Ông già thương binh 130 lần bắt cướp

Ông già thương binh 130 lần bắt cướp
Những chiến công của ông kín đặc cuốn sổ. Ông thật thà bảo, mấy năm gần đây sổ của ông ít chữ dần, vì kẻ xấu trong khu vực chẳng mấy đứa là không biết ông. Nhiều lần giáp mặt, chúng còn chào to. Có tên chưa hành động, thấy ông liền lảng từ xa.
Ông già thương binh 130 lần bắt cướp ảnh 1

Ông Đỗ Văn Yên

Ngoài cái danh là khu tập thể cao tầng đầu tiên ở Hà Nội, khu Kim Liên nơi gia đình ông ở cũng được nhiều người tìm đến vì có chợ quần áo ''si-đa'' đầu tiên ở Hà Nội. Vào những ngày cuối tuần, con đường nhỏ xung quanh mấy dãy nhà tầng luôn kín đặc kẻ bán, người mua. Đây là địa bàn lý tưởng cho những kẻ bất lương hoạt động. Gần như ngày nào cũng có người bị móc túi, mất cắp xe đạp, mất cốp xe máy…

Năm 1994, ông Yên về nghỉ hưu; kinh tế gia đình khó khăn nên ông được bà con tổ dân phố B8b giúp một chỗ trông xe cho khách đến mua hàng. Hàng ngày làm việc, nhìn lũ trộm cướp hoành hành, ông thấy bức bối. Vào thời điểm này, thành phố cho phép các phường lập đội dân phòng vây bắt trộm cướp, ông tham gia và vận động thêm 13 người gia nhập. Đội dân phòng vừa thành lập hôm trước, hôm sau ông đã lập công đầu: bắt sống tên cướp Lý Thanh Hùng khi hắn vừa giật một sợi dây chuyền 1 cây vàng.

''Nhiều người thấy trộm cắp không dám hô hoán, khi nghe hô hoán cũng không dám đuổi. Nếu ai cũng như vậy thì bọn trộm sẽ ngày một lộng hành. Vậy nên tôi mới vào đội dân phòng, để góp sức tấn công bọn tội phạm...''- Ông Đỗ Văn Yên khiêm nhường nói.

Tuổi đã cao, sức cũng không còn khoẻ nhưng từ khi vào đội dân phòng chuyên bắt trộm cướp, ông Yên trở nên hăng say lạ thường. Trái tim nhiệt huyết giúp ''ông già dân phòng'' không quản hiểm nguy, khốn khó, nhiều lần bắt cướp chỉ bằng đôi tay gầy guộc và trái tim rực cháy nhiệt tình.

Ông Yên nhớ lại... Khoảng 12h30 ngày 13/10/2004, ông đang ngồi trực tại khu vực bán quần áo trước cửa phòng 9 nhà B11 Kim Liên thì phát hiện một tên trộm dắt đi một chiếc xe đạp của khách mua hàng. Kiên quyết không cho đối tượng chạy thoát, ông lao tới, dùng tay tóm cổ hắn. Nào ngờ gặp phải tên ngoan cố, hắn chống trả quyết liệt. Và để thoát thân, hắn rút con dao nhọn đâm thẳng vào bụng ông… Đó chỉ là một trong hàng trăm lần đi bắt tội phạm của dân phòng Đỗ Văn Yên. Thật kỷ lục khi 130 kẻ gian đã bị người đàn ông có vóc dáng nhỏ gầy này tóm gọn.

Ông đưa cho chúng tôi xem cuốn nhật ký ghi lại kết quả công tác đấu tranh tội phạm được ông làm rất công phu. Trong đó ghi rõ số vụ tội phạm, số tài sản thu lại được. Cuốn sổ được lập năm 1996, ngay sau vụ bắt cướp lần thứ 26, khi ông Yên ở nhà nghỉ dưỡng thương vì vết dao đâm của tội phạm.

Trong cuốn sổ nhật ký, thỉnh thoảng có những vụ được ông đánh dấu ''*'' cẩn thận. Hỏi ra mới biết đấy là những lần ông được các cấp, các ngành thưởng bằng khen và hiện vật. Những chiến công của ông kín đặc cuốn sổ. Chúng tôi ghi vội vàng số vụ án ông Đỗ Văn Yên cùng đồng đội phá được từng năm: Năm 1995: 11vụ, 1996: 15vụ, 1997: 16vụ, 1998: 22 vụ, 1999: 28 vụ, 2000: 32 vụ…

Ông thật thà bảo, mấy năm gần đây sổ của ông ít chữ dần, vì kẻ xấu trong khu vực chẳng mấy đứa là không biết ông. Nhiều lần giáp mặt, chúng còn chào to. Có tên chưa hành động, thấy ông liền lảng từ xa. ''...Có một điều cơ bản nhất là phong trào quần chúng bảo vệ an ninh những năm gần đây được nâng cao rõ rệt, trộm cắp phải chạy thôi...'' - ông giải thích.

Mạnh tay với quân trộm cắp như vậy liệu có sợ chúng trả thù không? Chém tay về phía trước, bằng giọng dứt khoát, ông nói: ''Mình làm việc chính nghĩa, pháp luật, chính quyền, nhân dân bên cạnh thì việc gì phải sợ! Thằng tội phạm nào chẳng sợ pháp luật; chúng sẽ phải tìm mọi cách né tránh. Tôi đã ba lần bị thương khi tấn công chúng; có lần vết thương nặng quá tưởng chết rồi...''

