Ông Đoàn Văn Kiển: Tôi không bảo vệ cái ghế của mình

Ông Đoàn Văn Kiển: Tôi không bảo vệ cái ghế của mình
TP - “Tôi không bảo vệ cái ghế của mình hay đi chiếm ghế của người khác. Tôi bảo vệ công ăn việc làm, bảo vệ sự phát triển" - Ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) giãi bày như vậy khi trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong.

>> Chủ tịch TKV: Sợ bị kỷ luật, tôi đã không làm

Ông Đoàn Văn Kiển: Tôi không bảo vệ cái ghế của mình ảnh 1
Ông Đoàn Văn Kiển. Ảnh: Hồng Vĩnh

Ông Kiển nói: "Nói thật lòng, cả đời tôi lo chuyện phát triển ngành than. Chứ cá nhân tôi, mình ăn bao nhiêu đâu, một cái nhà thì cũng có rồi. Tôi nói thẳng là như thế, đâu cần phải tham lam chuyện này chuyện kia”.

“Vấn đề là phát triển ngành công nghiệp của một đất nước, công ăn của cả chục vạn lao động, đời sống của người ta. Vấn đề là phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Quảng Ninh”.

Nhưng có cách nào vừa có thể làm được những điều như ông nói, vừa phát huy hiệu quả tài nguyên của đất nước mà không mắc phải những sai phạm, khuyết điểm như vừa qua?

Có chứ. Anh có khuyết điểm có nghĩa là có việc gì đó chưa tốt. Nói thẳng ra là như thế. Có cái gì đó thuộc trách nhiệm TKV, nhưng có cái gì đó thuộc về cơ chế chính sách, thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Có đúng không ạ? Chứ không thể dội lên một chỗ.

Tôi nói ví dụ, cơ quan chức năng nói các công ty của TKV khai thác không có phép. Cái này chưa hẳn đúng, vì nhà nước giao cho chúng tôi cả một quyết định, quy hoạch tổng thể, các mỏ giao rồi, ký tá từ thời kỳ còn Bộ Công nghiệp nặng rồi. Tức về mặt pháp lý, nhà nước đã giao cho TKV quản lý thăm dò, khai thác than với những điểm cụ thể đã được quy hoạch rồi. Đó là giấy phép chứ sao.

Nhưng mắc mớ là ở chỗ, Luật Khoáng sản mới đây quy định, chỉ “cấp phép khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác”, mà TKV là Cty mẹ không trực tiếp khai thác thì làm sao cấp phép được. Nên nếu theo luật thì các Cty con của TKV trực tiếp khai thác phải xin phép lại, nhưng chúng tôi chưa làm, nên họ nói chúng tôi sai.

Tuy nhiên, nếu theo Điều lệ của Tập đoàn (do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), nhà nước thống nhất giao cho TKV quản lý và tổ chức thăm dò khai thác. Đó cũng như một cái giấy phép mà Chính phủ cấp cho TKV rồi.

Ở đây còn có sự vênh nhau giữa quy định của Luật Khoáng sản và Điều lệ của TKV... Nên nếu chỉ xét theo luật thì TKV sai, nhưng xét theo Điều lệ thì TKV không sai.

Việc đó sao ông không giải trình với đoàn kiểm tra?

Có chứ, tôi đã giải trình hết, nhưng họ vẫn căn cứ theo luật. Thôi, vấn đề Ủy ban Kiểm tra đã kết luận rồi, mình không nói nữa. Việc kỷ luật cũng đã rồi, coi như xong. Tôi nói là để các anh hiểu cái gốc của vấn đề. 

Hôm vừa rồi, phái đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên dẫn đầu đến làm việc, giám sát việc sử dụng tài nguyên khoáng sản quốc gia. Chúng tôi cũng đề nghị phải sửa đổi luật như thế nào đó để tài nguyên khoáng sản của quốc gia được sử dụng có hiệu quả. Còn nếu không thì cứ bán tống, bán tháo, bán khoáng sản thô, xuất lậu... rồi chúng tôi lại ăn đòn.

Về phần tập đoàn thiếu sót những điểm gì, chúng tôi phải củng cố, khắc phục. Nhưng về mặt nhà nước cũng phải xem xét, xử lý. Luật có những điểm phải sửa.

