Ông 'Đại sứ WTO' và hai mươi cái tết xa nhà

Ông 'Đại sứ WTO' và hai mươi cái tết xa nhà
TP - Chỉ trong hơn nửa ngày, máy bay đã đưa Đại sứ Ngô Quang Xuân từ VN sang đến Hoa Kỳ, nơi ông từng nhiều năm là Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc. Hành trình của ông cũng giống như Sứ thần Bùi Viện-nhà ngoại giao đầu tiên của VN đặt chân đến Hoa Kỳ vào mùa xuân năm Quý Dậu (1873).
Ông 'Đại sứ WTO' và hai mươi cái tết xa nhà ảnh 1

Ngày 11/6/2007, tại Giơnevơ ( Thụy Sĩ ), Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã thay mặt Đảng và Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Phái đoàn đại diện thường trực nước ta bên cạnh Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Giơnevơ và trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì cho Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện Ngô Quang Xuân vì đã có thành tích xuất sắc trong việc đàm phán Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN

Chỉ khác là, sứ thần Bùi Viện mất hơn ba tháng để vượt qua nửa vòng trái đất bằng tàu thủy. Thế giới đã phẳng đi nhiều trong hơn một thế kỷ qua, nhưng câu chuyện về các vị sứ thần-đại sứ thì vẫn còn nguyên mấy chữ “mang chuông đi đánh xứ người”.

1. Mùa hè năm 1993, tôi cùng gia đình đến New York, bây giờ nghĩ lại cũng không hiểu nổi vì sao có thể ở lại cái xứ bên kia bán cầu đến gần bảy năm trời như vậy.

Có lẽ nguyên nhân chính là do công việc bộn bề, việc học hành của hai cô “công chúa” (Hoa hậu Thế giới người Việt lần thứ nhất Ngô Phương Lan và chị gái-P.V) làm ấm lòng chúng tôi, chứ thực ra ở vào thời điểm đó, sự an toàn trong cuộc sống hàng ngày của các gia đình ngoại giao ta trên đất Mỹ còn nhiều nhạy cảm.

Thi thoảng các đại sứ vẫn nhận được những cú điện thoại dọa đặt bom vào xe, dọa bắt cóc con.... Chúng tôi luôn phải cảnh giác, đề ra nhiều phương án an ninh, rồi vận động đấu tranh.

2. Những khoảnh khắc tĩnh lặng hiếm hoi của nghề Đại sứ thường đưa tôi về với các kỷ niệm luôn đầy ắp sự kiện gắn kết quá khứ và hiện tại. Còn nhớ, một ngày đầu tháng 9/1993, khi tôi đến chào xã giao ông Kofi Annan (nguyên Tổng Thư ký LHQ- PV), lúc đó ông là Phó Tổng Thư ký phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, ông rất chăm chú nghe tôi thông báo những thành tựu của đất nước ta.

Ngay thời điểm đó, ông Kofi Annan đã tỏ ra rất am tường việc Việt Nam vừa chuyển từ nước luôn thiếu lương thực đến sẵn sàng xuất khẩu gạo.

Tôi còn nhớ mình đã cảm thấy thú vị như thế nào khi ông nói với tôi, đến một ngày nào đó ông tin là bộ đội Việt Nam sẽ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, sẽ có mặt bên cạnh lực lượng quân sự của các nước khác, kể cả Mỹ...

Cho đến tháng 2/1997, nhận được chỉ đạo ở “nhà”, chúng tôi đã tuyên bố với thế giới là Việt Nam sẵn sàng tham gia làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, và đã được phép chính thức “xếp gạch” vào hàng dài chờ đến lượt.

Giờ đây, khi Việt Nam đã được bầu với số phiếu cao làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, bản thân tôi tin rằng, chúng ta sẽ sớm cân nhắc việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình phù hợp với khả năng và chính sách đối ngoại truyền thống của dân tộc ta.

Ông 'Đại sứ WTO' và hai mươi cái tết xa nhà ảnh 2
Gia đình Đại sứ Ngô Quang Xuân. Ảnh: Phạm Yên

3. Năm 1995, khi đang là Đại sứ tại LHQ, tôi vinh dự được chứng kiến một sự kiện lịch sử. Đó là, từ ngày 20 đến 26/10/1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã dự tuần lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập LHQ.

Lần đầu tiên máy bay Việt Nam hạ cánh xuống đất Mỹ, sân bay JFK của thành phố New York. Sau này mỗi lần vào phòng họp của Hội đồng Bảo an, đi qua nơi đặt phiên bản đồ sộ Trống Đồng Ngọc Lũ ngay lối cửa ra vào, tôi lại nhớ như in đến từng chi tiết chuyến đi của đoàn cấp cao nhất Nhà nước ta tới đất Mỹ (tính đến thời điểm năm 1995-P.V).

