Ông Nguyễn Văn Bình giữ chức Trưởng ban Kinh tế T.Ư

Tân Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình. Ảnh: AFP
Tân Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình. Ảnh: AFP
TPO - Bộ Chính trị vừa có quyết định phân công đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Ngày 11/4, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.

Tại Hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã trao Quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc điều động và bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, giữ chức vụ Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ chức vụ Trưởng Ban Kinh tế Trung ương để đảm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại Lễ trao Quyết định, đồng chí Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ: “Đồng chí Nguyễn Văn Bình là người có năng lực, được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm thực tiễn và đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình công tác tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Việc đồng chí Nguyễn Văn Bình được giao nhiệm vụ mới là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thể hiện sự tín nhiệm và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; mong muốn đồng chí tiếp tục phát huy năng lực, phẩm chất, trí tuệ của mình trên cương vị mới.”

Cũng tại buổi lễ, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: “Việc Bộ Chính trị phân công đồng chí Nguyễn Văn Bình giữ chức vụ Trưởng Ban Kinh tế Trung ương là sự ghi nhận, tín nhiệm cao của Trung ương đối với những đóng góp của đồng chí Nguyễn Văn Bình”.

Phát biểu tại buổi lễ, tân Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình bày tỏ lời cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tín nhiệm phân công ông vào cương vị mới. 

“Trên cương vị mới là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, tôi mong muốn được Đảng, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các cơ quan của Nhà nước và toàn thể các đồng chí… tiếp tục chỉ đạo, giúp đỡ, hỗ trợ hợp tác chặt chẽ để Ban Kinh tế Trung ương và cá nhân tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị mới”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh. 

Ông Nguyễn Văn Bình giữ chức Trưởng ban Kinh tế T.Ư ảnh 1

Đồng chí Đinh Thế Huynh trao Quyết định của Bộ Chính trị cho đồng chí Vương Đình Huệ và Nguyễn Văn Bình.

Cũng tại buổi lễ, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã chúc mừng đồng chí Nguyễn Văn Bình được tín nhiệm giữ cương vị mới. Đồng chí Vương Đình Huệ  bày tỏ sự tin tưởng trên cương vị mới, đồng chí Nguyễn Văn Bình sẽ góp phần cùng tập thể Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương hoàn thành tốt nhiệm vụ được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.

Ông Nguyễn Văn Bình sinh năm 1961 tại Phú Thọ, trưởng thành từ một cán bộ cơ sở trong ngành ngân hàng, đã kinh qua các chức vụ Chánh Thanh tra Ngân hàng rồi Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Tháng 01/2011 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ông Bình được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng rồi được Quốc hội khóa XIII phê chuẩn làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Tháng 01/2016 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Bình được bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 4/2016 được Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công giữ chức vụ Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

5 năm trên cương vị Thống đốc NHNN, ông Bình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao phó, đã có những quyết sách đúng đắn trong điều hành chính sách tiền tệ, góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô trong giai đoạn khó khăn của đất nước. Đặc biệt cùng với tập thể Ban lãnh đạo NHNN đã tái cơ cấu thành công hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011-2015; điều hành và giữ ổn định về tỷ giá, lãi suất ổn định, xử lý nợ xấu, sở hữu chéo ngân hàng…

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.