Ông tây 'chộp' Hà Nội thời bao cấp

Ông tây 'chộp' Hà Nội thời bao cấp
TP - Nhiều người đã không giấu được cảm xúc khi xem lại những hình ảnh về Hà Nội trong thời kỳ khó khăn mà chính họ là nhân chứng sống. Nhiếp ảnh gia John Ramsden đã đưa người xem về Việt Nam đầu những năm 80 thế kỷ trước qua triển lãm “Hà Nội: Mảnh đất hóa tâm hồn”.

> Hà Nội những năm 80 qua ống kính người Anh
> Chùm ảnh: ‘Hàng độc’ thời bao cấp của người Việt

Những bức ảnh về một Hà Nội thời bao cấp của John Ramsden
Những bức ảnh về một Hà Nội thời bao cấp của John Ramsden.

Năm 1980, John Ramsden lần đầu tiên đặt chân đến Hà Nội với tư cách Phó Đại sứ quán Anh tại Việt Nam. 3 năm làm việc tại Hà Nội (từ 1980 - 1983). Cái duyên với nhiếp ảnh đã cho ông có một gia tài gần 2.000 bức ảnh đen trắng về Hà Nội xưa. Và cũng chính từ những bức ảnh này đã đưa Ramsden trở về với mảnh đất đã hóa tâm hồn qua ống kính của ông.

Ba năm thỏa mãn cho cuộc đời nhiếp ảnh

John Ramsden là nhà ngoại giao với niềm yêu thích nhiếp ảnh và nghệ thuật. Ông bắt đầu làm việc trong Bộ Ngoại giao Anh từ năm 1975 và đã công tác tại Senegal, Tây Phi, Vienna. Khi đến Việt Nam, ngoài giờ làm việc, niềm đam mê chính của Ramsden là đi dạo quanh phố phường Hà Nội và đạp xe đi chơi xa những dịp cuối tuần cùng với chiếc máy ảnh trước ngực.

Với lợi thế công việc, John Ramsden may mắn được qua nhiều quốc gia, thành phố lớn. Ở đâu người bạn đồng hành với ông cũng là chiếc máy ảnh phim đen trắng. Tuy nhiên, với Ramsden, duyên nợ và cũng là mãn nguyện nhất với ông là 3 năm ở Hà Nội, kể cả sau này khi rời Việt Nam, ông tiếp tục công tác tại các thành phố lớn của Châu Âu với nhiều tác phẩm kiến trúc cổ kính, văn hóa phong phú.

Ông tây 'chộp' Hà Nội thời bao cấp ảnh 2

Với Ramsden, tìm hiểu về Hà Nội gần như đó là nhu cầu vô tận. Sự tham lam tìm kiếm nghệ thuật khiến ông như muốn chụp, chụp và chụp mãi về Hà Nội.

Đưa bức ảnh những chiếc xô xếp hàng chờ lấy nước, Ramsden bồi hồi: “Tôi được nghe kể về nhiều mối tình nảy nở từ những xô nước. Hằng đêm, khi các bạn nam nữ trẻ đứng xếp hàng cạnh nhau chờ đến lượt lấy nước, những câu chuyện tình cảm, những câu nói bông đùa, những lần nhường chỗ lấy nước… đã vô tình đưa nhiều bạn trẻ đến với nhau, nhưng chưa một lần nào tôi ghi lại được những hình ảnh đó” - ông tiếc nuối.

Hay về bức ảnh khu bán nước sôi, ngày đó ông chụp chỉ vì thấy bố cục lạ mà không hiểu người ta đun nước nhiều thế để làm gì? Sau này, khi được Nhà Sử học Dương Trung Quốc chú thích cho từng ảnh, ông càng thêm bất ngờ về chính tác phẩm của mình.

 Các bạn phải cảm ơn chính những người con của các bạn! Nếu không có họ, tôi không biết làm thế nào để đưa bộ ảnh về Việt Nam.

Ramsden

Hạnh phúc lớn nhất trong lần trở lại Việt Nam là khi Ramsden được tận mắt chứng kiến những bức ảnh của ông lấy được nước mắt của nhiều người.

Đó là hình ảnh một đại gia đình với nhiều thế hệ đến xem triển lãm, là hình ảnh những bạn trẻ trầm trồ được biết đến Hà Nội xưa không phải qua lời kể của ông bà, cha mẹ. Hình ảnh người bà chỉ từng ảnh, kể từng góc phố trong sụt sùi nước mắt cho người cháu gái vẫn đang đeo cặp trên vai.

Quay trở lại Việt Nam lần này, Ramsden nuôi hy vọng được tiếp tục khai thác những hình ảnh còn dang dở, nhưng những hình ảnh đó đã quá xa vời với xã hội hiện tại. Bất ngờ với bộ mặt mới của phố phường Hà Nội, không khỏi tiếc nuối khi không tìm lại được cảm xúc xưa.