Tôi nói với các anh thế không phải là để đổ cho khách quan, cho nhà nước. Trách nhiệm của mình thì mình nhận rồi. Nhưng rõ ràng cơ chế chính sách cần có những điều chỉnh cho phù hợp.

Than lậu có gì mới đâu

Thưa ông, trước cuộc chiến chống than lậu hồi đầu năm 2008 do tỉnh Quảng Ninh phát động, ông có biết tình trạng than lậu hoành hành?

Nói thật là tôi biết hoạt động than lậu diễn ra từ nhiều năm nay rồi và tôi cũng đã liên tiếp chỉ đạo chống than lậu. Làm liên tục, chứ không phải không biết và không làm.

Hoạt động than lậu diễn ra từ nhiều năm rồi, chứ không phải là mới mẻ gì. Chỉ có điều đầu năm 2008, nó bùng phát ở mức cao vì giá than xuất khẩu cao đột biến.

Chính hôm Chính phủ họp với các tập đoàn kinh tế tôi đã báo cáo, với giá than trong nước chưa điều chỉnh, giá xuất khẩu tăng cao thì than lậu sẽ phát triển, chứ không phải tôi không biết. Và trước khi ông Hưng (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh) phát động cuộc chiến chống than lậu, ông ấy cũng có bàn với tôi chứ không phải là tôi không biết.

Ông Nguyễn Duy Hưng vừa phát động chống than lậu đã bị đe dọa, còn ông?

Bây giờ đổ máu có rồi, một số chiến sỹ bảo vệ than của TKV cũng bị đe dọa. Từ khi chưa có Tổng Cty than thì nhà ông Hòe, giám đốc một Cty cũng bị đặt mìn.

Tôi nói thật, bọn than lậu nó nhắn tin vào máy tôi, máy ông Trần Xuân Hòa (Tổng Giám đốc TKV) đe dọa là chuyện bình thường. Đêm nó gọi tôi liên tục, không cho tôi ngủ, cũng là việc bình thường. Tôi không nói ra, vì đó là công việc mà mình phải làm, phải xử lý. Những thứ mình phải đối mặt, mình không gan góc, không quyết liệt thì sao trụ được.

Tôi không cài số lùi, tôi chỉ huy việc chống khai thác than trái phép từ năm 1995, cho đến 2007, khi bàn giao chức Tổng Giám đốc cho ông Hoà, tôi hiểu rất rõ chuyện họ (dân làm than lậu) làm ăn, tôi có nhiều giải pháp để giải quyết chuyện đó.

Các anh lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trước thời ông Nguyễn Duy Hưng, chúng tôi đều bàn với nhau để xử lý than lậu. Đây là quá trình liên tục mà TKV và chính quyền phải giải quyết. Tôi nói thật, bọn than lậu nó không để cho mình yên đâu, vì đó là cuộc chiến giành giật lợi ích.

Ông nói biết rất rõ hoạt động than lậu và nhiều năm chỉ đạo chống than lậu. Cá nhân ông từng chỉ ra được vụ than lậu nào để cơ quan chức năng bắt và xử lý chưa?

Có chứ, bảo vệ các Cty thành viên của TKV phát hiện nhiều chứ, cũng nhiều cán bộ của chính TKV bị chúng tôi phát hiện móc ngoặc tuồn than ra ngoài và bị kỷ luật rồi.

Còn cá nhân ông đã chỉ ra được vụ nào chưa?

Có chứ, tôi trực tiếp chỉ đạo, phát hiện nhiều chứ. Tôi nói thật, những người nhắn vào máy của tôi không chỉ có thông tin đe dọa mà còn có khá nhiều thông tin của những người trung thực báo cho tôi chuyện này chuyện nọ và tôi trực tiếp theo dõi xử lý. Nhưng đó là trách nhiệm của mình, công bố ra làm gì.

Ông Đoàn Văn Kiển: Tôi không bảo vệ cái ghế của mình ảnh 2
Khai thác than trái phép tại TP Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: Thành Duy

Bó tay với than lậu

Thưa ông, biết hoạt động của than lậu nhưng hoạt động than lậu vẫn diễn ra nhiều năm. Không lẽ bó tay?

