Oshin ngày Tết

Oshin ngày Tết
TP- Ngày Tết, công việc chao ôi… ngập đầu, nếu nhà nào thiếu “cánh tay đắc lực” này thì quả thật là đại họa. Vì vậy các ông chủ, bà chủ phải tìm mọi chiêu thức để “lôi kéo” họ ở lại với gia đình mình.

Cứ hòm hòm mà tính những công việc ngày Tết thì chẳng biết đến bao giờ mới hết. Đầu tiên là mâm cúng giao thừa và ngoài trời ngốn biết bao nhiêu sức lực của các bà nội trợ.

Thêm vào đó là chậu bát chất đống cao gấp đôi gấp ba ngày thường, rồi khách khứa triền miên, trẻ con không phải đến trường bắt đầu “giở trò” quấy phá, nghịch ngợm. Các bà, các mẹ chỉ muốn điên lên với núi công việc mà không biết phải bắt đầu từ đâu. Và các gia chủ phải tìm mọi chiêu thức để giữ “oshin” lại, dù có thể mất đến tiền triệu.

Chị Hồng Minh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) than thở: “Nói gì thì nói, ngày Tết vẫn là ngày gia đình đoàn tụ nên không phải ai cũng chấp nhận “làm khách” trong dịp này nhưng nào là dọn dẹp nhà cửa, mua sắm, nấu nướng, làm cơm tất niên, rồi lại xoay vần ra làm cơm mồng 1 nếu không giữ cô bé giúp việc lại thì cả nhà mất tết luôn.

Năm ngoái, cô bé giúp việc xin nghỉ từ 28 đến mồng 6 mà nhà chị cứ như bãi chiến trường, chồng gắt vợ, mẹ quát con cứ loạn cả lên chẳng còn không khí ngày xuân”.

Rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay chị Minh tìm đủ mọi cách giữ cô bé giúp việc lại nhà mình, từ tỉ tê tình cảm đến mua sắm quần áo, cắt đặt thời gian đưa oshin đi chơi phố phường. Vừa rồi chị Minh còn mua đôi hoa tai 1 chỉ như ao ước của cô bé này.

Chị Minh tâm sự: “Một chỉ vàng cho 5, 6 ngày tết thì đắt ngang mấy tháng lương bình thường đấy nhưng tính thiệt hơn lại thấy thế vẫn còn… hời vì đầu năm cả gia đình mình thì đi du xuân còn nó thay mình quán xuyến nhà cửa.

Cô bé này ở với gia đình chị 3 năm rồi, cũng thạo việc, khỏe mạnh, chăm chỉ, lại thật thà. Nó chịu ở lại tết chẳng khác gì nhà chị bắt được vàng, bản thân chị cũng thở phào nhẹ nhõm vì mình sẽ có thời gian nghỉ ngơi và chúc tết họ hàng người thân.” 

Cùng suy nghĩ như chị Minh, chị Thái Bình (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Nhà chị thuê tới hai oshin: một lo cơm nước, chợ búa; một chuyên để chăm sóc cho em bé. Ngoài ra còn “điều” thêm bà ngoại lên giám sát công việc nên mọi việc đều chỉn chu ngăn nắp. Tết đến, cả hai đều đòi về quê khiến mình cứ như đang ngồi trên đống lửa”.

Sau khi “điều đình” với cả hai người giúp việc chị cho cô chăm sóc trẻ về quê nghỉ trước tết 2 tuần, người còn lại sẽ nghỉ 10 ngày bắt đầu từ khi cô giữ trẻ từ quê lên. Chị Bình còn cẩn thận mua sắm quần áo bánh kẹo cho gia đình oshin của mình và hứa tăng lương gấp 3 lần trong dịp Tết.

Chị tặc lưỡi: “Cô trông trẻ mới về được 1 ngày mà mọi việc cứ rối tung cả lên. Đứa bé quen hơi cô ấy rồi nên giờ ai bế cũng khóc, quấy phá không chịu ăn uống. May còn một người ở lại giúp việc nhà, dọn dẹp hộ nhà cửa để bà ngoại trông cháu thì mình mới tạm yên tâm lo làm ăn buôn bán”.

Sôi sục dịch vụ oshin ngày Tết

Thông thường các gia đình khi tuyển dụng người giúp việc sống chung với nhà chủ phần lớn là thông qua các mối quen biết để nắm rất rõ quê quán, lý lịch cũng như tính cách của những người này. Có như thế họ mới yên tâm giao nhà cửa cho người khác. Tuy nhiên cũng có không ít gia đình vì nhiều lý do đã tìm đến các văn phòng giới thiệu việc làm hoặc các địa chỉ chuyên cung ứng người giúp việc để tìm oshin.

Oshin ngày Tết ảnh 1

Chị Trang Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Nhà mình thì nhỏ mà có đến 3 thế hệ từ bố mẹ đến con cái, cháu chắt chung sống đã mệt lắm rồi. Tự nhiên gia đình có thêm thành viên nữa thì thật khó chịu vì mình sẽ phải thay đổi nhiều nếp sống, thói quen hằng ngày nhưng cứ một tuần thử đóng vai oshin cáng đáng việc nhà xem, không ốm mới là lạ”.