Thương binh trong thời bình!

Ông già thương binh 130 lần bắt cướp ảnh 2
Ông Yên nằm viện vì bị tội phạm đâm trọng thương

Ông vén tay áo lên, chỉ vết sẹo mổ chạy dài từ xương ức tới rốn rồi nói đùa, nếu tên cướp hôm đó chỉ cần đâm chệch lên trên hai phân nữa là vào tim. Sau lần bị thương đó, ông yếu hẳn, chỉ còn 43 kg. Và để đủ sức tiếp tục thực hiện ''ước mơ'' bắt cướp, sau hôm ra viện ông miệt mài tập thể dục. Tuy nhiên, ngay cả trong những lần dưỡng thương vì bị tội phạm đâm, ''máu'' bắt cướp vẫn không ngừng chảy trong con người ông.

Đó là một buổi sáng khi ông đang tập thể dục thì thấy có kẻ khả nghi nhảy lên chiếc xe đạp mini Nhật phóng thục mạng. Không chậm chễ, ông liền đuổi theo. Tên trộm quăng xe bỏ chạy. Tiếp tục truy đuổi đối tượng, ông tung cú đá quét, tên trộm đổ nhào. Lúc này nhân dân xúm vào tóm gọn tên tội phạm còn ông Yên đã ngất đi vì vết thương chưa lành bị bục chỉ...

Với những chiến công, sự quên mình góp phần đảm bảo an ninh cho cuộc sống, dân phòng Đỗ Văn Yên trở thành người thương binh đầu tiên trong lực lượng dân phòng bảo vệ Thủ đô, vào năm 1998. Ông cười vui: ''Thời chiến tranh ác liệt nhất tôi chẳng hề hấn gì, thế mà ở nhà thời bình lại trở thành anh thương binh mới lạ chứ?''.

Bà con khu phố Kim Liên thương ông già bắt cướp lắm. Mỗi lần ông đi làm, cần theo dõi đối tượng hay gọi điện thoại ai cũng sẵn lòng tạo điều kiện. Khi ông bị thương, cả phố đến thăm hỏi, lại cho cả tiền nữa. Ông bùi ngùi: ''Những tình cảm của mọi người dành cho, tôi ghi lại hết, để rồi thi thoảng mở ra lại nhớ đến cái tình mà phấn đấu hơn trong công việc...''.

Không chỉ là chuyên gia săn bắt cướp, ông Đỗ Văn Yên còn tham gia rất nhiều hoạt động xã hội khác trên địa bàn phường như cùng lực lượng công an và dân phòng bắt giữ, giải tỏa nhiều tụ điểm tệ nạn xã hội như mại dâm, nghiện hút, cờ bạc. Trực tiếp cùng tổ công tác điều tra 21 con nghiện, giúp chính quyền lập kế hoạch quản lý, giáo dục. Được bà con tin yêu, bầu làm tổ trưởng dân phố B8b suốt 17 năm liền, ông đã cùng 50 hộ dân ở đây xây dựng tốt phong trào ''Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư'', tổ luôn đạt tiên tiến, xuất sắc. Bằng khen nhiều đến nỗi ông tổ trưởng cũng không thể nhớ hết!

Tờ giấy và tiếng còi của ông già dân phòng

Ông Yên bảo, ngoài tình cảm bà con khối phố dành cho công việc của mình, ông còn 2 thứ quý giá nữa. Đó là một tờ giấy nhỏ và chiếc còi đồng cũ rích. Cả 2 kỷ vật đến với ông hết sức tình cờ mà sâu đậm.

Tờ giấy có ghi dòng chữ của Bác Hồ gửi tặng cán bộ và nhân viên một đơn vị Bác đến thăm, rơi vào tay ông mấy chục năm trước, trong một chuyến hành quân trên đất Quảng Trị. Một đồng chí thương binh nặng trên đường chuyển ra Bắc bỗng nắm tay ông hỏi có phải là người Hà Nội không. Ông Yên gật đầu, người thương binh lấy trong túi áo mình ra một tờ giấy và bảo: "Cất đi, trên đó có những dòng chữ của Người".

Ông bất ngờ, chưa kịp hỏi gì thì máy bay Mỹ ập đến oanh tạc; đội dân công vội nâng cáng người thương binh chạy khuất. Thế là tấm giấy quý giá ấy được ông cất giữ, nâng niu như một báu vật từ đó đến nay. Đặc biệt, khi ông được kết nạp Đảng vào năm 1968 trong một khu rừng sặc ở đất Triệu Phong (Quảng Trị), ''buổi lễ không cờ Tổ quốc, không cờ Đảng, chúng tôi lấy tấm giấy này của Bác thay cho tất cả...!' '- ông xúc động.

Còn chiếc còi đến với ông cũng thật tình cờ. Một lần, ông đang đứng phân luồng giao thông thì có một người đàn ông từ một chiếc xe ôtô con bước xuống và ngỏ ý tặng ông chiếc còi. Chiếc còi bằng đồng, nhờ tiếng thổi to như xé gió của nó, dân phố biết thể nào cũng có quân trộm cắp mà lao ra tiếp ứng ngay.

Chia tay chúng tôi, ông Yên chạy vội ra đường cho kịp ca trực. Dáng ông tất tả; chỉ thấy một đôi tay thương tật gầy gò, chiếc còi đồng cũ kỹ treo nơi cổ và trái tim yêu bình yên nơi từng góc phố...

MỚI - NÓNG