Ông nghị về hưu, Bộ trưởng mới đến thăm nhà

Ông nghị về hưu, Bộ trưởng mới đến thăm nhà
GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ: từ khi tôi nghỉ hưu, năm nào gần Tết Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cũng tới thăm, mặc dù khi tôi đương chức, chưa bao giờ ông đến chơi nhà.

Ông nghị về hưu, Bộ trưởng mới đến thăm nhà

> Kìm hãm tư duy sáng tạo
> Cử tri khó tính thì mới có Quốc hội tốt

GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ: từ khi tôi nghỉ hưu, năm nào gần Tết Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cũng tới thăm, mặc dù khi tôi đương chức, chưa bao giờ ông đến chơi nhà.

GS Nguyễn Minh Thuyết kể ông đã từng suýt làm cháy cả mẻ bánh chưng ngày còn bé (Ảnh: Phạm Thịnh)
GS Nguyễn Minh Thuyết kể ông đã từng suýt làm cháy cả mẻ bánh chưng ngày còn bé (Ảnh: Phạm Thịnh) .

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên là đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH,GD,TN,TN&NĐ của Quốc hội.

Thưa Giáo sư, đối với ông ngày Tết cổ truyền của dân tộc có ý nghĩa như thế nào?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Đối với tôi, cũng như với mọi người Việt Nam, Tết cổ truyền là thời khắc thiêng liêng nhất trong một năm. Đây là dịp toàn bộ gia đình được sum họp, quây quần bên nhau sau một năm bận rộn làm ăn. Trước Tết, tôi về quê, thắp hương tại nhà thờ họ, thăm mộ người thân để sang sửa mộ và khấn các cụ cùng anh chị em về nhà ăn Tết.

Chủ nhật đầu tiên của năm mới, tộc họ tôi tổ chức họp họ để anh em bà con gặp gỡ nhau. Tôi chưa bao giờ bỏ lỡ dịp này. Còn đi chúc Tết, thăm hỏi họ hàng, bạn bè là việc đương nhiên rồi.

Cũng như mọi người, khi còn trẻ, tôi háo hức mong chờ từng cái Tết. Nhớ nhất là thời sinh viên sơ tán ở Thái Nguyên, vì xa nhà nên dịp Tết cổ truyền được về nhà sung sướng lắm.Thích nhất là đi chơi chợ hoa trước Tết. Bao nhiêu là cảm xúc, ấn tượng.

Bây giờ có tuổi rồi mong Tết là chỉ mong gặp con cháu, người thân ở xa về thôi.

Ký ức về ngày Tết cổ truyền khi ông vẫn còn là một cậu bé chắc hẳn vẫn rất sống động?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Ngày tôi còn bé, lúc đó cả đất nước còn nghèo và nhà tôi cũng chỉ là một gia đình công chức nghèo, sinh hoạt tùng tiệm, nhưng những kỷ niệm về Tết rất vui.

Ngày đó, mẹ tôi bán tranh Tết trên phố hàng Khoai – Nguyễn Thiệp. Những ngày cuối năm, được nghỉ học, tôi thường cùng chị gái ra trông hàng cho mẹ. Cảm xúc ngồi giữa chợ Tết, nhìn dòng người qua lại nhộn nhịp, ồn ào rất vui. Vui nhất là hai chị em bán hàng đắt khách, thấy tự hào vì mình góp được chút gì đó cho cái Tết của cả nhà.

Phong tục cổ truyền nào được gia đình giáo sư lưu giữ?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Trước những năm 90, gia đình tôi năm nào cũng gói bánh chưng ăn Tết. Đó là khoảng thời gian vui nhất. Tôi được xem gói bánh và luôn nhận nhiệm vụ trông nồi bánh chưng.

Ngồi bên bếp củi bập bùng canh nồi bánh chưng, mọi người nói với nhau rất nhiều chuyện, cả chuyện vui lẫn chuyện buồn. Đôi lúc tôi buồn ngủ, bố tôi lại bảo đi ngủ một lúc đi, bố trông cho.

Sau khi vớt bánh, bố tôi dành những chiếc bánh đẹp nhất dâng lên bàn thờ tổ tiên. Rồi bóc luôn một chiếc bánh còn nóng hổi ra ra ăn thử. Nói thật là lúc bố tôi còn khỏe, hai bố con thường ăn hết cả chiếc bánh to.

Tôi nhớ có lần được giao nhiệm vụ bắc nồi bánh chưng. Bắc nồi xong, tôi quên đổ nước nên suýt cháy cả mẻ bánh. Khi phát hiện ra, hàng bánh cuối cùng đã bị xém hoàn toàn lá. Mẹ tôi phải gói lại toàn bộ hàng bánh cuối. Chị tôi bảo: “Mẹ quý cậu nhất nhà, chứ không thì ăn roi rồi.”

