Ông Dương Trung Quốc: Hiến pháp 'treo' là điều không thể chấp nhận

 Đại biểu Dương Trung Quốc
Đại biểu Dương Trung Quốc
TP - Đại biểu Dương Trung Quốc trả lời báo chí chiều qua (30/5) về dự án Luật Biểu tình, ông cho rằng những gì đã có trong hiến pháp thì không thể để “treo” được.

Chiều 30/5, Quốc hội biểu quyết với đa số phiếu tán thành thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.

Theo đó, Quốc hội nhất trí cao với chủ trương bổ sung đưa dự án Luật Biểu tình vào kỳ họp thứ 9 (đầu năm 2015) và thông qua ở kỳ họp thứ 10 (cuối năm 2015). Trước đó, qua thảo luận, đại biểu Quốc hội đề nghị sớm đưa Luật Biểu tình vào chương trình.

Theo báo cáo Tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, có 19 ý kiến (ở 11 tổ) đề nghị đưa Luật Biểu tình vào chương trình. Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị có thể cho ý kiến về dự án Luật Biểu tình ngay tại kỳ họp thứ 8, thông qua tại kỳ họp thứ 9.

Cũng theo nghị quyết này, Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) được đưa vào chương trình và thông qua tại kỳ họp thứ 7 này.

Đừng tự biến mình thành bãi rác

Cùng ngày, Quốc hội cho ý kiến về Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi. Vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm là nhập khẩu phế liệu, tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ. Một số ĐB tán thành việc giao Chính phủ cho phép nhập khẩu một số loại tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ vì mục đích kinh tế và giải quyết việc làm.

Tuy nhiên, không ít ý kiến băn khoăn việc phá dỡ tàu cũ có thể gây ô nhiễm môi trường không nhỏ, biến Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới.

“Phế thải từ việc phá dỡ có nhiều chất độc hại, thậm chí có thể gây ung thư. Vì vậy cần bỏ quy định này ra khỏi Luật”.

ĐB Huỳnh Minh Hoàng

Dẫn chứng hiện nay còn hàng ngàn container nhập khẩu phế liệu không có chủ đang nằm ở bến cảng gây ô nhiễm, ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cho rằng, nhập khẩu phế liệu lợi ít, hại nhiều.

Việc phá dỡ tàu cũ từ các nước phát triển đến nay đã dịch chuyển sang các nước đang phát triển. “Phế thải từ việc phá dỡ có nhiều chất độc hại, thậm chí có thể gây ung thư. Vì vậy cần bỏ quy định này ra khỏi Luật” - ĐB Hoàng kiến nghị. ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Bình Định) đề nghị cần phải có chế tài mạnh mẽ đối với những hành vi vi phạm để răn đe.

Ông Dương Trung Quốc: Hiến pháp 'treo' là điều không thể chấp nhận ảnh 1

ĐB Dương Trung Quốc

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường Phan Xuân Dũng, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài phải đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ quy định; đồng thời, cần đề cao trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý phế liệu nhập khẩu trên địa bàn.

Điều kiện chín muồi cho Luật Biểu tình

“Theo chương trình, đến kỳ họp thứ 10 chúng ta ra được Luật Biểu tình là điều rất đáng ghi nhận”.

ĐB Dương Trung Quốc

Trả lời báo chí chiều qua về dự án Luật Biểu tình, ĐB Dương Trung Quốc nói: Việc này tôi đã phát biểu từ rất sớm rồi. Tôi nghĩ đơn giản đã đến lúc chúng ta phải nhận thức được, những gì đã có trong hiến pháp thì không thể để “treo” được.

Câu chuyện hiến pháp “treo” không phải chỉ riêng Luật Biểu tình mà còn các luật khác như Luật Trưng cầu dân ý, lập hội…là điều không thể chấp nhận được. Chúng ta có cái riêng về chính trị, văn hóa lịch sử nhưng khi đã hội nhập quốc tế thì tất cả giá trị như nhau. Thực tiễn diễn ra trong thời gian qua cho thấy, nhà nước rất lúng túng khi người dân không biểu thị được cái mong muốn, nguyện vọng của mình thông qua hành vi biểu tình. Từ trong thực tiễn đến lý luận, chúng ta đều thấy luật này đã đến lúc chín muồi. Theo chương trình, đến kỳ họp thứ 10 chúng ta ra được Luật Biểu tình là điều rất đáng ghi nhận.
    

Ý kiến Đại biểu QH

ĐB Cao Sỹ Kiêm: Hỗ trợ ngư dân là cần thiết

Ngày 30/5, trao đổi với báo chí về việc Chính phủ đang dự thảo một chính sách, trong đó sẽ hỗ trợ lãi suất cho vay 3% đối với ngư dân, đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho biết: Chính sách ưu đãi, hỗ trợ ngư dân rất quan trọng. Cần tạo điều kiện để ngư dân bám biển kinh doanh sản xuất, đảm bảo đời sống mà quan trọng hơn nữa là an ninh quốc phòng. Vì kinh tế biển và nghề cá có tính quốc phòng, an ninh, Nhà nước phải có sự hỗ trợ đặc biệt.

ĐB Trần Du Lịch: Nên để Nhà nước đóng tàu cho ngư dân

Theo tôi, nên áp dụng phương thức nhà nước chủ động đóng tàu thuyền phù hợp để ngư dân thuê, mua trả góp. Bên cạnh đó, phải có vai trò của doanh nghiệp lớn, chứ không để ngư dân đánh bắt nhỏ lẻ. Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn đầu tư đóng tàu lớn, kết hợp với đội tàu của ngư dân. Tàu lớn mua buôn cho ngư dân ngay trên biển, cung cấp sản phẩm thiết yếu để bà con có thể đánh bắt dài ngày hơn. Những tàu lớn sẽ có đủ thiết bị bảo quản sản phẩm, vai trò giống như sếu đầu đàn. Lúc đó, ngư dân chỉ lo đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm đã có doanh nghiệp lo.

N. Tuấn (ghi)


MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.