Ông Ksor Phước đề nghị 'xử quan' để tạo niềm tin công lý

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước
TPO - Sáng 25/2, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nghe báo cáo và cho ý kiến về nhiệm kỳ của Chánh án TANDTC. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị làm rõ công tác xét xử trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng thế nào, bởi lĩnh vực này đang bị kêu nhiều.

“Qua 5 năm thấy xét xử nhiều vụ án, ban đầu thấy ghê gớm lắm, nhưng sau cũng thấy đơn giản thôi. Nguyên tắc xét xử của Tòa án là phải xử lý nghiêm minh, đúng luật, nhưng chúng tôi nghe phong thanh thấy có nhiều cái chưa được yên tâm về các mối quan hệ", ông Ksor Phước nói.

Ông Ksor Phước cũng đề nghị quan tâm hơn đến các vụ “xử quan” để tạo ra niềm tin về công lý của Tòa án trong 5 năm qua.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị đánh giá kỹ về các vụ án lớn liên quan đến tham nhũng.

Trong khi đó, báo cáo công tác của các Tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình khẳng định, hầu hết các vụ án đều được đưa ra xét xử kịp thời, trong thời hạn luật định. 

Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đặc biệt đã hạn chế đến mức thấp các trường hợp kết án oan người không có tội (từ năm 2011 đến 2015  có 3 trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và tuyên bố bị cáo không phạm tội, so với nhiệm kỳ trước giảm 2 trường hợp).

Trong 5 năm qua, các Toà án đã xét xử 1.233 vụ án với 2.813 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, tham nhũng đã được các Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, như: vụ án PMU18; vụ án Hà Nguyên Cát tại Công ty cao su Phú Riềng, Bình Phước; vụ án Phạm Thanh Bình tại tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin); vụ án Dương Chí Dũng; vụ án Vũ Việt Hùng tại Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh khu vực Đăk Lắk - Đắk Nông; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như; vụ án Nguyễn Đức Kiên… 

Đặc biệt, trong năm 2015, các Tòa án đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng khẩn trương hoàn tất hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án trọng điểm về tham nhũng phải đưa ra xét xử trước Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XII theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo phạm tội về tham nhũng đảm bảo nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước; việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo, nhất là các bị cáo phạm tội về tham nhũng được giám sát chặt chẽ.

Báo cáo thẩm tra do ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, con số 1.809.080 vụ án đã thụ lý và giải quyết được 1.781.410 vụ án các loại (đạt tỷ lệ 98,5%) mặc dù rất lớn, nhưng TAND các cấp đã nỗ lực khắc phục khó khăn nên chất lượng xét xử các vụ án đã có sự chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên Uỷ ban Tư pháp cũng cho rằng, một số TAND chưa khắc phục triệt để tình trạng để các vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật do lỗi chủ quan của Tòa. Tỷ lệ các bản án, quyết định của Tòa án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán có xu hướng giảm nhưng chưa giảm mạnh.

Bên cạnh đó chất lượng tranh tụng tại phiên tòa của một số TAND chưa cao. Nhiều bản án, quyết định có sai sót về số liệu, thông tin về người tham gia tố tụng hoặc tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án nên phải đính chính, giải thích hoặc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa được giải quyết còn tồn đọng nhiều.

Uỷ ban Tư pháp kiến nghị TANDTC triển khai các biện pháp khắc phục có hiệu quả các hạn chế, thiếu sót trong công tác xét xử các vụ án, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án, bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền con người và quyền cơ bản của công dân.

Ngoài ra, TANDTC cần khẩn trương rà soát, đánh giá việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường, củng cố nâng cao chất lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TAND đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.