TP Hồ Chí Minh:

Phải cứu môi trường trước khi quá muộn

Phải cứu môi trường trước khi quá muộn
TP - “Phải thay đổi cách hành xử, chấp nhận hy sinh tăng trưởng nóng nhưng không bền vững để cứu môi trường” - là thông điệp được đưa ra tại hội nghị chuyên đề về môi trường do Thường trực HĐND TPHCM tổ chức vào ngày 7/10.

Theo kết quả giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách (KTNS) HĐND TPHCM,  nguồn nước mặt trên các kênh rạch ngày càng ô nhiễm nặng và đang lan rộng.

Các tuyến kênh Thầy Cai, An Hạ (Củ Chi), kênh B, kênh C (huyện Bình Chánh), kênh Bà Búp, Trần Quang Cơ (Hóc Môn)… nước có màu nâu đen, hôi thối, nhiều chỉ tiêu vượt mức cho phép.

Huyện Bình Chánh có 55/72 tuyến kênh rạch bị ô nhiễm nặng. Tại phường Bình Hưng Hòa A (Q. Bình Tân), khoảng 82% số hộ dân phải sử dụng nguồn nước ngầm bị nhiễm bẩn bởi sự thẩm thấu các chất hữu cơ phân rã từ thi thể người chết của hơn 70.000 ngôi mộ thuộc nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Đây cũng là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất thuộc các ngành ô nhiễm nặng như xi mạ, giặt tẩy, nhuộm, hồ vải…

Ngoài ra, nguồn nước thải từ khu công nghiệp (KCN), bệnh viện cũng đang “đầu độc” người dân thành phố. Toàn thành phố có 91 bệnh viện, trung tâm y tế (chiếm hơn 65%) không hoặc có xây dựng nhưng hệ thống xử lý nước thải y tế không đạt tiêu chuẩn.

11/12 khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) đã xây dựng hệ thống xử lý nhưng tổng lượng nước thải công nghiệp 38.000 m3/ ngày - đêm phần lớn vẫn bị “thất thoát” ra môi trường vì nhiều DN đang hoạt động trong các khu chế xuất không có hệ thống xử lý riêng hoặc có nhưng…  chưa đấu nối vào hệ thống xử lý chung của KCX, KCN nên thải vô tư ra môi trường.

Hai nhà máy nước Thủ Đức và Tân Hiệp cung cấp nước sạch cho 8 triệu người ở TPHCM đang có nguy cơ bị đóng cửa nếu tình trạng ô nhiễm các con sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Vải không được cải thiện.

Ông Trương Trọng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư khẳng định: Môi trường là chi phí bắt buộc để phát triển, nếu không trả trước thì phải trả sau mà trả sau thì luôn đắt hơn.

Hiện nay không chi đầu tư cho cải thiện môi trường là chúng ta đang nợ với tương lai và thế hệ con cháu chúng ta. Tuy gần đây có quan tâm nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận tại TPHCM trong 15 năm qua, vấn đề quản lý, bảo vệ môi trường hầu như bị thả nổi, quản lý tụt hậu, có lúc biểu hiện sự bất lực.

“Nên đưa vấn đề bảo vệ môi trường và các văn kiện, nghị quyết của đại hội Đảng bộ từ đây đến 2020 và phải điều chỉnh, bổ sung các qui định hiện hành, đẩy mạnh tuyên truyền, chấp nhận hy sinh các lợi ích trước mắt, xử lý nghiêm khắc các đơn vị cố tình gây ô nhiễm”- Ông Nghĩa đề xuất.

Được biết, UBND TPHCM đã buộc các DN trong các KCX, KCN phải đấu vào hệ thống xử lý nước thải chung. Nếu sau ngày 31/3/2009 vẫn không chấp hành, TPHCM sẽ buộc ngưng hoạt động đối với những công đoạn, khâu sản xuất trực tiếp gây ô nhiễm.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".