Ông “quan huyện” ở Hội An

Ông “quan huyện” ở Hội An
Cái lần ông Sự ban lệnh tại Hội An cấm dịch vụ chị em cắt tóc gội đầu cho ... nam giới, mới nghe, nhiều người thấy bất ngờ.

Cái ông trung niên vóc người nho nhỏ làm chủ tịch cái thị xã cũng nho nhỏ của đất Quảng Nam nổi danh Di sản văn hóa thế giới với khu phố cổ Faifo và bãi biển Cửa Đại tuyệt vời ấy, vốn thi thoảng vẫn có những quyết định gây “sốc” như vậy.

Như việc cấm xe máy đi vào phố cổ. Quyết định tắt điện thắp nến đêm rằm, việc thành lập riêng một đội... “cò” chuyên nghiệp, rồi việc không cho đăng ký mát xa mát gần gì hết, chỉ có mát xa chân công khai đã được đưa hẳn vào chương trình “Đêm Phố Cổ” cho những khách bộ hành khi chồn gối mỏi chân ...

“Dân mình bây giờ đâu phải muốn ra lệnh kiểu gì cũng được - ông Sự đáp tỉnh queo khi nghe tôi chất vấn – Cũng có một số người phản ứng, cho rằng không quản được nên mới cấm. Nhưng mấy năm rồi, thực tế chứng minh quyết định trên là hợp lý.

Không có chị em nào vì thế mà thất nghiệp, không có tiệm nào phải đóng cửa, cũng chẳng có ông khách Tây, ta nào đến Hội An mà chịu để cái đầu tóc dơ không gội. Nhưng thực ra, chỉ có ở Hội An mới chấp nhận những quyết định kiểu ấy, bởi Hội An chọn cách làm du lịch theo kiểu của mình.

Cứ chiều theo khách để len vào cái chữ “S” thứ ba (Sex) thì chỉ một bộ phận có lợi nhuận, nhưng lợi ích của cả cộng đồng lại bị mất, cái mất đó không thể tính được. Đó là bầu không khí thâm trầm tĩnh sạch “đặc sản” của Hội An mà ai đến đây cũng muốn tìm và thụ hưởng ...”.

Nói là làm, và làm quyết liệt, đặc tính cách người Quảng Nam. Tôi có lần sảng kinh vì cái sự “lỳ” của ông Sự. Dạo ấy khoảng năm 2002, vui chân quá giang cùng ông ra đảo Cù lao Chàm. Tàu gần cập đảo, nghe nhốn nháo phía trước.

Thì ra có một thuyền cá sau khi gây tai nạn tông chìm một thuyền thúng cùng mấy ngư dân, đã bỏ chạy. Ông Sự ra lệnh cho tàu quay hướng mở hết tốc lực đuổi theo. 5-6 giờ chiều rồi, gió thì đang cấp 4 cấp 5 lạnh bợt da, trời biển xầm xì chao đảo, con tàu bảy tám chục sức ngựa mang tên tàu Văn hóa của đô thị cổ cồng kềnh chải chuốt như thuyền rồng sông Hương, giờ ầm ầm rẽ sóng.

Cái tàu cá kia, ù té chạy, càng chạy nhanh hơn khi biết có người đuổi, nhiều lúc mất hút sau những đợt sóng mỗi lúc một lớn. Mười mấy anh em trên tàu tái mặt, sợ cho mình một, sợ cho “thằng” kia mười, xui rủi nó chạy nhanh quá “ụp” một cái thì...

Can gián mãi, nhưng ông Sự cứ đứng lỳ trước mũi tàu tiếp tục chỉ huy cuộc rượt đuổi. Cuối cùng khi ông nhượng bộ cho rút quân, ai nấy đã nhừ người. Nghe nói sau đó ông đã điện cho ngành chức năng xử lý được kẻ gây tai nạn bỏ chạy.

