Ông Năm Hoàng

Ông Năm Hoàng
TP - Ròng rã 20 năm vừa lao động 17 tiếng mỗi ngày để nuôi sống gia đình vừa kêu đòi bằng được công lý với 2.057 lá đơn. Mất hết tuổi trẻ. Cơ thể sức lực còn như xác ve, tưởng rã rời, bi quan yếm thế.

Ít ai ngời, con người ấy đang làm chức phận một "nhà báo nhân dân", viết hàng loạt bài báo giải oan cho những thân phận quanh mình: "Tôi không bao giờ đánh mất niềm tin yêu cuộc sống".

Ông Năm Hoàng ảnh 1
Ông Năm Hoàng trong tòa soạn của mình. Ảnh: T.T

Khá ngỡ ngàng, khi bước vào căn phòng làm việc của ông. Chỉ là một cái chái của ngôi nhà ba gian cũ kỹ nằm tít sâu trong ngõ xóm An Tường (Phổ Ninh, Đức Phổ), đồ đạc tuyềnh toàng, nhưng toát lên dáng dấp của một tòa soạn thu nhỏ. Hai chiếc điện thoại bàn, máy fax, máy in A4, chiếc máy tính nối mạng, rồi những chồng hồ sơ, thư từ kẹp cẩn thận, chiếc bảng treo những dòng ghi chép công việc...

Ngồi lần giở những bài báo bên dưới ký tên Chí Hoàng kêu oan cho bao người khác, những xấp thư bạn đọc nhiều địa phương gửi về nhờ ông giúp đỡ, những lá thư bày tỏ lòng biết ơn.

Tôi lần hồi nhớ về chuyện báo chí, trong đó có Tiền Phong hồi nào đứng ra giải oan cho ông. Ông chỉ nói đơn giản rằng, mình nợ ân tình, nay chỉ biết đem ân tình ra trả.

Hồi ký về 20 năm đi tìm công lý   

Những trang hồi ký của ông Năm Hoàng tạm dừng sau thời điểm tháng 12-1993, khi Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam gửi thư sang Ủy ban Thanh tra Nhà nước đề nghị làm rõ vụ oan sai này.

Từ ấy đến năm 2005, khi Thủ tướng Phan Văn Khải yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi nghiêm túc tuân thủ bản án của toà tối cao, rồi sang  năm 2006, khi ông Năm Hoàng chính thức được giải oan bồi hoàn chế độ (dù không có một lời xin lỗi từ các cấp chính quyền), là cộng thêm những 13 năm trời!

Sau giải phóng, ngoài đôi mươi, trước mắt chàng Bí thư Chi đoàn, Trưởng ban kiểm tra công nhân kiêm phụ trách kế toán của Phòng y tế huyện Đức Phổ (Bệnh viện Đức Phổ, nay là Bệnh viện Đa khoa Đặng Thuỳ Trâm) Nguyễn Chí Hoàng là “một màu hồng đầy ắp niềm tin, lẽ sống”.

Thời đó, từng viên thuốc kháng sinh, lạng đường, hộp sữa... Nhà nước phải chắt chiu, để trang bị, cung cấp cho người bệnh. Thế nhưng một bộ phận từ y bác sĩ đến thủ kho lại thi nhau xà xẻo của bệnh nhân, lập bệnh án giả, sửa phiếu lĩnh thuốc nâng số lượng xuất kho lên hàng chục lần. Lãnh đạo bệnh viện thì tìm cách rút ruột công trình xây dựng...

Năm 1983, nhân có đoàn kiểm tra của Huyện ủy về làm việc, Năm Hoàng tập hợp tài liệu cung cấp cho đoàn. Những tưởng tiêu cực sẽ được chấn chỉnh. Ai dè, đó là lúc cuộc đời chàng trai trung thực rẽ sang lối ngoặt tăm tối. Những đòn triệt ha được liên tiếp tung ra.

Dù có khả năng chuyên môn, cái tâm trong sáng, nhưng cái lưới nghiệt cứ siết dần Năm Hoàng. Từ những tháng dài cho “ngồi chơi xơi nước”, đến “hạ tầng công tác”, rồi gạt khỏi chức kế toán trưởng chẳng vì lý do gì, mà cái đích cuối cùng là để đương sự tự chán mà bỏ việc! Nhưng, kể cả khi bị chuyển sang làm nhân viên tiếp phẩm, Năm Hoàng vẫn vui vẻ yêu đời, hoàn thành tốt nhiệm vụ... 

Bước ngoặt định mệnh xảy ra vào tháng 7- 1987. Nhân dịp một Phó bí thư huyện ủy trực tiếp về bệnh viện phát động cuộc vận động chính trị, niềm tin trong Năm Hoàng lại trỗi dậy. Anh gửi tiếp những tố cáo về sai phạm tại đơn vị, trong đó có việc một phó giám đốc bệnh viện dùng bằng cấp giả.

Bão táp lập tức dập xuống. Chỉ ít ngày sau, Nguyễn Chí Hoàng nhận được quyết định “cho thôi việc” từ Chủ tịch UBND huyện. Đây là trò “chơi chữ” có lẽ nằm trong tính toán của ai đó nhằm bịt đường kiện ra toà của đương sự, bởi toà chỉ thụ lý về “buộc thôi việc”.