Để tập trung vào việc công, mà vẫn quan tâm đầy đủ đến “dinh dưỡng” của bố mẹ, chồng con nhất là trong mấy ngày tết, chị Trang Anh tìm đến một Cty cúng ứng lao động để thuê người giúp việc theo giờ.

Tuy nhiên mức lương của dịch vụ này khá cao, ngày bình thường chị mất 20.000/giờ thì tết chị phải trả 30.000/giờ, mà tối thiểu mỗi buổi chị phải thuê 2 tiếng.

Theo chị Trang Anh, tuy dịch vụ này khá đắt đỏ nhưng họ đều là những người chuyên nghiệp và biết việc nên gia chủ không cần nắm tay chỉ việc cho họ. Chỉ cần mình tập trung mọi công việc như dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, chăm sóc vườn tược,… vào cùng một ngày rồi thuê người giúp việc về làm thì vừa tiết kiệm lại vừa hiệu quả.

“Chọn người giúp việc theo giờ cũng là tùy “may - rủi”, nếu gặp người chăm chỉ, biết việc thì chỉ một thoáng là mọi thứ sẽ đâu vào đấy chứ nếu chọn phải người lười nhác mà có tính gian nữa thì ôi thôi… khổ ngang với mình tự làm. Vì vậy chị thường thuê người giúp việc vào ngày nghỉ và chọn những người đã quen với gia đình” - Chị Trang Anh chia sẻ kinh nghiệm.

Gia đình chị Thanh Hằng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thuộc “hàng” kinh tế khá giả, nhà lại rộng nhưng chị nhất định không nhận những người giúp việc trọn gói vì: “Hai vợ chồng đang sống lại có cô giúp việc vào ở cùng thì bất tiện lắm, không khéo mất chồng như chơi”.

Tuy nhiên khi có con đầu lòng thì mọi chuyện khác hẳn, để yên tâm đến công sở chị đành chấp nhận chọn dịch vụ oshin 8 tiếng/ngày để có thêm người giúp chị cáng đáng các công việc “nội trợ” trong nhà từ cơm nước, giặt giũ đến cho trẻ con ăn, đi ngủ, kể chuyện...

Chiều tối chị “tan tầm” thì cô giúp việc cũng “tan sở” nhưng chị khá hài lòng với lựa chọn của mình. Chị cho biết: “Tuy vất vả một chút nhưng cả ngày lăn lộn làm việc, tối đến chỉ muốn cả gia đình đoàn tụ. Chị muốn dành thời gian riêng cho gia đình chứ không muốn cô giúp việc thành “mẹ” trong lòng con chị”.

Hiện nay, bên cạnh dịch vụ cho thuê người theo giờ, nhiều Cty cung ứng người giúp việc cho cả tháng tết. Chị Giáng Hồng - Giám đốc Trung tâm Hoa hồng (Hà Nội) cho biết: Dịch vụ giúp việc ngày tết có đến 8 năm nay nhưng cứ đầu năm là nhu cầu oshin lại tăng cao đến chóng mặt.

Tết nào chị cũng giải quyết được công việc cho 200 - 300 người. Hiện tại, còn gần một tháng nữa là đến Tết thì đã có gần trăm gia đình gọi điện đăng ký thuê người giúp việc.

Theo chị Hồng thì: “Giá cả thị trường đang tăng nên năm nay dịch vụ giúp việc ngày Tết cũng tăng hơn so với mọi năm. Giá trọn gói cho 10 ngày là trên dưới 1 triệu đồng, làm theo giờ là 20.000 đồng - tùy theo ngày, càng sát tết giá của dịch vụ này càng cao. Nếu gia đình nào không thích người làm ở qua đêm thì trung tâm có dịch vụ làm 8 tiếng với giá lên tới tên 100.000 đồng”.

Không chỉ có cơ sở Hoa Hồng mà hiện có khá nhiều trung tâm mở dịch vụ cung ứng lao động trong những ngày “nước sôi lửa bỏng” này. Tại cơ sở Minh Tâm (Hà Nội), mức lương làm theo giờ là 10.000 đồng/giờ còn nếu khách hàng sử dụng dịch vụ trọn gói 10 ngày tết thì phải trả từ 120.000 đến 150.000 đồng/ngày, ngoài ra phải cộng thêm 400.000 đồng chi phí mô giới.

Tuy nhiên rất nhiều người thấy mức lương cao như vậy là rất thỏa đáng bởi không phải ai cũng sẵn sàng xa gia đình để đi làm trong dịp tết. Nói như chị Thanh Thảo, một oshin có thâm niên 4 năm trong nghề thì:

“Ở lại nhà chủ trong dịp tết thì mình được tăng lương, thưởng tiền, ăn uống thỏa thích, lại được sắm quần áo đẹp, được chủ nhà trân trọng đấy nhưng được về quê với bố mẹ anh em, họ hàng còn thích hơn, vui hơn rất nhiều”.

MỚI - NÓNG