Sau này, cả khi đã có vợ con, mỗi dịp Tết tôi vẫn thường nhận trông nồi bánh chưng như ngày còn nhỏ. Nhớ nhất những ngày tôi đi học và đi làm ở Thái Nguyên, cả nhà thường chờ lá dong tôi mang về rồi mới gói bánh chưng vì lá dong miền núi vừa to, đẹp hơn lá dong “mậu dịch”, lại rẻ hơn nhiều so với giá ở Hà Nội.

Ông nghị về hưu, Bộ trưởng mới đến thăm nhà ảnh 2

Những ngày Tết của gia đình giáo sư diễn ra như thế nào?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Họ hàng nội ngoại của tôi đông, phần lớn đều sinh sống ở Hà Nội nên trước đây, mỗi dịp Tết tôi thường phải chạy xe ngoài đường suốt ba ngày mới đi chúc Tết được khắp mọi người. Vợ tôi vẫn thường kể với mọi người : “Không thấy ai như anh ấy, ăn bún dọc đường để đi chúc Tết.”

Bây giờ, thủ tục lễ Tết cũng được giảm thiểu rất nhiều. Dịp Tết tôi chỉ đi thăm các bề trên trong gia đình, một số thầy giáo, cô giáo cũ và một vài anh chị em trong năm ốm đau hoặc gặp khó khăn thôi.

Thú thật là thời trẻ tôi rất hồi hộp mỗi khi có khách xông nhà. Chỉ sợ khách không hợp tuổi thì năm ấy gặp nhiều khó khăn. Nhưng bây giờ tôi thường xuất hành sớm mồng Một rồi về tự xông đất nhà mình.

Trên đường đi, tôi mừng tuổi cho cháu bé đầu tiên tôi gặp, qua khu tập thể cơ quan mừng tuổi anh em bảo vệ, có năm gặp mấy chị công nhân vệ sinh môi trường, tôi đến chúc Tết và lì xì. Lì xì không có nhiều nhưng là tấm lòng tôi mong muốn may mắn đến với những người đầu tiên tôi được gặp trong năm.

Những ngày Tết ở gia đình giáo sư khi ông còn đương chức so với quãng thời gian hiện nay liệu có điều gì khác biệt?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Nếu nhà báo có ý hỏi chuyện tiếp khách chúc Tết thì xin nói thật là không có thay đổi gì nhiều. Trước đây và cả bây giờ, đông nhất vẫn là học trò đến chơi. Chỉ có khác là khi còn đương chức, tôi thường thay mặt cơ quan đến chúc Tết một số cán bộ cũ thì bây giờ tôi lại được cơ quan cũ và một số cơ quan tôi từng cộng tác khi làm việc đến chúc Tết.

Nói về tình riêng thì từ khi tôi nghỉ hưu, năm nào gần Tết Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cũng tới thăm, mặc dù khi tôi đương chức, chưa bao giờ ông đến chơi nhà.

Ngoài ra, vì tôi có cộng tác với một số báo nên cũng có nhiều phóng viên báo chí đến thăm vào những ngày trước và sau Tết.

Nhiều người cho rằng, hiện nay do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường nên người dân cũng dần quên các giá trị truyền thống của ngày Tết. Giáo sư suy nghĩ gì về điều này?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi cho rằng ý kiến đó cũng chưa thật chính xác. Tôi thấy rằng ở nông thôn nhiều sinh hoạt truyền thống trong ngày Tết cổ truyền vẫn còn được bảo tồn. Ở thành phố, một số nơi có phần nhạt đi nhưng không phải là đã mất.

Những phong tục tốt đẹp nhất vẫn được người Việt ở khắp nơi trân trọng giữ gìn, ví dụ: tình cảm hướng về quê hương, cội nguồn; thu dọn nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ; kiêng cãi vã; kiêng làm đổ vỡ trong những ngày đầu năm,…

Đối với riêng giáo sư, ông có mong muốn gì cho gia đình và đất nước trong năm mới?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Năm Nhâm Thìn, tôi được gia đình cô con gái dành cho một món quà quý – đó là chức ông ngoại. Năm nay, mong ước lớn nhất của tôi là có cháu nội. Phải là “ông ngoại kiêm ông nội” chức mới to, anh ạ.

Mong Năm Mới sẽ tạo một đà tiến mới, đưa đất nước vượt qua giai đoạn đầy khó khăn, thử thách này để sớm đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Xin cảm ơn và chúc gia đình Giáo sư một năm mới an khang thịnh vượng!

Theo Phạm Thịnh
VTC

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG