Phó Thống đốc thường trực NHNN Trần Minh Tuấn:

Ông Lê Đức Thúy trực tiếp xin Thủ tướng

Ông Lê Đức Thúy trực tiếp xin Thủ tướng
TP - Phóng viên Tiền phong có cuộc trao đổi với ông Trần Minh Tuấn - Phó Thống đốc thường trực NHNN, người ký quyết định chuyển đổi công năng căn nhà số 6 Lý Thái Tổ từ nhà công vụ sang thành nhà ở, đồng thời là người ký tờ trình gửi Thủ tướng về việc xin chủ trương bố trí căn nhà số 6 Lý Thái Tổ cho ông Lê Đức Thúy.
Ông Lê Đức Thúy trực tiếp xin Thủ tướng ảnh 1
Ngôi nhà (giữa) số 6 Lý Thái Tổ

Trong tờ trình gửi Thủ tướng do ông ký có nêu “đồng chí Lê Đức Thúy là một trong số ít bộ trưởng có điều kiện nhà ở khó khăn” nhưng thực tế là ông Thúy đã được phân căn hộ tập thể tại Học viện Ngân hàng và sau đó đã tự thu xếp bằng cách chuyển đổi nhà chung cư để có đất làm nhà riêng. Như vậy, ông Thúy không hề có khó khăn về nhà ở như nêu trong tờ trình?

Nói khó khăn là nhà đất ông Thúy đang ở (ý nói nhà ở khu vực 15 Bùi Ngọc Dương- PV) là do ông ấy tự mua, tự xây. Tất nhiên, trong việc này, ông Thúy có ý là tiêu chuẩn (nhà ở cho cấp bộ trưởng - PV) của ông ấy được hưởng, đã xin Ban Tài chính Quản trị Trung ương, rồi xin UBND thành phố Hà Nội mà chưa được giải quyết.

Thực ra nhà số 6 Lý Thái Tổ lúc đó là nhà làm việc, nhưng nó ọp oẹp lắm. Anh em bên Cục Quản trị (NHNN) đề nghị lên, rồi lãnh đạo thống nhất đặt vấn đề chuyển nhà số 6 thành nhà ở bố trí cho đồng chí Thống đốc.

Nhưng loại nhà này phải được Thủ tướng cho phép nên chúng tôi làm tờ trình và sau đó Thủ tướng chấp thuận bố trí nhà số 6 Lý Thái Tổ cho đồng chí Thống đốc để làm nhà ở.

Còn việc nêu khó khăn trong tờ trình, thì phải có khó khăn mới xin Thủ tướng được chứ!

Thực tế, lúc ấy ông Thúy đã được NHNN cho thuê căn hộ tập thể ở Học viện Ngân hàng. Sau đó ông ấy tự mua đất xây nhà ở Bùi Ngọc Dương, ngôi nhà này của ông Thúy tôi cũng đã đến đó một lần.

Sau này khi Thủ tướng đồng ý, ông Thúy đã trả lại căn hộ chung cư  và chúng tôi phân căn hộ  này cho 2 vụ trưởng của NHNN là ông Lương và ông Phước. Còn nếu thực sự ông Thúy không khó khăn về nhà ở thì ông ấy phải chịu.

Có thể hiểu nội dung trong tờ trình ông ký  là ông Thúy được phân căn hộ tập thể sau đó chuyển nhượng cho ai đó để có tiền mua đất, xây nhà ở Bùi Ngọc Dương, rồi khi nhận căn nhà số 6 Lý Thái Tổ, ông Thúy phải mua lại chính căn hộ chung cư đó để giao lại cho Nhà nước?

Nhà chung cư ở Học viện Ngân hàng ông Thúy vẫn đứng tên thuê, còn việc ai ở căn hộ đó là vấn đề khác. Vấn đề là ông Thúy đã xây nhà mới, nên lúc ấy có nhiều người nói với tôi là ông ấy đã có nhà rồi sao còn xin nhà?

Thì ông ấy đặt vấn đề là tiêu chuẩn (nhà được hưởng ở cấp bộ trưởng – PV) và ban lãnh đạo NHNN thấy ông ấy là Ủy viên Trung ương, hàm bộ trưởng vì thế ông ấy nói là, các đồng chí xem xét, ủng hộ tôi vì tôi muốn xin tiêu chuẩn căn nhà này (số 6 Lý Thái Tổ).

Tôi thấy anh em trong Cục Quản trị và nhiều vụ cũng đồng tình đề xuất này của ông Thúy, tất nhiên là một vài vụ cũng chưa thông chỗ này.