Sự kiện này người dân trên đảo càng quý cái ông chủ tịch có vóc dáng “trói gà không chặt” ấy, đến nỗi bảo mai mốt ông Sự về hưu sẽ mời ra làm... trưởng đảo ! Liên tiếp mùa mưa lũ lịch sử 98-99, cùng với Huế, Quảng Nam và cả miền Trung, Hội An bị dìm trong nước bạc, chỉ còn hiện lên chơ vơ vài cái chóp nhà. Ông Sự lọt thỏm trong cái áo phao, tả xung hữu đột chỉ huy cứu dân.

Giữa biển nước cuồn cuộn, cánh phóng viên chúng tôi đang hì hục bơi thuyền về phía Cẩm Kim – vùng thấp lụt nhất của thị xã, bắt gặp một cảnh tượng dễ khiến liên tưởng đến trận Xích Bích trong chuyện Tam Quốc: Những chiếc tàu cá đồ sộ như những chiến thuyền được neo buộc vào nhau, kết thành một cái phao nổi khổng lồ, là nơi trú chân cho hàng ngàn người giữa thời khắc hiểm nghèo.

Sáng kiến ấy là của ông Sự cùng các quân tướng vốn rất thiện chiến trong “nghề” cứu lụt. Dềnh dàng mấy ngày trời giữa lũ, người ai nấy cứ “bủn” ra, ông Sự vẫn còn tiếu lâm : “Về nhà lụt trôi hết cả, heo gà vịt con gì cũng trôi tuốt, riêng... vợ là không !!!”.

Cười ầm cả lên cho đỡ mệt thế thôi, nhưng mọi người đều biết cái ông nổi tiếng tiếu lâm ấy đang ngay ngáy lo lắng cho vợ con ở nhà. Ngôi nhà ông ở Cẩm Thanh thấp tè tè xa trung tâm cách nơi làm việc dăm bảy cây số, lại gần sông, lụt năm nào cũng tụt lút dưới nước.

Chuyện gia sản của Nguyễn Sự cũng là điều vốn rất gây tò mò cho nhiều người. Đất đai vườn tược thì do ông bà để lại, còn nhà cửa thì lần xây mới gần nhất đã cách đây 5 năm theo kiểu nâng cấp từ cấp bốn lên cấp… ba rưỡi, hết tổng cộng... 28 triệu đồng ! Thật khó tin với một chủ tịch hai nhiệm kỳ ở một thị xã vốn rất ăn nên làm ra, nơi giá đất đai cao ngất ngưởng... Cánh báo chí chúng tôi đùa: “Ai biết ông chôn mấy... hũ vàng dưới nhà (?)”, ông liền độp lại quyết liệt: “Thì cho chúng bay mang... máy dò đến nhà tau mà tìm, tìm được biếu luôn !”.

Nói là nói vậy thôi, chứ chúng tôi từng nhiều bữa đến “ăn chực” rồi ngủ ké lăn lóc ở nhà ông, vẫn biết cái ông “quan huyện” vốn xuất thân từ lính chiến, nhiều năm đi “gõ đầu trẻ” này có một lối sống thanh đạm, ghét kiểu cách ồn ào. Vợ cũng là giáo viên, hai con trai đang học đại học ở TP.HCM, nhà cửa trống huơ, nên ông rất hay về với vợ và cha mẹ già những lúc hết việc, chứ hầu như chẳng la cà này nọ. Muốn gặp ngoài giờ xin cứ xộc thẳng về nhà ông.

“Tôi giàu là giàu anh em bạn bè đồng chí và những người thương quý, những người hiểu mình. Không có họ tôi chẳng làm được gì cả”, ông Sự vẫn rỉ rả tâm sự như vậy.

Phải nói cái duyên cái may của ông Sự là lớn lắm. Sát cánh cùng ông là một Đảng bộ vững mạnh dám nghĩ, dám quyết, dám làm. Dưới tay ông là cả một đội ngũ những người biết biến ý tưởng thành hiện thực với một tấm lòng trọn vẹn với đô thị cổ.

