Phá rừng, tìm cổ thụ làm cảnh

Phá rừng, tìm cổ thụ làm cảnh
TP - Săn cây cảnh cổ thụ, một kiểu phá rừng tinh vi, được hợp thức hóa đầy đủ chữ ký của kiểm lâm lẫn chính quyền sở tại dưới danh nghĩa thu mua gỗ vườn trồng đang phá rừng tự nhiên đầu nguồn áp biên giới Việt-Lào lần đầu tiên bị hải quan bắt giữ.

22 giờ đêm 3/4/2009, ông Nguyễn Đình Khanh, 33 tuổi, trú tại 183 Tôn Thất Thuyết, thị xã Đông Hà, Quảng Trị đến Chi cục Hải quan Khu thương mại Lao Bảo (tức Cổng B) làm thủ tục vận chuyển hai cây gỗ bằng lăng (một cây có đường kính 90cm, cao 11m và một cây có đường kính 80cm, cao 10m) về nội địa, cụ thể là ra tận Quảng Ninh.

Hai cây gỗ này được vận chuyển trên xe tải 98K-8494 (kéo rơ-moóc 98R-0128) của Cty TNHH Sơn Hùng (tỉnh Bắc Giang) do Đồng Văn Cường (23 tuổi, trú tại Nam Giang, Xương Giang, thành phố Bắc Giang) điều khiển.

Phá rừng, tìm cổ thụ làm cảnh ảnh 1
Một góc cổ thụ bị chặt
 

Hồ sơ lô hàng gồm đơn xin khai thác thu mua cây gỗ vườn của ông Khanh có xác nhận của UBND xã Ba Tầng do Phó Chủ tịch xã Ăm Khăm ký, đóng dấu; đơn xin bán cây tự nhiên trên đất vườn của ông Hồ Văn Thố (tức Vỗ Hừm) có xác nhận của thôn Trùm và UBND xã Ba Tầng, do Phó Chủ tịch xã Ăm Khăm ký, đóng dấu; biên bản kiểm tra về việc xin khai thác và bán cây cảnh có xác nhận của Phó Chủ tịch xã và ông Nguyễn Văn Thành (kiểm lâm khu vực), đại diện Trạm Kiểm lâm Lao Bảo...

Lý lịch của hai cây cảnh cổ thụ như vậy là quá đầy đủ thủ tục pháp lý nhưng,  ông Nguyễn Đức Hưng, Phó Chi cục trưởng Hải quan Khu thương mại Lao Bảo, ngày 13/4 cho biết: “Kiểm tra thực tế số gỗ này chúng tôi linh cảm có gì đấy không bình thường.

Theo phản ánh của nhân dân địa phương, một số đối tượng vào rừng già tự nhiên đào, phá cây cổ thụ để làm cây cảnh đưa ra biên giới phía bắc bán sang Trung Quốc”...

Tòi đuôi phá rừng già

Để có cơ sở giải quyết cho lô hàng từ Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo về nội địa theo đúng quy định của pháp luật, 9 giờ 30 ngày hôm sau (4/4), đại diện Chi cục Hải quan Khu Thương mại Lao Bảo phối hợp cùng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, theo hướng dẫn của chủ hàng Nguyễn Đình Khanh, đến thôn Trùm, xã Ba Tầng (Hướng Hóa, Quảng Trị) - địa điểm của một cây bằng lăng mà ông Khanh mua, thì tận mục sở thị, cây này có đường kính 80cm, cao trên 10m, mọc bên cạnh một con suối trong rừng tự nhiên mà người địa phương gọi là rừng Ma. Xung quanh còn nhiều dây leo, nhiều cây gỗ các loại có đường kính trên 60cm và cao trên 10m; không hề có sự canh tác, trồng trọt của nhân dân.

Xét thấy lô hàng của ông Nguyễn Đình Khanh có nguồn gốc thực tế không đúng như trong hồ sơ, sáng ngày 8/4, Chi cục Hải quan Khu Thương mại Lao Bảo bàn giao toàn  bộ vụ việc cho Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa để kiểm tra, xác minh và xử lý theo thẩm quyền.

Theo ông Nguyễn Bá Cảnh-Chi cục trưởng Hải quan Khu Thương mại Lao Bảo, một cây cảnh cổ thụ ở rừng Quảng Trị giá rất bèo nhưng lọt ra phía bắc nó được bán cho khách hàng Trung Quốc được hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng, sau khi những cây gỗ này được bơm thuốc kích thích ra bộ rễ mới.

Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Trị, ông Lê Văn Tới: Chặt cây cảnh cổ thụ thực chất là phá rừng, bởi hàng chục hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cây rừng bị chặt vứt để lâm tặc chỉ tìm lấy một cây cảnh cổ thụ thôi. Mà muốn vào được rừng già lấy cây cảnh cổ thụ thì phải dùng xe ủi san mở đường.

Tuy nhiên, theo quan sát trực tiếp của PV Tiền Phong, đến chiều 13/4, hai cây cảnh cổ thụ bằng lăng vẫn đang nằm chết trên xe 98K-8494 trước Cổng B Hải quan Lao Bảo, và qua xác minh, hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng từ cơ quan chức năng là Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa.

Một cán bộ lãnh đạo Chi cục Hải quan Khu Thương mại Lao Bảo cho hay, lâu nay, mỗi khi chúng tôi phát hiện gỗ có dấu hiệu buôn lậu, ới điện thoại là bên kiểm lâm huyện Hướng Hóa có mặt nhận bàn giao ngay, nhưng lô hàng gần hai cây bằng lăng này, chẳng hiểu sao mãi năm ngày sau họ mới nhận bàn giao...

Qua sự dẫn đường nhiệt tình của Đồn 619 Bộ đội Biên phòng Quảng Trị, ngày 12/4, PV Tiền Phong vượt gần 200 cây số từ Đông Hà vào thôn Trùm, xã Ba Tầng, đến khu vực đang rộ lên kiểu phá rừng mới - phá rừng không phải để lấy gỗ mà là săn tìm cây cảnh cổ thụ, không phải lấy gỗ khô mà lấy cây sống. Con đường rải nhựa xuyên bảy xã vùng Lìa mới đó mà giờ nát bét ổ trâu, ổ voi bởi những chiếc xe siêu trường, siêu trọng chở gỗ lậu.

Khu vực rừng thôn Trầm lằn rõ những dấu xích xe ủi đường săn tìm cây cảnh cổ thụ. Hàng loạt cây rừng bị hạ gục, bị đốn ngả, bị bật gốc chỏng chơ thê thảm bên con suối của những tay săn cây cảnh cổ thụ.

Đập vào mắt chúng tôi là ba cây cỡ năm người ôm đang bị đào một nửa bộ rễ đang chấp chới bên hàng loạt cây rừng bị cưa mủ bầm tím.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
TPO - Khác với nhiều phân cảnh căng thẳng, đấu đá trên phim "Trạm cứu hộ trái tim", diễn viên Thúy Diễm (vai Mỹ Đình) cho biết hậu trường quay phim luôn tràn ngập tiếng cười. Nữ diễn viên cũng tiết lộ người người hay bày trò nhất lại là người có vai diễn trầm nhất.