Phải bảo vệ ngư dân trên biển

Ngư dân Đà Nẵng đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Nam Cường.
Ngư dân Đà Nẵng đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Nam Cường.
TP - Việc ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa bị Trung Quốc bắt, đối xử vô nhân đạo, đập phá đồ đạc… là những vấn đề bức xúc được đại biểu Quốc hội nêu ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát ngày 11/6.

Ngư dân bị đối xử vô nhân đạo

Chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát, đại biểu (ĐB) Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) băn khoăn trước thực trạng, nhiều tàu của ngư dân Việt Nam khi đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của đất nước bị Trung Quốc bắt, đập phá, tịch thu ngư lưới cụ, buộc chuộc tiền, rất vô nhân đạo và trái pháp luật của quốc tế. Trong khi đó hàng ngàn tàu cá của ngư dân Trung Quốc xâm phạm trên vùng biển của Việt Nam nhưng số vụ bị xử lý theo pháp luật của Việt Nam còn ít mà chủ yếu chỉ xua đuổi và nhắc nhở. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến về thực trạng và giải pháp đối với tình trạng trên”, ĐB Xuân nói.

Đáp lại, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định,  tàu thuyền các nước xâm phạm chủ quyền Việt Nam cũng bị xử lý nghiêm. “Việc làm này hiện nay chủ yếu thuộc nhiệm vụ của Cảnh sát biển. Tới đây lực lượng Kiểm ngư của Bộ NN&PTNT sẽ tham gia hợp tác, chúng tôi sẽ chỉ đạo làm nghiêm túc theo luật pháp của nước ta và thông lệ quốc tế”, ông Phát nói.

Về việc Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá trong các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, ĐB Điểu K` Rứ  (Đắk Nông) đề nghị Bộ trưởng Phát cho biết biện pháp để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam nói chung và của ngư dân nói riêng đối với vấn đề này? “Việc tàu cá của một số nước xâm phạm vùng lãnh hải của chúng ta, lực lượng Kiểm ngư phối hợp với Cảnh sát biển thường xuyên kiểm tra. Hải quân và Cảnh sát biển cũng thường xuyên tuần tra, trong nhiều trường hợp đã phát hiện những trường hợp vi phạm và đã có xử lý. Chúng ta sẽ tiếp tục làm việc này”, ông Phát cho hay.

Phải bảo vệ ngư dân trên biển ảnh 1

Các quy định vênh nhau trong Nghị định 67 đang gây khó khăn cho ngư dân đóng tàu ra khơi. Ảnh: Nam Cường.

Ngư dân lệ thuộc đầu nậu

Đề cập về những khó khăn của ngư dân trong công cuộc bám biển, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), phản ánh thực trạng, nhiều trường hợp trước khi ra khơi phải nợ chi phí đèn dầu, đá ướp. Vì thế, việc tiêu thụ sản phẩm hầu như đều phụ thuộc vào thương lái, đầu nậu vì nhiều tỉnh không có cơ sở sản xuất chế biến. Ông Phương đề nghị Bộ trưởng Phát cho biết rõ giải pháp để giải quyết vấn đề trên.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết đã nhìn thấy vấn đề này và Chính phủ đã ban hành Nghị định 67, trong đó có đề cập đến việc hỗ trợ vốn vay cho ngư dân ra khơi sản xuất. Như thế ngư dân sẽ không còn bị phụ thuộc về vốn, không còn bị thương lái ép bán sản phẩm. Bên cạnh đó sẽ tổ chức lại sản xuất, hình thành tổ đội sản xuất, hình thành hệ thống dịch vụ hậu cần và phát triển mạnh hơn hệ thống chế biến để trực tiếp thu mua sản phẩm do ngư dân đưa về bờ.

Tuy nhiên, ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) chỉ ra thực tế rằng, việc thực hiện chính sách này còn nhiều bất cập, hạn chế, như việc đầu tư vốn xây dựng cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh bão lũ ở nhiều dự án chưa kịp thời, còn dàn trải, thiếu đồng bộ. Một số quy định của nghị định còn chưa phù hợp cần sửa đổi, bổ sung. Việc thành lập quản lý tổ, đội hợp tác xã ở các địa phương còn chậm và thiếu chặt chẽ… “Đề nghị Bộ trưởng nói rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của mình và sẽ đưa ra những giải pháp hữu hiệu nào để khắc phục những bất cập tồn tại trên nhằm thực hiện chính sách phát triển thủy sản ngày càng mang lại hiệu quả cao, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân”, ông Cư nói đồng thời đề nghị Bộ trưởng Phát cho biết thêm việc thực hiện Dự án vũng neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi?

Công nhận những gì ông Cư nói là đúng, ông Phát cho biết, đang hướng dẫn các địa phương đăng ký về việc đầu tư, yêu cầu đầu tư xây dựng các cảng cá, các khu neo đậu tàu, thuyền. Nhà nước cũng đang huy động các nguồn vốn từ ngân sách, vay vốn ODA để triển khai thực hiện và đã thực hiện được 83 cảng, 65 khu neo đậu tàu thuyền. “Để thực hiện chủ trương này, rõ ràng cần phải làm từng bước, không thể nhanh được”, ông Phát phân trần.

Riêng đối với khu neo đậu Lý Sơn, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định Bộ đang cố gắng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cùng với các Bộ tổng hợp, huy động nguồn vốn để thực hiện. “Tôi xin tiếp thu ý kiến này của ĐB để kiểm tra và tiếp tục đôn đốc việc thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Phát nói. 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.