là tin vui bởi điều này cho thấy sinh hoạt chính trị của chúng ta ngày càng dân chủ", ông Bình đánh giá.

Tuy nhiên, đề cập đến góc độ pháp lý của vấn đề này, ông Bình cho biết, luật pháp quy định công dân từ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và khi đủ 21 tuổi có quyền ứng cử vào Hội đồng nhân dân các cấp và Quốc hội. "Hiện không có quy định nào về việc công dân ứng cử vào cơ quan hành pháp", ông Bình nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu cũng khẳng định, chỉ có Thủ tướng mới có quyền giới thiệu nhân sự thành viên Chính phủ để QH xem xét phê chuẩn.

"Trường hợp của anh Cù Huy Hà Vũ không thể gọi là ứng cử vì Chính phủ không phải là cơ quan để ứng cử. Mà đây có thể hiểu là anh Vũ đề đạt nguyện vọng, mong muốn cá nhân. Có chấp nhận hay không là quyền của Thủ tướng", người đứng đầu cơ quan tư pháp của Chính phủ nhìn nhận.

Ông cũng cho biết thêm, từ trước tới nay, ông chưa thấy tiền lệ công dân tự ứng cử vào chức Bộ trưởng.

Tối 9/5, ông Nguyễn Kinh Quốc, người phát ngôn của Thủ tướng, cho hay, ông chưa hề nhận được thông tin về vấn đề này.

Trong kỳ Đại hội Đảng X vừa qua, trả lời về khả năng người ngoài Đảng ứng cử chức thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Văn hoá Thông tin Phạm Quang Nghị cũng bộc lộ quan điểm khuyến khích bộ trưởng là người ngoài Đảng.

Hiện, ông Cù Huy Hà Vũ là người ngoài Đảng.

Theo Vnexpress

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.