Sau đó, đa số trong tập thể ban lãnh đạo NHNN đồng ý và tôi thay mặt họ ký tờ trình gửi Thủ tướng. Rồi quá trình từ chỗ ông Thúy thuê đến chỗ mua hóa giá thế nào thì tôi không biết.

Thưa ông, tại sao trong tờ trình gửi Thủ tướng ông không nói rõ nhà số 6 Lý Thái Tổ là nhà mặt đường mà ông chỉ nêu toàn khó khăn như nhà chật hẹp, nằm trong khu dân cư...?

Nó là nhà mặt đường thì mặc nhiên là như thế chứ còn nêu làm gì nữa. Số 6 thì đương nhiên là mặt đường, còn nếu số 6 trên bao nhiêu thì mới là trong hẻm.

Ông cũng là người ký quyết định chuyển công năng ngôi nhà số 6 Lý Thái Tổ từ nhà công vụ chuyển thành nhà ở. Vậy tại sao các ông không thông qua Bộ Tài chính là cơ quan được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý công sản?

Chỗ này trúc trắc đây! Nếu chuyển công năng nhà số 6 Lý Thái Tổ rồi cho ông Thúy thuê thì vẫn phải trình lên Thủ tướng. Nói thật là ông Thúy đã  báo cáo Thủ tướng, Thủ tướng đồng ý thì chúng tôi làm văn bản trình Thủ tướng khỏi phải để Bộ Tài chính trình.

Việc này, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cũng đã xem xét (chỉ ra những sai sót về quy trình thủ tục khi NHNN chuyển đổi công năng nhà số 6 Lý Thái Tổ – PV) và đã yêu cầu NHNN rút kinh nghiệm.

Hơn nữa, cái nhà này muốn chuyển công năng rồi phân cho bất cứ ai cũng phải báo cáo Bộ Tài chính, rồi Bộ Tài chính trình Thủ tướng quyết định. Thì trong trường hợp này chúng tôi báo cáo thẳng Thủ tướng, không qua Bộ Tài chính. Chỉ có trúc trắc vậy thôi.

Vì sao các ông không làm đúng quy trình  là thông qua Bộ Tài chính mà lại “đi tắt”  báo cáo thẳng Thủ tướng như vậy?

Cái này ông Thúy đi xin riêng thì ông ấy phải làm như thế, bây giờ hỏi tôi thì tôi làm sao biết được.

Nhưng ông là người ký văn bản?

Đúng tôi là người ký và gửi lên Thủ tướng mà không qua Bộ Tài chính. Tôi nghĩ trong việc này, nếu Thủ tướng không đồng ý thì lại chuyển trở lại làm nhà làm việc. Chỉ có chỗ trúc trắc là việc này ông Thúy trực tiếp xin Thủ tướng để Thủ tướng phê duyệt.

Ông Thúy đã được thuê nhà ở tập thể NHNN, lại có nhà riêng ở Bùi Ngọc Dương, như thế là có nhiều nhà vậy sao ông vẫn trình Thủ tướng là ông Thúy khó khăn về nhà ở?

Nếu nói nhiều nhà thì cần phải thống nhất rằng nhà ở Bùi Ngọc Dương là do ông Thúy tự xây dựng, còn nhà ở tập thể NHNN là nhà ông Thúy được Nhà nước cho thuê.

Vì thế, nếu xin được nhà số 6 Lý Thái Tổ thì ông Thúy trả lại căn hộ tập thể. Còn nếu Thủ tướng không cho thì chúng tôi cũng sẽ xây dựng tại số 6 Lý Thái Tổ lên 4, 5 tầng để anh em diện luân chuyển cán bộ sử dụng.

Ngay bản thân tôi luân chuyển ra đây cũng chỉ được ở một góc tại 22 Hàng Vôi. Còn tất nhiên là ông Thúy đã có nhà ở rồi, cái này bây giờ tôi cũng không biết nói sao nữa!

Như thế có thể khẳng định là ông Thúy biết mình sẽ được mua hoặc phân  nhà có giá trị cao hơn nên đã trả lại nhà có giá trị thấp hơn?

Ông ấy đã xin cái này thì buộc phải trả cái kia.

Khi biết ông Thúy được bố trí nhà số 6 Lý Thái Tổ, ông có biết dư luận trong NHNN lúc đó?

Thì có rất nhiều người phản đối, người ta nói rằng ông Thúy nhiều nhà, thì đó là dư luận.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.