Ôtô lao xuống vực: Lời cảnh tỉnh cho xe giường nằm

Chiếc xe khách giường nằm gặp nạn rơi xuống vực sâu khoảng 200 mét bị biến dạng hoàn toàn. Ảnh: Hiếu Lê
Chiếc xe khách giường nằm gặp nạn rơi xuống vực sâu khoảng 200 mét bị biến dạng hoàn toàn. Ảnh: Hiếu Lê
TP - Dễ lật, chiếm nhiều diện tích mặt đường, khó điều khiển... là những hiện tượng được cảnh báo từ lâu với xe giường nằm. Một số nước trong khu vực đã cấm phương tiện này.

Đã sớm cảnh báo


Tuyến đường từ Lào Cai lên Sa Pa nhiều đèo dốc, cua tay áo, trong khi xe giường nằm cồng kềnh, dài hơn 12 m, rộng 2,5m, cao 3,7m. Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nói rằng, vụ tai nạn thương tâm ở Lào Cai tối 1/9 là “minh chứng” cho sự không phù hợp của xe giường nằm trên đường dốc, hẹp. Ngay khi về Hà Nội, ông Thăng tổ chức cuộc họp và yêu cầu cấm xe giường nằm đi trên đường đèo dốc.

Hiểm họa từ xe khách giường nằm không phải bây giờ mới được đề cập. Cuối năm 2013, Tiền Phong đã cảnh báo trong bài Xe khách giường nằm, hung thần xa lộ mới. 

Ủy ban ATGT Quốc gia năm ngoái gửi công văn cho Bộ GTVT cảnh báo và đề ra những giải pháp với loại xe này. 

Tuy nhiên, từ đó đến nay, các biện pháp quản lý cơ bản cho loại xe này chưa được đưa ra. “Năm trước có một vụ tai nạn giao thông với xe khách giường nằm, tôi đã về chỉ đạo ngay Cục Đăng kiểm Việt Nam xem xe khách giường nằm có cho đi miền núi hay không, song tới giờ không thấy có báo cáo gì”, Bộ trưởng Thăng nói.

Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng, chuyên gia của Ủy ban ATGT Quốc gia, chuyên gia về đăng kiểm, phân tích, do bố trí khách nằm ở hai tầng, trọng tâm của xe giường nằm bị đẩy lên cao nên dễ lật.

Ngoài ra, do khách nằm trên cao, không cố định, không thắt dây an toàn nên trọng tâm xe bị xê dịch, xe rung lắc. 

“Xe khách một tầng, sát sàn xe, nếu khách ngồi có rung lắc cũng không ảnh hưởng nhiều. Chỉ tính hai yếu tố đó, xe khách giường nằm ít an toàn hơn”, ông Tạo nói. 

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, cho rằng, do xe giường nằm có kích cỡ lớn nên gây áp lực lớn cho hệ thống giao thông (còn yếu kém hiện nay), dễ va quệt với các phương tiện khác.

Theo ông Tạo, Cục Đăng kiểm đang quản lý tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khách giường nằm, hai tầng giống như xe khách một tầng nên cần xem xét lại. 

Ông Tạo cho rằng, Cục Đăng kiểm đang kiểm tra các thông số thể hiện độ nghiêng của xe khách giường nằm ở chế độ không tải (không chở người) là chưa hợp lý. 

“Ở chế độ không tải, xe giường nằm không khác gì xe khách bình thường. Khi có người ngồi trên tầng 2, trọng tâm, độ xê dịch của xe trở nên khác hoàn toàn. Vì vậy, cần thử nghiệm đúng thực tế để đánh giá đúng tình hình”, ông Tạo nói.

Chưa có lộ trình cụ thể

Sau khi Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đưa ra chủ trương cấm xe khách giường nằm đi trên đường đèo dốc, cua gấp, các cơ quan chuyên môn cơ bản đồng tình. 

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết, tới đây, sẽ khảo sát thực địa tại các cung đường đèo dốc để tham mưu cho Bộ GTVT cấm xe giường nằm. Ông Nguyễn Mạnh Hùng từng cho rằng, để hạn chế gây áp lực lên hệ thống hạ tầng, cần hạn chế xe khách giường nằm với những cung đường dưới 300 km. 

Tuy nhiên, việc cấm hay không cấm mới dừng ở chỉ đạo định hướng, chưa có lộ trình cụ thể.

Ông Tạo cho rằng, cần có những biện pháp quản lý khác như quy định tốc độ xe giường nằm thấp hơn các loại xe khách thông thường. Theo ông Tạo, phải yêu cầu khách thắt dây an toàn; sắp xếp khách phù hợp, như: xếp khách rải đều trên tiếp diện của sàn xe, xếp thứ tự từ tầng một lên tầng hai...

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.