Ông Mạc Kim Tôn quanh co, thiếu thành khẩn

Ông Mạc Kim Tôn quanh co, thiếu thành khẩn
TP - Theo một nguồn tin, ngày 10/7, Viện KSND tỉnh Thái Bình đã báo cáo Viện KSND Tối cao nội dung kết luận điều tra ban đầu vụ án Trần Thị Ánh (tức Hà) liên quan đến đại biểu Quốc hội Mạc Kim Tôn.
Ông Mạc Kim Tôn quanh co, thiếu thành khẩn ảnh 1
Thư của “siêu lừa” Trần Thị Ánh có bút phê của ông Mạc Kim Tôn gửi một số phòng chuyên môn trong Sở GD-ĐT Thái Bình

Ba nạn nhân trong vụ lừa đảo này là Cty TNHH Kiên Cường (ở Thái Bình), Cty ASP và Cty STC (đều ở Hà Nội) đã bàn giao cho Trần Thị Ánh tổng số  418 chiếc máy tính (trong đó có 31 chiếc máy tính xách tay) và 25 chiếc máy chiếu đa năng. Số tiền thiệt hại đối với cả ba Cty này được xác định là hơn 4,1 tỷ đồng.

Trong số 20 trường học được Cty Kiên Cường lắp đặt máy, có 17 trường phải làm hoá đơn giá trị gia tăng khống với số lượng tổng cộng 66 chiếc trị giá hơn 485 triệu đồng (các trường này đã phải chi).

Theo lời khai của các trường, 462 triệu đồng được chi cho ông Tôn và Ánh, hơn 23 triệu đồng còn lại là tiền VAT trả cho Cty Kiên Cường. Trong thời gian lắp máy, Cty Kiên Cường đã nhiều lần tìm gặp ông Tôn yêu cầu ký hợp đồng, nhưng ông Tôn khất lần với nhiều lý do và đến nay vẫn chưa được ký.

Liền ba tháng sau khi lắp máy, do không được thanh toán, Cty Kiên Cường đã có đơn tố cáo lên cơ quan công an, từ đây vụ việc mới vỡ lở ra “dự án ma”.

CQĐT đã xác định Cty Kiên Cường bị thiệt hại hơn 2,3 tỷ đồng (hiện nay tính theo lãi suất ngân hàng, Cty Kiên Cường mỗi ngày thiệt hại 1,2 triệu đồng).

Khi CQĐT vào cuộc, đã phát hiện ông Mạc Kim Tôn và Trần Thị Ánh còn thực hiện hành vi tương tự đối với Cty ASP và Cty STC để đưa về số lượng lớn máy tính, máy chiếu… với tổng trị giá hơn 1,8 tỷ đồng. Phần lớn số máy này đã được lắp đặt tại một số trường dạy nghề và cơ quan tỉnh.

Như vậy, đã có 41 trường học, cơ quan trong tỉnh Thái Bình đã được triển khai “dự án ma” của ông Tôn và thị Ánh. Các trường này đều phải chi tiền vận chuyển, chi phí giao dịch, và nhiều trường đã phải làm hóa đơn khống.

Theo phía gia đình, ông Mạc Kim Tôn đã phải về Hà Nội nhập viện ngày 10/7 vì một số bệnh như tiểu đường, não, huyết áp…

Ông Lê Quốc Dung – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, ông Tôn khi đi chữa bệnh không báo cáo Đoàn ĐBQH.

CQĐT xác định có 11 trường trong số trường kể trên đã chi cho ông Mạc Kim Tôn 86,8 triệu đồng (ông Tôn chỉ khai đã nhận 63 triệu đồng), cho Trần Thị Ánh 97 triệu đồng (Ánh khai đã nhận hơn 109 triệu đồng)

Lời khai của Trần Thị Ánh tại CQĐT còn cho thấy nhiều chứng cứ ông Tôn đã nhận quà “lại quả” từ “nữ quái” này, trong đó có những đồ vật như điện thoại di động, máy vi tính để bàn và xách tay, tủ ba buồng, máy hút ẩm… với tổng trị giá 60,1 triệu đồng.

Ông Mạc Kim Tôn khai rằng Ánh chủ động đến gặp nói là học sinh cũ ở Kiến Xương hồi cuối năm 2005. Theo một nguồn tin, gia đình ông Tôn đã có quan hệ thân thị Ánh trước đó khá lâu.

Từ tháng 9/2005, thị Ánh đã nhiều lần vay tiền gia đình ông Tôn (mỗi lần vài chục triệu đồng), những lần vay này thường được “ghi nhớ” bằng giấy viết tay có chữ ký của Ánh.

Ông Tôn còn khai rằng, khi Ánh trình bày về “dự án”, ông thấy “lợi” nên đồng ý ngay chứ không kiểm tra xem dự án có thật hay không, nay mới biết là bị lừa…

Về số quà “lại quả” kể trên, ông Tôn đã trả bằng tiền mặt cho Ánh một số thứ, nhưng CQĐT thấy rằng ông Tôn không có chứng cứ chứng minh việc này.

Hiện nay, số máy tính, máy chiếu được lắp đặt tại các trường đã được đưa vào sử dụng, nhưng ông Mạc Kim Tôn và Trần Thị Ánh chưa có nguồn thanh toán số tiền hơn 4,1 tỷ đồng cho các Cty máy tính.

Bước đầu, CQĐT đã xác định hành vi phạm tội của ông Mạc Kim Tôn là không kiểm tra dự án, không bàn bạc với tập thể cơ quan, tự triển khai dự án, tự phê duyệt đối tượng được lắp máy…

Đáng chú ý nhất là ông Tôn đã giới thiệu “cán bộ dự án” Trần Thị Ánh với cấp dưới, với các bên liên quan, với các Cty máy tính, tạo điều kiện cho siêu lừa này thực hiện hành vi phạm tội.

Ngoài ra, ông Tôn còn lấy danh nghĩa cá nhân để “rút” 2 chiếc máy tính tặng cho phường Kỳ Bá nơi ông cư trú và xã Thanh Tân quê nhà ông ở huyện Kiến Xương. Điều tra cũng đã xác định việc các trường phải làm khống hoá đơn VAT cũng do ông Tôn chỉ đạo.

Vụ án liên quan hành vi của ông Mạc Kim Tôn đã khiến dư luận ở tỉnh Thái Bình vô cùng bức xúc, phẫn nộ những ngày này. CQĐT cho biết đã đủ căn cứ để khởi tố ông Tôn với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gây hậu quả rất nghiêm trọng.

CQĐT cũng khẳng định lời khai báo của ông Tôn thời gian qua cho thấy ông còn quanh co, thiếu thành khẩn.

Được biết, hiện CQĐT đã mở rộng điều tra nhiều sai phạm khác diễn ra trong ngành Giáo dục tỉnh Thái bình – một trong những vấn đề “nóng” ở Thái Bình có nhiều đơn thư tố cáo sai phạm. 

MỚI - NÓNG