Khai thác than có đặc thù, nếu mỏ lộ thiên thì TKV quản cả than và mặt đất, nhưng với mỏ hầm lò thì chúng tôi chỉ hoạt động và quản dưới lòng đất, còn trên mặt đất dân vẫn sống, do địa phương quản. Ngoài ra, ở khá nhiều vùng có những ông chủ ở Hà Nội về mua đất lập trang trại ở đây, làm đất nhà vườn.

Họ mua gom nhà vườn, đào bới than... Họ đào bới trong diện tích đất của họ nên khó phát hiện. Mặt khác, giá than quá cao nên làm than lậu lợi nhuận cao. Vì thế, khi mình có biện pháp chống than lậu thì bọn than lậu cũng có đối sách chống lại... Nên để giải quyết than lậu không dễ.

Thưa ông, theo tỉnh Quảng Ninh, nguồn than xuất lậu chủ yếu hiện nay vẫn là của TKV tuồn ra?

Cái này cũng còn phải kiểm chứng. Thực tế có chuyện cán bộ, nhân viên của một số Cty thuộc TKV móc ngoặc trong việc cân đo đong đếm, mua bán lòng vòng để tuồn than ra ngoài. Tất cả những cái đó đều có thể xảy ra. Vấn đề là mình phải nghĩ ra những chính sách để giảm bớt những chuyện móc nối đó đi.

Tới đây, Tập đoàn thống nhất với tỉnh Quảng Ninh, những cảng nào của Tập đoàn, tại những cảng đó tôi cho đầu tư hiện đại bằng băng tải truyền than ra tận nơi. Rót than lên tàu bằng băng tải. Áp dụng công nghệ để chống việc tuồn than ra ngoài.

Nhưng cái gốc vẫn là con người, thưa ông?

Đúng, vấn đề là ở chỗ đó. Nếu cứ tham lam, nếu có kinh tế ngầm, thì vẫn xảy ra móc ngoặc. Nhưng nếu anh làm tốt giải pháp công nghệ và kỹ thuật, thì chuyện tiêu cực giảm bớt đi nhiều chứ.

Qua một số vụ án mà Công an tỉnh Quảng Ninh vừa khởi tố liên quan đến than lậu, có khá nhiều Cty thành viên của TKV có cán bộ móc ngoặc, có hành vi tham nhũng, bán than ra ngoài. Phải chăng, việc quản lý ở các Cty thành viên TKV lỏng lẻo, kỷ luật không nghiêm?

Tôi nói với anh là không ít trưởng phòng bảo vệ đã bị kỷ luật, thuyên chuyển, không ít đâu. Kỷ luật nghiêm chứ không phải không có kỷ luật. Và giữa lực lượng bảo vệ của tập đoàn và Công an tỉnh Quảng Ninh luôn có sự phối hợp, và chúng tôi không nương nhẹ cho ai. Ai gọi điện báo tin là chúng tôi cũng đều xác minh, xử lý.

Còn con người có chuyện này, chuyện kia. Ở đâu cũng có những chuyện như thế. Không cứ gì ở mấy cái mỏ than này, nhưng vấn đề là mình phải tìm cách kiểm soát.

Nhưng tôi nói thật là để triệt tiêu tiêu cực là rất khó, nhưng mà phải làm, làm bằng giải pháp đồng bộ cả về chọn lựa, quản lý con người, và cả giải pháp công nghệ...

Sau một năm nhìn lại cuộc chiến chống than lậu, bản thân ông đánh giá kết quả thế nào?

Theo tôi, cơ bản đã kiểm soát được tình hình. Nhưng nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn. Phải xử lý nguy cơ và xử lý từng nguyên nhân một để tạo ra giải pháp đồng bộ.

Như tôi đã nói, dù có giải quyết vấn đề giá (từ quý IV/2009, giá than trong nước và giá xuất khẩu tiệm cận nhau) thì cũng không thể triệt tiêu được buôn lậu, nếu những vấn đề khác không được giải quyết.

Bởi vì, giá trị của tấn than bây giờ khác trước, chi phí để khai thác một tấn than theo quy trình công nghệ đúng, bảo vệ môi trường luôn cao hơn chi phí kiểu khai thác trái phép. Vì vậy, vẫn phải tăng cường bộ máy để kiểm soát khai thác trái phép.

Ngoài ra, chúng tôi phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, vì vai trò chính quyền địa phương cực kỳ quan trọng, họ có bộ máy bảo vệ pháp luật.

Còn nữa

Bá Kiên - Quyền Thành
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.