Quả nhiên, toà trả lại đơn, bảo cứ khiếu kiện tuần tự theo thủ tục hành chính. Mà theo con đường ấy, bao chông gai chờ đón Năm Hoàng trước mắt.

“Danh dự giống như con mắt, không chịu được một chút nhơ bẩn nào”, Năm Hoàng đã ghi lời nhà văn Pháp J.B.Bossuet trong hồi ký của mình. “…Có những lúc tâm sự rối bời không còn biết tin tưởng hay hy vọng một điều gì...

Đã là một con người ai cũng muốn được đối xử công bằng trước pháp luật và lòng tự trọng là bất khả xâm phạm và ai cũng muốn hoàn thiện các giá trị của Chân-Thiện-Mỹ. Khi những giá trị của nó bị vùi dập thì khát vọng đấu tranh để khôi phục nó là điều nên làm...”.

Ông Năm Hoàng ảnh 2Tiền à, nếu đấu tranh chỉ vì số tiền ấy, tôi làm sao có đủ sức mạnh tinh thần trụ được đến hôm nay? Tôi là con người, tôi cần danh dự...  Ông Năm Hoàng ảnh 3 - giọng Năm Hoàng nghẹn lại.

Tưởng gục ngã, Năm Hoàng quyết đứng dậy. Nhà tranh vách đất dột nát. Vợ không việc làm, hai đứa con dại, đứa 6 tuổi đứa 3 tuổi quặt quẹo. Do đói khổ thiếu chất, đứa con gái nhỏ bị suy kiệt sau này chậm phát triển trí não là nỗi đau, dằn vặt lớn nhất đời Năm Hoàng. Ngày ngày từ 4 giờ sáng, Năm Hoàng lên núi cách nhà 30 cây số hái bông đót về bện chổi bán, quần quật đến 21 giờ đêm vẫn không đủ nuôi gia đình.

Những đêm một mình trong gian bếp lạnh, anh tự “thắng lợi tinh thần” bằng cách làm thơ răn mình: “Một nhúm cờ lau khéo buộc ràng/Vài đồng đong gạo cũng đà sang/Trên trần nhện phủ không ai quét/Dưới đất rác giăng thiếu kẻ càn/Nuộc lạt mềm mềm bền sức quấn/Cờ lau dẻo dẻo vững lòng ràng...”. 

Không ngờ cái nghiệp “bện cờ lau” ấy kéo dài suốt 18 năm, đến tận giờ vợ con anh còn đang tiếp nối...

Hàng trăm lá đơn gửi đi, không bị bật ngược trở lại thì cũng vô tăm tích. Định bỏ quê rời xứ, xin chuyển công tác về Cát Tiên (Lâm Đồng) cũng bị chặn đứng, bởi một quyết định mới của huyện, từ “cho thôi việc” sang “buộc thôi việc”.

Thời ấy, ai dám nhận người bị kỷ luật buộc thôi việc! Nhưng cũng từ đây, cánh cửa để đến với Tòa của Năm Hoàng lại rộng mở. Đó là vào đầu năm 1991. Mãi đến tháng 10-1994, sau lá thư của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, tòa án tỉnh mới chịu đưa ra xử, nhưng lại công nhận quyết định của huyện là đúng.

Hai tháng sau, Tòa tối cao (tại Đà Nẵng) phúc thẩm, tuyên huỷ bỏ quyết định buộc thôi việc của huyện Đức Phổ đối với Năm Hoàng. Tòa quyết là vậy, nhưng mãi sau 12 năm trời bầm dập tiếp theo, đợi ý kiến chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt từ các lãnh đạo cấp cao, tháng 9-2006, Năm Hoàng mới được hoàn trả 195 triệu đồng tiền lương và các khoản trợ cấp...

Hơn 19 năm trời oan ức với 2.057 lá đơn. Mất cả tuổi trẻ. Con cái đứa mất cơ hội vào đại học, đứa bệnh tật nằm nhà. Lam lũ. Nghèo khó. “Tiền à, nếu đấu tranh chỉ vì số tiền ấy, tôi làm sao có đủ sức mạnh tinh thần trụ được đến hôm nay? Tôi là con người, tôi cần danh dự...”- giọng Năm Hoàng nghẹn lại. 

Ông Năm Hoàng ảnh 4
Ông Năm Hoàng (trái) trao đổi với những người khiếu kiện. Ảnh: T.T

Đem ân tình trả nợ

Một thương binh nặng mất trên 80% sức khỏe nay đã 80 tuổi ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), suốt 20 năm qua bị “quên” chi trả chế độ, vừa phải tần tảo lao động với cánh tay cụt để nuôi thân vừa kêu cứu khắp nơi nhưng vô vọng.

Ông từng lặn lội ra tận Bộ LĐ-TB&XH tại Hà Nội, và từ năm 2000, Bộ này có công văn yêu cầu Sở chức năng của tỉnh giải quyết. Đáp lại là sự im lặng đến kỳ lạ! Sau những bài viết của ông Năm Hoàng đăng trên công luận, mới đây, ngành chức năng của địa phương mới tìm cách “sửa sai” cho thương binh lão thành này.     

