'Ô-sin' ngoại lên ngôi, nội lép vế: Thua trên sân nhà

Annaliza R (thứ 2 từ trái sang) cũng bạn bè người Philippines tại Hà Nội.
Annaliza R (thứ 2 từ trái sang) cũng bạn bè người Philippines tại Hà Nội.
TP - Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) hình thành, không chỉ lao động có tay nghề, kỹ thuật cao tràn vào thị trường Việt Nam làm việc. Ngay những nghề chỉ yêu cầu lao động phổ thông, như giúp việc người nhà (thường gọi là ô sin) dù luật không cho phép, nhưng nhiều lao động nước ngoài vẫn âm thầm “tấn công” thị trường lao động Việt.

Annaliza R (quốc tịch Philippines, năm nay 39 tuổi), dáng đậm, hay cười, mẹ đơn thân nuôi 2 con gái (14 và 15 tuổi) đến Hà Nội đã được hơn 2 năm và đang giúp việc cho một gia đình người Hàn Quốc. Đến với nghề giúp việc, Annaliza cho rằng đó là duyên. Khi còn quê nhà, Annaliza tự tay chăm sóc 2 con nhỏ, khi các con lớn cô xin đi làm giúp việc cho gia đình nhà ngoại giao người Hàn Quốc tới Philippines làm việc. Nhờ nhanh nhẹn, thật thà, lại hiểu biết và làm việc tốt nên cô được chủ nhà rất yêu mến, gia đình người Hàn Quốc này chuyển tới Hà Nội đã đưa cả cô cùng sang. “Mỗi ngày tôi bắt đầu làm việc từ 6h sáng. Sau khi làm bữa sáng cho nhà chủ 3 người, cả nhà ăn xong tôi đưa cậu con trai đi học rồi về dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa trưa. Chiều đến, tôi làm các việc lặt vặt khác, như là ủi quần áo, trang trí phòng làm việc, trồng hoa và nấu cơm tối”, Annaliza thuật lại công việc mỗi ngày vẻ đầy thích thú. Ngoài ra, cô cũng bơi giỏi và kỹ năng tiếng Anh tốt, nên cô còn dạy bơi và kèm cậu chủ học.

Những công việc trên của Annaliza lặp lại mỗi tuần, riêng Chủ nhật cô được nghỉ. Chủ nhật hàng tuần là thời gian Annaliza dành cho bạn bè người Philippines ở Hà Nội, họ cùng nhau chia sẻ cuộc sống, cùng đi ăn, đi nhà thờ và thăm thú Hà Nội.

Còn Genesis G (đồng hương của Annaliza, 43 tuổi) giúp việc theo giờ cho một gia đình Pháp ở Hà Nội. Genesis G không cảm thấy buồn phiền vì công việc chỉ theo giờ của mình, trái lại, cô cảm thấy tự do và thoải mái vì có thể làm việc bất cứ lúc nào, ngày nào cô sẵn sàng hoặc chủ nhà yêu cầu. 

Công việc hàng ngày của Genesis là chăm sóc và đưa đón cậu con trai (10 tuổi) của gia đình người Pháp đi học ở trường UNIS (United Nations International School, tại Khu đô thị Ciputra). Khi rỗi, cô dọn dẹp nhà cửa và bày bàn ăn.

Nói về nghề giúp việc nhà, cả Annaliza R và Genesis G đều rất say sưa, và họ kể về chủ như những người thân của mình với nhiều tình cảm, sự kính trọng. Với Annaliza, công việc này đã giúp cô có tiền trang trải cuộc sống và gửi về quê nuôi 2 con ăn học, đặc biệt cô tỏ sự biết ơn khi gặp được những người chủ tốt bụng. “Chưa khi nào bà chủ xem tôi là người giúp việc, bà đối xử với tôi như một thành viên trong gia đình. Hàng tháng, ngoài lương, tôi đều có thưởng và được đi chơi và mua sắm cùng với gia đình bà chủ”, Annaliza nói.

Với mức lương 400 USD mỗi tháng (chưa tính thưởng), Annaliza tiết kiệm gửi về quê nhà 300 USD, 100 USD còn lại cô dành đi chơi với bạn. Annaliza tỏ ra hài lòng với công việc hiện tại, dù chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ gia đình.

Cả Annaliza R và Genesis G đều hài lòng với công việc và cuộc sống tại Hà Nội. Cộng đồng người Philippines tại Hà Nội không quá đông, với nhiều nghề, từ công nhân tới giáo viên, kỹ sư, y tá, bác sĩ… nhưng họ sống hòa thuận, gặp nhau mỗi tuần, nên mọi người luôn cảm thấy vui vẻ, gắn kết. “Cuộc sống ở đây rất nhẹ nhàng, người địa phương cũng thân thiện và thoải mái”, Genesis nói sẽ gắn bó với Việt Nam lâu dài.

Theo lãnh đạo một trung tâm giới thiệu việc làm tại TPHCM, lương giúp việc người Philippines tại Việt Nam từ 12-20 triệu đồng/tháng, phổ biến mức 14-15 triệu đồng/tháng. Mức 20 triệu đồng/tháng chủ yếu là người giúp việc Philippines có bằng cấp (từng học đại học, có bằng sư phạm tiếng Anh…). Theo vị này, người Philippines sang Việt Nam giúp việc chủ yếu do bạn bè giới thiệu, hoặc đi tự do, hiện chưa có đơn vị nào tới Philippines tuyển trực tiếp người lao động sang Việt Nam làm việc.

 

Giúp việc người Việt thiếu chuyên nghiệp

Giám đốc một trung tâm giới thiệu việc làm ở TPHCM cho biết: So sánh giúp việc người Philippines và người Việt Nam, vị giám đốc cho rằng, người Philippines làm giúp việc đều qua đào tạo, họ xem giúp việc là một nghề. Nhờ đó, giúp việc người Philippines thường rất chuyên nghiệp, trung thành. Trong khi đó, người Việt không biết làm gì mới đi làm giúp việc, tính chuyên nghiệp thấp, thái độ thiếu nghiêm túc, hay nghỉ việc tùy tiện, hay đòi hỏi; rất thích nhảy việc, ít tôn trọng chủ nhà. “Giúp việc người Việt được điểm duy nhất là mức lương thấp”, vị giám đốc nói.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.