Đó là những người như ông Võ Phùng, Trần Văn Nhân, Phùng Tấn Đông... ở trung tâm Văn hóa Hội An, Trần ánh, Nguyễn Chí Trung, Trần Văn An... ở trung tâm Quản lý Bảo tồn di tích, và nhiều nhiều người khác. Có cả những người bạn lớn như cố kiến trúc sư Kazik.

Và trên hết, đó là hàng vạn người dân luôn trân trọng gìn giữ và phát huy gia sản tinh thần và di sản văn hóa cha ông để lại, với niềm tự hào rất đặc biệt : Là “người Hội An !”.

Người Hội An lạ lắm, tôi nghĩ có lẽ lúc nào đó các nhà nghiên cứu phải làm hẳn một đề tài lớn về ba chữ “người Hội An”, e rằng cấp bao nhiêu bằng tiến sĩ cũng chưa hết. “Yêu ở đâu thì yêu /Về Hội An xin chớ/ Hôn một lần ở đó/ Suốt đời vang thủy triều”, thi sĩ Chế Lan Viên chẳng đã “cảnh giác” về sự nồng nàn của người Hội An rồi đó sao!

Rẻo đất bên bờ biển Đông có tên Faifo một thời lừng danh là cảng thị tầm quốc tế, rồi quên lãng sau những cuộc chiến, ngủ yên suốt một thời bao cấp, im lìm như bao phố huyện đìu hiu phủ bụi khác. Để bây giờ, thương hiệu du lịch Hội An đã vượt ra khắp năm châu bốn bể. Đất nước này có nơi đâu mà riêng một xã như Cẩm Châu có tới dăm bảy cái Resort tầm cỡ quốc tế và hàng chục khách sạn sang trọng?

Có nơi đâu mà những tiệm vải nhỏ xíu nơi phố cổ đều tự lập những website cho riêng mình để đo vẽ, cắt may và bán hàng qua mạng cho khách ở cách nửa vòng trái đất như ở Hội An ? Liên tiếp những hội nghị quốc tế lớn được chọn tổ chức tại cái thị xã này...

Năm 1999, UNESCO  công nhận Hội An là Di sản văn hóa thế giới; năm 2000 thị xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; năm 2001, cá nhân ông Sự cùng nhân dân thị xã được UNESCO trao Giải thưởng kiệt xuất về bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa khu phố cổ Hội An.

Mới đây ông là một trong 3 người được nhận giải thưởng The Guide Awards 2004 của Thời báo kinh tế VN vì những cống hiến cho sự phát triển du lịch Việt Nam. Và trong những ngày rộn ràng kỷ niệm 30 năm đất nước thống nhất này, ông Nguyễn Sự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Một trường hợp rất hiếm, mà có lẽ là lần đầu tiên một Phó Bí thư thị ủy, Chủ tịch HĐND như ông được phong anh hùng khi còn đương chức !  

... Hội An tĩnh sâu với “Đêm phố cổ”. Đêm của trăm năm trước hiện về trong ánh sáng huyền ảo vắt ngang dòng sông Hoài, trên những mái cổ đọng sương, trong những gánh gồng bến thuyền mái lá, tiếng rao ơ hờ cùng tiếng hát đồng dao, tiếng hô bài chòi  lảnh lót.

Ông và tôi mỏi chân tháo giầy ngồi bệt trên lề đường Bạch Đằng nhìn sang phố Nhật bên kia sông, nơi chiếc thuyền cổ mô phỏng theo bức tranh “Trên sông Hội An” của hoạ sĩ J. Barrow vẽ từ hơn 200 năm trước đang rẽ nước với những thiếu nữ Hội An trong trang phục cổ xưa dẻo tay chèo cùng du khách qua sông.

Chẳng nói ra, nhưng tôi biết đằng sau cái vẻ thanh thản hiếm hoi ấy, ông Sự vẫn còn khối những trăn trở, dự định, và sẽ lại đưa ra những quyết định gây “sốc” vào một ngày đẹp trời nào đó... 

Tháng 4/2005

MỚI - NÓNG