Một vợ liệt sĩ 62 tuổi ở thị trấn Đức Phổ bị chính vợ chồng người con gái kiện đòi lấy phần đất mà bà đang ở. Tòa án huyện bác bỏ, nhưng toà tỉnh khi phúc thẩm lại buộc bà trả cho con gái nửa thửa đất, tương đương số tiền phải thi hành án hơn 57 triệu đồng! Sau những bài báo thấu tình đạt lý của ông Năm Hoàng, mới đây, Hội đồng thẩm phán TANDTC tại Hà Nội đã bác bản án phúc thẩm.

Một HTX ở xã Phổ Ninh thu “nhầm” tiền điện của dân suốt 10 năm với giá trên trời. Dân kiện thì bị dọa cắt điện. Ông Năm Hoàng lại lên tiếng trên báo. Mới đây, UBND huyện Đức Phổ đã chỉ đạo chấn chỉnh việc làm sai trái này, đồng thời gửi công văn cảm ơn báo...

Ông Năm Hoàng bần thần: “Nhiều vụ thành công, thậm chí là án giám đốc thẩm tuyên huỷ án phúc thẩm, giải oan sai cho người dân. Nhưng cũng còn nhiều vụ day dứt lắm...”.

Một trong những vụ ông theo và viết bài đầu tiên từ năm 2006, là việc một bà mẹ của 3 liệt sĩ (trong đó có một liệt sĩ mẹ nhận nuôi từ lúc mới sinh), nhưng suốt 22 năm qua kể từ khi mẹ mất vẫn chưa được truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Day dứt hơn cả là vụ oan trái kỳ lạ kêu kiện suốt 18 năm qua của ông Lê Quang Vinh ở Đức Lân (Mộ Đức).

Số phận ông Vinh cũng chẳng khác chi Năm Hoàng. Năm 1991, sau 10 năm đứng lớp, đang là giáo viên giỏi môn Toán Lý ở trường cấp 2 của xã, chỉ vì đấu tranh với tiêu cực, sai trái của hiệu trưởng, ông Vinh bị cho nghỉ việc với lý do oái oăm “chuyên môn yếu”(!) thông qua một “hội đồng” họp xét vài người do ông hiệu trưởng tự dựng lên. Dù sau đó ông hiệu trưởng bị kỷ luật và khai trừ đảng, Viện KSND huyện yêu cầu sớm khôi phục quyền lợi, công việc cho ông Vinh, tỉnh cũng chỉ đạo giải quyết, nhưng số phận người đàn ông trung thực với gánh nặng gia đình 5 đứa con này vẫn bị thả “trôi” suốt gần hai chục năm nay...

Trước mỗi vụ việc, ông làm việc cẩn thận, tỷ mỷ, chắc chắn, như thể đang gỡ oan cho chính mình. “Ngày ngày tôi nhận được bao nhiêu cuộc điện thoại gần xa kêu nhờ. Hồ sơ bạn đọc gửi đến từ Hải Phòng, Quảng Bình, Khánh Hoà, Tiền Giang..., nhiều người cơm đùm cơm nắm tìm đến. Nhưng chức phận mình chỉ quanh địa phương này thôi. Đành chỉ biết tư vấn giúp họ về văn bản, thủ tục cùng lời động viên”.

Ngồi soạn lại đống hồ sơ giấy tờ, ông Năm Hoàng thú thật: “Có những bộ hồ sơ bị bà xã giấu biệt, vì sợ đụng chạm đến địa phương. Chừng ấy năm bầm dập, bả sợ quá mà...”. “Vậy có khi nào anh bị địa phương làm khó vì những bài báo không?”, tôi hỏi. “Chưa. Mình tiếp xúc làm việc với các ban ngành địa phương đàng hoàng, có giấy giới thiệu, viết kỹ càng, trung thực, nên không ngại”.

Nhớ hồi trưa, trong đám cưới đứa cháu của Năm Hoàng tôi tình cờ được dự, Rân, người em trong họ, thật lòng: “Anh Hoàng là trưởng họ, thấy ổng viết báo giúp người, bà con họ hàng cũng lo, vì đấu tranh mà, được bên này mất bên kia. Nhưng ổng biểu: “Yên tâm, tôi có con đường của tôi, đường thẳng thôi”.   

...Khói chợt bay lên giữa khoảng vườn trống. Chị Một, vợ Năm Hoàng vừa đốt đống đót vụn. Xuống gian nhà bên, đã thấy chị cùng đứa con gái thoăn thoắt bện chổi. Hỏi, ông xã viết báo có đưa nhuận bút không, chị Một cười tươi: “Toàn giúp người ta thôi, nhuận bút mấy đồng ổng chi hết cho bút mực giấy tờ với điện thoại rồi. Lúc rảnh, ông xúm lại bện chổi, còn kiếm cái mà đong gạo chứ”. q

 Quảng Ngãi, 2009  

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.