Ông “khùng” nhặt rác trên bờ biển Cửa Ðại

Ông Thương với hành trình cần mẫn nhặt rác không lương ở biển Cửa Ðại, Hội An. Ông vui vì làm được một công việc có ích và muốn lan tỏa thông điệp chung tay bảo vệ môi trường đến người dân, du khách
Ông Thương với hành trình cần mẫn nhặt rác không lương ở biển Cửa Ðại, Hội An. Ông vui vì làm được một công việc có ích và muốn lan tỏa thông điệp chung tay bảo vệ môi trường đến người dân, du khách
TP - Với chiếc xe đẩy dán dòng chữ “Chung tay giữ gìn môi trường Xanh - Sạch - Ðẹp”, “Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn”, người đàn ông ấy hằng ngày cần mẫn dọc các con đường và bờ biển Cửa Ðại (TP Hội An, Quảng Nam) nhặt rác bất kể nắng mưa. 

Ông cũng từ chối khoản hỗ trợ cho công việc này. Nhiều người nói ông “khùng”, ông chỉ cười và thấy vui khi đang làm một công việc hữu ích cho xã hội. Ông là Nguyễn Thương (60 tuổi, ở phường Cửa Ðại, TP Hội An).

Trận ốm bất ngờ  

Nhiều năm nay, người dân và du khách quen thuộc với hình ảnh người đàn ông trong bộ đồ lao động màu xanh, đẩy chiếc xe nhặt rác dọc con đường bờ biển Cửa Ðại. Không giày dép, quần áo bảo hộ như những người công nhân vệ sinh khác, ông mang đôi dép lê, bộ đồ công nhân cùng chiếc mũ lưỡi trai sờn màu, đôi chân ấy miệt mài dọc các con đường ven biển Cửa Ðại tìm rác, nhặt rác. Không nhận một đồng lương, nhưng đều đặn không ngày nghỉ suốt 4 năm trời.

Hành trình nhặt rác của ông gắn với khoảng thời gian giông bão cuộc đời, chống chọi với bệnh tật. Bốn năm về trước, khi đang phụ bếp tại một nhà hàng thì ông lên cơn sốt. Cố gắng hoàn thành công việc đến lúc tan ca, về nhà cũng thuốc men như những lần sốt bình thường nhưng bệnh tình không hề giảm.

Ông thấy hai tai bắt đầu ù, đầu óc quay cuồng, chân tay tê liệt. Nằm viện cả nửa năm trời nhưng bệnh không khá lên, gia đình đành đưa ông về nhà chăm sóc. Cơn bệnh vẫn không ngừng hành hạ cơ thể, đầu óc ông  lúc nào cũng vang vang câu nói của bác sĩ “nếu nằm một chỗ chân tay sẽ liệt hoàn toàn”.

Ông bắt đầu tập đứng, tập đi, tập cầm nắm. Mỗi ngày cố gắng vận động từng chút một. Rồi trời cũng không phụ lòng người. Ðôi chân có thể vận động trở lại, ông bắt đầu tập thể dục buổi sáng để duy trì sức khỏe.

“Ban đầu, cứ mỗi lần đi thể dục thấy rác lại tiện thể nhặt bỏ vào thùng như một thói quen. Quãng đường mỗi ngày một xa hơn đồng nghĩa số rác nhặt nhiều hơn nên sau này đầu tư chiếc xe để tiện cho việc gom rác” - ông kể.

Tấm gương bảo vệ môi trường

Nhưng từ một thói quen dần dà đã trở thành một công việc thường nhật từ khi ông đầu tư 2 chiếc xe gom rác. Trong một lần đi nhặt rác, ông nhặt được 600 ngàn đồng. Không biết chủ nhân là ai để trả, số tiền này ngoài việc cho lại một số người neo đơn, bệnh tật khi vô tình gặp, ông dùng mua 2 chiếc xe, một xe đẩy, một chiếc xe đạp để phục vụ cho việc thu gom rác.

“Hôm nào khỏe thì đi xe đẩy, hôm nào mệt thì đi xe đạp” - ông nói. Hai chiếc xe dán đầy những thông điệp bảo vệ môi trường  “Hãy bảo vệ môi trường không sử dụng túi nilon, không vứt túi nilon ra nơi công cộng”, “Vì tương lai con em chúng ta, hãy chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp”, “Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn”.

“Một người nhặt mà nhiều người xả thì không ổn. Bảo vệ môi trường phải xuất phát từ ý thức mỗi người mới bền được, thế nên mình vừa nhặt vừa tuyên truyền đến với mọi người cùng chung tay” - ông nói. Ông kể, có bận đi nhặt rác bên biển Cửa Ðại, một số du khách thấy vậy phụ ông nhặt rác, rồi xin chụp hình. Ông chỉ tay vào dòng chữ trên xe họ gật gù rồi chụp hình, đăng lên mạng để truyền thông điệp đến mọi người. Hôm đó ông cảm thấy trong lòng mình rất vui.

Di chứng từ đợt tai biến khiến 2 tai của ông bị điếc hẳn, một bên tai phải dùng máy trợ thính. Những hôm trở trời, đầu lại đau nhức nên ông phải thực hiện lời hứa với vợ con là ở nhà. Ðau thì phải ở nhà nhưng ngày nào không đi nhặt rác là người chán lắm, cảm giác vô vị.

Chủ tịch UBND phường Cửa Ðại - ông Lê Công Sỹ cho biết ông Thương là hội viên hội cựu chiến binh của phường, ngoài công việc thu gom rác, ông còn tham gia công tác tại khối phố. “Dù bị bệnh nhưng ông Thương luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, điều đó rất đáng quý. Xét hoàn cảnh gia đình, địa phương đã đề nghị hỗ trợ kinh phí nhưng ông đã từ chối. Ông Thương xứng đáng là tấm gương để mọi người ý thức về bảo vệ môi trường” - ông Sỹ nói.

Bà Lê Thị Bảy (53 tuổi, vợ ông Thương) chia sẻ, do sức khỏe của ông không được tốt nên ban đầu khi từ 2 - 3 giờ sáng ông đã dậy để đi nhặt rác gia đình đều phản đối. Nhưng ông thuyết phục, nói rằng chẳng những công việc vừa là cơ hội để vận động cơ thể, rèn luyện sức khỏe vừa là liều thuốc tinh thần bởi ông cảm thấy vui vì làm một việc có ích cho cộng đồng nên cũng đành thuận theo lý của ông. Tuy nhiên cả nhà bắt ông cam kết không đi vào lúc nửa đêm về sáng mà chỉ bắt đầu công việc từ 7h sáng đến hơn 10 giờ, ngày mưa to gió lớn hay trở trời phải ở nhà để giữ gìn sức khỏe.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.