Ông Huỳnh Văn Nén lấy đâu ra hóa đơn chứng từ để đòi bồi thường

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp
TPO - Chiều 11/11, thảo luận về Dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), ĐB Mai Thị Phương Hoa, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp cho rằng, việc không quy định bắt buộc phải có “tài liệu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu bồi thường” là phù hợp. 

Theo ĐB Mai Thị Phương Hoa, thực tiễn cho thấy, một trong những vướng mắc lớn nhất trong công tác bồi thường là việc xác định các thiệt hại. “Có trường hợp người bị oan đề nghị được bồi thường thiệt hại nhưng vụ án đã xảy ra từ rất lâu, người bị thiệt hại và gia đình rất khó giữ đầy đủ các giấy tờ chứng minh chi phí, thiệt hại có liên quan, thậm chí có trường hợp không thể có giấy tờ để chứng minh”, bà Hoa nói.

Bà Hoa dẫn chứng, việc bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, theo phản ánh của báo chí thì TAND tỉnh Bình Thuận chỉ chấp nhận số tiền bồi thường là gần 2,6 tỷ đồng là các khoản nằm trong quy định của pháp luật và các khoản yêu cầu bồi thường mà gia đình ông Nén có hóa đơn chứng từ; còn những khoản yêu cầu bồi thường không chứng minh được bằng giấy tờ thì không được chấp nhận.

Tuy nhiên bà Hòa khẳng định, đây không phải là lỗi của cơ quan có trách nhiệm bồi thường mà chính là điểm bất cập của pháp luật hiện hành cần phải sửa đổi.

Vì vậy bà Hoa cho rằng, quy định của dự thảo Luật là hồ sơ yêu cầu bồi thường không quy định bắt buộc phải có “tài liệu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu bồi thường” là phù hợp. Trường hợp không có các tài liệu, chứng cứ nêu trên thì dự thảo Luật đã có quy định các mức định lượng cụ thể đối với từng loại thiệt hại.

Về thời gian giải quyết vụ việc, bà Hoa cho rằng, lâu nay giải quyết rất chậm trễ. Ví dụ: vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, tổng thời gian từ khi bắt đầu thương lượng lần thứ nhất đến khi nhận đủ tiền bồi thường là 1 năm 1 tháng; vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, từ khi bắt đầu nộp đơn yêu cầu bồi thường đến nay là 7 tháng, vụ việc vẫn đang trong quá trình giải quyết; đặc biệt vụ ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình, tổng thời gian giải quyết bồi thường tại cơ quan giải quyết bồi thường là 6 năm, 9 năm tiếp theo là thủ tục tại Tòa án và nhận tiền.

“Việc chậm trễ này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do vướng mắc trong việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường, như vụ việc của ông Phan Văn Lá ở Long An. Có nguyên nhân là do quy định trình tự giải quyết bồi thường có nhiều thủ tục hành chính rườm rà, thời hạn quy định không phù hợp, việc cấp kinh phí chi trả tiền bồi thường chưa được thực hiện kịp thời”, bà Hoa nói.

Bà Hoa đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính hơn nữa để người bị oan sớm nhận được tiền bồi thường. Nếu được thì tối đa 50 ngày, mọi thủ tục cơ bản phải xong.

MỚI - NÓNG