Phải biết tiếng Việt mới được nhập quốc tịch Việt Nam

Phải biết tiếng Việt mới được nhập quốc tịch Việt Nam
TP - Chiều qua, 25/10, ông Phan Trung Lý- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trao đổi với báo chí về dự thảo Luật Quốc tịch sửa đổi được trình ra Quốc hội thảo luận.

Ông cho biết: “Chúng ta đã tạo điều kiện cho một số trường hợp công dân nước ngoài được nhập Quốc tịch Việt Nam. Nhưng dự thảo Luật này, quy định một số điều kiện rõ ràng hơn”.

Ông Phan Trung Lý nói, theo dự luật, có 3 trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam: Người có vợ, chồng con cái, bố mẹ là công dân VN;

người được tặng thưởng huân, huy chương, danh hiệu vinh dự cao quý của Nhà nước, có công đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc VN;

những người nhập quốc tịch VN có lợi cho sự phát triển của VN (khoản 3 điều 19 dự thảo). Đây là những trường hợp đặc biệt, luật cho phép khi nhập quốc tịch thì những công dân nước ngoài này vẫn được giữ quốc tịch của họ.

“Chúng ta vẫn khẳng định nguyên tắc một quốc tịch. Ở đây chỉ mở ra một số trường hợp đặc biệt, thì cho giữ quốc tịch của họ”- Ông Lý nói.

Bộ Tư pháp được Chính phủ ủy quyền, sẽ thực hiện các trình tự thủ tục theo quy định, trình Chủ tịch nước quyết định. Ngoài ra, theo điều 18 dự Luật, người nước ngoài, người không có Quốc tịch đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên, thỏa mãn một số điều kiện quy định, được nhập quốc tịch VN.

Chính phủ đề nghị mức 5 năm như vậy vừa đủ để công dân đó thể hiện được là có thể trở thành công dân VN, để hòa nhập vào cộng đồng của VN.

Một trong những điều kiện để công dân nước ngoài nhập quốc tịch VN là biết tiếng Việt. “Vốn tiếng Việt đủ để làm ăn sinh sống, hòa nhập cuộc sống VN, thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân. Chính phủ sẽ có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này”- Ông Lý cho biết.

Chưa quy định chế định thừa phát lại

Cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thi hành án dân sự (THADS). Vấn đề xã hội hóa THADS, tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, UBTV Quốc hội đồng tình với đa số ý kiến đại biểu, cho rằng:

Cần có bước đi phù hợp, phải thực hiện thí điểm, trước khi quy định vào luật. Theo đó, chế định “thừa phát lại” (thừa hành viên) sẽ không đưa vào luật, do chưa có cơ sở thực tiễn đánh giá.

Quốc hội sẽ có nghị quyết về thi hành Luật THADS, giao Chính phủ tổ chức thí điểm một số công việc xã hội hóa THADS. UBTV Quốc hội đồng tình với dự thảo, để Chính phủ quy định về mô hình, tổ chức cơ quan thi hành án dân sự.

Ngoài ra, dự thảo được chỉnh lý theo hướng: Quy định UBND có nhiệm vụ chỉ đạo việc tổ chức phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc THADS trên địa bàn, chỉ đạo tổ chức cưỡng chế một số vụ án lớn, phức tạp. 

MỚI - NÓNG