Hội đồng bầu cử Quốc gia:

Ông Trịnh Xuân Thanh không đủ tư cách là đại biểu Quốc hội

Ông Trịnh Xuân Thanh không đủ tư cách là ĐBQH khóa XIV.
Ông Trịnh Xuân Thanh không đủ tư cách là ĐBQH khóa XIV.
TPO - Xác nhận với phóng viên Tiền Phong chiều 15/7, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, sáng cùng ngày, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã bỏ phiếu hủy bỏ tư cách Đại biểu Quốc hội đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Tỷ lệ đạt 100% số thành viên có mặt.

Sáng 15/7, Hội đồng bầu cử quốc gia (HĐBCQG) họp phiên thứ bảy. Một trong những nội dung của phiên họp là xác minh tư cách Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV, trong đó có một trường hợp đang bị xem xét, xử lý vì có dấu hiệu vi phạm khuyết điểm.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp này, HĐBCQG sẽ nghe báo cáo tình hình chuẩn bị thực hiện công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Nội dung thứ hai là báo cáo kết quả xác nhận tư cách ĐBQH khóa XIV và xem xét thông qua tư cách ĐBQH khóa XIV. Nội dung tiếp theo, HĐBCQG sẽ tiếp tục thảo luận và cho ý kiến về báo cáo tóm tắt và báo cáo tổng kết công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cuộc bầu cử ĐBQH vừa qua có 496 đại biểu trúng cử. “Tuy nhiên, trong quá trình xem xét xác nhận tư cách, có một trường hợp đang được cơ quan chức năng tiến hành quy trình xem xét, xử lý có dấu hiệu vi phạm khuyết điểm. 

Theo quy định của Luật bầu cử ĐBQH, và ĐB HĐND, căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử ĐBQH, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử ĐBQH, HĐBCQG sẽ tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử ĐBQH và cấp giấy chứng nhận ĐBQH cho người trúng cử và báo cáo kết quả này tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV”, bà Ngân nói.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 15/7, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, 100% thành viên HĐBCQG có mặt trong phiên họp thứ bảy đã bỏ phiếu hủy bỏ tư cách ĐBQH đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Như vậy, có 495 đại biểu đủ tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Trước đó, ngày 11/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (T.Ư) đã ra thông báo về Kỳ họp thứ IV và thứ V của Ủy ban. Tại 2 kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã xem xét, kết luận nhiều nội dung, trong đó có trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016, người vừa trúng cử ĐBQH khóa XIV. 

Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư Chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Ban Thường vụ Đảng ủy và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tập thể, cá nhân có liên quan về các khuyết điểm, vi phạm. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành tổng kết, rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình về công tác cán bộ. 

Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng đề nghị HĐBCQG xem xét, không công nhận tư cách ĐBQH khóa XIV đối với đồng chí Trịnh Xuân Thanh… 

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016. Sau khi xem xét, Ủy ban Kiểm tra T.Ư kết luận ông Trịnh Xuân Thanh có một số khuyết điểm, vi phạm:

Trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng đồng chí Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng Công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế. Đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng Công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.

Những vi phạm, thua lỗ nêu trên là nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Với cương vị là người đứng đầu, đồng chí Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên. Tuy nhiên, đồng chí Trịnh Xuân Thanh chưa nghiêm túc, thành khẩn tự giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm, vi phạm của bản thân. 

Khi thuyên chuyển vào Hậu Giang công tác, với cương vị là Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí đã dùng biển số xe công gắn vào xe ôtô tư nhân để sử dụng là trái quy định, gây phản cảm, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Việc làm đó của đồng chí là thiếu gương mẫu, vi phạm Quy định số 101- QĐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. 

Đồng chí Trịnh Xuân Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm ở Tổng Công ty PVC, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đánh giá chưa hoàn thành nhiệm vụ và cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty.

Như vậy, đồng chí không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo Kết luận 146-KL/TW, ngày 04-10-2013 của Bộ Chính trị khóa XI. Nhưng, đồng chí vẫn đề nghị, để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang là thể hiện thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu. 

Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm, quy hoạch, giới thiệu bầu cử ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang đối với đồng chí Trịnh Xuân Thanh, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan có khuyết điểm, đã vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ. 

MỚI - NÓNG