Phải có 'kỷ luật sắt' trong triển khai Chính phủ điện tử

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải có kỷ luật sắt trong xây dựng Chính phủ điện tử (ảnh N.H)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải có kỷ luật sắt trong xây dựng Chính phủ điện tử (ảnh N.H)
TPO - Tại phiên họp thứ nhất của Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, sáng 20/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải có "kỷ luật sắt" trong tổ chức thực hiện, không để tình trạng “đổ qua, đổ lại một số công việc”.

Biểu dương một số bộ, ngành, địa phương về xử lý hồ sơ công việc qua môi trường mạng, cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho người dân, triển khai một cửa điện tử…, tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, kết quả còn khiêm tốn, chưa đạt kỳ vọng mong muốn.

 Theo Thủ tướng, những tồn tại, bất cập hiện nay có nguyên nhân là chưa phát huy vai trò người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện. Cơ chế bảo đảm thực thi chưa đủ mạnh. Nhiều cơ quan, địa phương còn coi nhẹ ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành. Việc triển khai mang nặng tính hình thức, thói quen giấy tờ chưa được khắc phục.

Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm triển khai Chính phủ điện tử ở phạm vi bộ, ngành, địa phương mình quản lý. “Phải có đầu mối, một người chỉ huy thống nhất, không để nhà nhà, người người, ngành ngành làm dự án đầu tư công nghệ thông tin, làm các cơ sở dữ liệu khác nhau”, Thủ tướng nêu rõ tinh thần tiết kiệm, tránh lãng phí, dàn trải, “năm cha, ba mẹ”.

Phải có 'kỷ luật sắt' trong triển khai Chính phủ điện tử ảnh 1 Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận giữa Văn phòng Chính phủ và Ngân hàng thế giới (ảnh N.H)

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, phải biết cách tổ chức, phân công công việc, đôn đốc triển khai một cách hợp lý và phải có "kỷ luật sắt" trong tổ chức thực hiện, không để kéo dài, “đổ qua, đổ lại một số công việc”, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Thủ tướng yêu cầu, trong tháng 10/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, phù hợp với xu hướng phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới và bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, trình Thủ tướng xem xét, ban hành.

Thủ tướng nhấn mạnh, Văn phòng Chính phủ là cơ quan thường trực, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ  điện tử, tránh để tình trạng “đưa chủ trương sớm nhưng mãi không thực hiện được do ách tắc chuyện này, chuyện kia”.

Thủ tướng cũng mong muốn các ngành, các cấp cùng "xắn tay áo" vào xây dựng thành công Chính phủ điện tử, chứ không phải "mạnh ai nấy làm".

Tại Phiên họp, Thủ tướng chứng kiến ký kết các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực Chính phủ điện tử giữa Văn phòng Chính phủ với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Chính phủ với Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Cơ yếu Chính phủ.

MỚI - NÓNG