Phiên bản Trống Đồng này là quà tặng của Chủ tịch nước ta cho LHQ, được đặt ngay lối ra vào của Hội đồng Bảo an. Cũng từng có ý kiến đề nghị chuyển vị trí đặt Trống Đồng Việt Nam đi nơi khác, tôi không biết từ ai, từ nước nào, nhưng ý kiến đó đã được đưa lên tới cấp cao nhất của LHQ. Tôi mất đến gần 4 tháng kiên trì gặp gỡ, giải thích, thuyết phục để người ta không chuyển Trống Đồng khỏi vị trí này.

Có nhiều lập luận, nhưng tôi có nói rằng 80 triệu dân Việt Nam đều đã biết rất rõ vị trí đặt quà tặng của Chủ tịch nước ta cho LHQ, bây giờ nếu chuyển đi, LHQ sẽ nói gì đây, tôi là Đại sứ sẽ giải thích với đồng bào tôi thế nào đây...

4. Đến nay tôi đã có hơn hai mươi cái tết xa nhà, trong đó 9 năm học ở Nga, gần hai năm học ở Thụy Sĩ và hơn 12 năm làm Đại sứ. Những thời khắc giao thoa của năm cũ và năm mới luôn làm sống dậy trong tôi kỷ niệm sâu sắc về cộng đồng người Việt ở Nga, ở Mỹ, ở Thụy Sĩ.

Mỗi lần xuân về tết đến, dù ở xa quê hương đất nước, nhưng ở đâu chúng tôi cũng nhận được sự chia sẻ tình cảm chân thành của bà con Việt kiều, và cách thể hiện cũng theo đặc thù từng hoàn cảnh.

Ở New York, có lần tôi đang cùng anh chị em chuẩn bị bàn thờ tết thì lễ tân báo có khách đến xin  gặp riêng Đại sứ. Thật xúc động khi biết hai người đến thăm tôi lần đầu tiên đó là hai vợ chồng trong một gia đình vốn là sĩ quan chính quyền Sài Gòn cũ.

Họ mang bánh chưng tự gói đến tặng, nhưng dặn kỹ tôi là đừng nói họ đã đến thăm riêng Đại sứ, không phải họ còn mặc cảm mà vì họ ngại những người còn cố tình nuôi dưỡng hận thù có thể sẽ đối xử tệ với gia đình họ. Sau này tôi hết sức vui mừng được biết họ đã về thăm quê hương và vận động nhiều bạn bè cùng về trong những chuyến về nước tiếp theo...

Những Tết gần đây ở Thụy Sĩ, bà con Việt Kiều đến với chúng tôi ngày càng đông, chỉ ngồi với bà con uống chén nước và kể chuyện quê hương, chúng tôi cũng có cảm nhận thật sâu sắc những tấm lòng hướng về cội nguồn của bà con. Những ngày này, trong lúc mọi người ở Việt Nam đang chuẩn bị đón năm mới Mậu Tý, tôi và gia đình lại đón thêm một cái tết xa quê.

Duyên phận cuộc đời “cột chặt” với WTO

Năm 2002, khi nước ta bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động đàm phán gia nhập WTO, tôi được cử sang Giơnevơ-nơi WTO đặt trụ sở chính-nhận nhiệm vụ mới là: Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ/WTO và các tổ chức quốc tế tại Giơnevơ.

Tôi hay nói với bạn bè thân thiết rằng tôi là người tin vào duyên phận cuộc đời mình. Thời gian không cánh mà cứ như bay, khi nhìn lại quãng đường đi qua, đôi lúc tôi thấy có thể làm hơn được những gì đã làm, học hơn được những gì đã học...

Nhưng thường thì tôi thấy mình đã hết sức cố gắng, có lẽ chính nhờ duyên phận nên vào nhiều thời điểm khác nhau, công việc đã gắn liền tôi với những dấu ấn có ý nghĩa bước ngoặt của nền ngoại giao đa phương.

Tôi được may mắn là một trong những người đầu tiên góp phần xây dựng ý tưởng, lên đề án và tổ chức vận động đăng cai Hội nghị cấp cao khối Pháp ngữ (1997), Hội nghị thượng đỉnh APEC (2006), việc nước ta làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ...

Rồi duyên phận đã cho tôi cùng gia đình trở lại Giơnevơ hơn 5 năm vừa qua, để “cột chặt” tôi vào quá trình kết thúc đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam.  Đại sứ Ngô Quang Xuân

Võ Văn Thành
(Thể hiện theo lời kể của Đại sứ Ngô Quang Xuân)

MỚI - NÓNG