Nhưng Ramsden rất mừng vì Hà Nội đã thay da đổi thịt, người dân đã có cuộc sống tốt đẹp hơn! Và càng mãn nguyện hơn khi những bức ảnh của ông đã trở thành một phần lịch sử trong sự phát triển của một thành phố giàu truyền thống. “Nếu không có 3 năm sống ở Hà Nội, nghiệp cầm máy của tôi sẽ trở nên vô nghĩa” – Ramsden chia sẻ.

Con đường về với mảnh đất duyên nợ

Khi bấm những bức ảnh này, chưa bao giờ Ramsden nghĩ rằng đây sẽ là món quà vô giá với người dân Hà Nội. Năm 2010, trong cuộc trưng bày tại một phòng nhỏ nhằm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tại thành phố Bath, nhận được sự phản hồi tích cực của các bạn trẻ Việt Nam đang học và làm việc tại Anh, Ramsden mới ấp ủ ý định đưa bộ ảnh của ông về với nhân vật.

Ông tây 'chộp' Hà Nội thời bao cấp ảnh 3

Ý định đó càng được thôi thúc khi ông gặp VietPro (nhóm người Việt trẻ sống và làm việc tại Anh) và nhóm KREU (nhóm kiến trúc sư và thiết kế đồ họa người Việt ở London). Với sự giúp đỡ nhiệt tình của giới trẻ đang hành động vì một phần lịch sử của tổ quốc, tháng 4/2013, sau 30 năm, lần đầu tiên những bức ảnh độc đáo về Hà Nội được giới thiệu ra thế giới qua triển lãm “Hanoi: Spirit of Place” tổ chức lại London và Copenhagen. Và đến những ngày trung tuần tháng 10 này, bộ ảnh cũng được trở lại nơi chúng bắt đầu.

“Các bạn phải cảm ơn chính những người con của các bạn! Nếu không có họ, tôi không biết làm thế nào để đưa bộ ảnh về Việt Nam” – Ramsden nói về các bạn trẻ Việt đã nhiệt tình ủng hộ, giúp ông liên hệ, xin tài trợ hay phiên dịch khi ông về Việt Nam. Nhận xét về những bạn trẻ Việt, Ramsden rất mừng vì đấy chính là con cháu của những nhân vật trong tác phẩm của ông, được chính những con người lam lũ sống trong một thành phố nghèo khó nuôi dưỡng và trưởng thành. “Đưa bộ ảnh về Việt Nam là quyền và cũng là trách nhiệm của chính các bạn trẻ” – Ramsden nói.

Một bất ngờ nhỏ khi trong lần trở lại Việt Nam này, Ramsden nhận được nguồn tài trợ không nhỏ từ ông Trọng Kiên – Giám đốc Tập đoàn Thiên Minh.

“Tôi không khỏi xúc động khi xem bức ảnh về tàu điện Hà Nội vì ngày xưa khi gia đình khó khăn, tôi cũng thường xuyên phải bám đu vào xe điện để đi học. Tôi quyết định góp phần đưa bộ ảnh về Việt Nam để mong rằng, những anh bạn cùng bám tàu đi học với tôi ngày nào được sống lại cảm xúc của một thời kỳ lịch sử!”- ông Kiên viết vào sổ cảm xúc.

Món quà vô giá của lịch sử

Nhà Sử học Dương Trung Quốc, người viết chú thích cho những bức ảnh của John Ramsden trong triển lãm góp ý: “Vào thời kỳ những năm 1980, đất nước còn khó khăn, thiết bị yếu kém, bản thân chúng ta cũng chỉ chú tâm vào lao động để phát triển đất nước. Rất may, John Ramsden đã giúp chúng ta ghi lại và lưu giữ những hình ảnh về Hà Nội suốt 30 năm. Đây là một món quà vô giá! Ngày nay, khi máy ảnh, thiết bị rất nhiều, mong các bạn trẻ học tập Ramsden lưu giữ những bức ảnh có giá trị lịch sử để truyền lại cho đời sau”.

Ông tây 'chộp' Hà Nội thời bao cấp ảnh 4

Tại triển lãm, Đại tá, nhà báo Trần Hồng (người có rất nhiều ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp) khâm phục: “Cùng là một đồng nghiệp, tôi rất khâm phục Ramsden vì với vốn từ tiếng Việt ít ỏi của mình, ông đã vượt qua khó khăn trong việc tiếp cận nhân vật và làm được một kỳ tích mà nhiều nhiếp ảnh gia người Việt đã bỏ quên”. Đại tá Trần Hồng cũng ký tặng Ramsden một bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông tâm đắc.

Không giấu được niềm hạnh phúc, Ramsden nói: “Vậy là bộ ảnh của tôi đã góp phần vào lịch sử Hà Nội. Qua triển lãm này, tôi muốn các bạn trẻ Việt Nam sẽ được đối thoại với tôi qua những bức ảnh để tìm hiểu về Hà Nội xưa, chứ không phải qua lời kể của ông bà, cha mẹ!”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG