Ngày thứ 2 Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội:

Phải dám chịu đau để cắt bỏ “khối u”

Phải dám chịu đau để cắt bỏ “khối u”
TP - “Khối u” ở đây là tình trạng tham nhũng, quan liêu và lãng phí. Đây là vấn đề không mới nhưng một lần nữa lại được nhiều vị đại biểu Quốc hội  (ĐBQH)  ra “đầu bài” cho Chính phủ trong buổi thảo luận ngày hôm qua (23/10).

“Tham nhũng từ lớn đến bé. Lớn ăn lớn, bé ăn bé. Trên cả nước số vụ tham nhũng là bao nhiêu? Là hàng nghìn, hàng vạn vụ nhưng chúng ta có dám xử lý triệt để hay không?”- Ông Nguyễn Lân Dũng (ĐBQH Đắk Nông) lên tiếng. 

Còn ông Lê Thanh Long (ĐBQH Long An) đã liên tiếp đặt những câu hỏi thẳng thắn và hóc búa  mà cử tri gửi gắm: “Cử tri thấy bước đầu các đồng chí lãnh đạo của cả nước phát biểu rất hay, bước đầu tạo niềm tin, nhưng họ vẫn còn hoài nghi. Nói là vậy chứ từ trước tới giờ xử nghiêm được bao nhiêu vụ?

Ngay sau đó, ông Long nêu những ví dụ hoàn toàn có cơ sở:  “Không biết kỳ này ông nói “làm dữ” thì có phải không, bởi hồi T.Ư 6  (lần 2) cũng “làm dữ” lắm, chứ không phải không làm. Thực hiện kê khai tài sản, nhà cửa nhưng kê khai xong có xử được ai đâu?

Theo tôi biết từ khi kê khai nhà cửa thì chẳng có ông nào xử những ông có 2 nhà, 3 nhà”. Ông Lê Thanh Long cũng bày tỏ sự lo ngại: “Không biết kỳ này làm thiệt không? Hay cũng mới bắt đầu vô “làm dữ”, nhưng dần dần thì êm luôn”.

Cũng nói về những chuyện có những ông 2 nhà, 3 nhà mà ông Long vừa nhắc, ông Trần Hồng Việt (ĐBQH Cần Thơ) bổ sung thêm vấn đề mới xuất hiện trên báo chí trong những ngày gần đây là chính sách nhà ở đối với cán bộ cấp cao.

“Những cán bộ đã giải quyết chính sách nhà đất một lần rồi thì nay lợi dụng tiếp để được giải quyết lần thứ hai là hoàn toàn sai”- Ông Việt khẳng định.

Và ông đề nghị Chính phủ phải công khai, minh bạch cho dân biết: tiêu chuẩn cán bộ cấp nào được hóa giá nhà, quy mô, cấp độ, vị trí nhà như thế nào thì mới  được hóa giá. 

Sau khi nêu câu hỏi “Kỳ này các đồng chí có dám làm không?”, ông Lê Thanh Long đã đưa ra những đề nghị rất cụ thể rằng, năm 2007 này Chính phủ chọn vấn đề gì, tháo gỡ vướng mắc nào, thì phải xác định cho rõ để làm.

Xác định như vậy, theo ông Long  là “để kỳ sau Quốc hội họp, Chính phủ báo cáo đã làm được bao nhiêu việc, chứ nói chung chung, nói mênh mông thì không biết làm sao!”.

Ông Long cũng nói thêm rằng hiện nay dân vẫn còn băn khoăn về vấn đề chống tham nhũng, lãng phí khi  thấy  còn có cái gì đó “dĩ hòa vi quý” hoặc chưa nghiêm. 

Ông cũng đề nghị nhiều vấn đề rất cụ thể để đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng: như cần xử lý nghiêm những kẻ tham nhũng bởi đó là cái gốc. 

“Tôi đề nghị, kỳ này, Đảng, Nhà nước, Chính phủ phải làm cho nghiêm. Đừng để bị cái gì chi phối. Có nhiều chuyện nhỏ thôi, như là ông này ông kia có thư từ, thế là bắt đầu tính làm nhưng rồi lại run tay. Như thế là không được.

Tôi đề nghị, kỳ này phải xử cho nghiêm, không nghiêm không được, có làm như thế thì mới hết.  Phải ráng chịu đau, giống như bệnh ung thư là phải cắt bỏ, tôi nghĩ cắt bỏ là cắt bỏ một bộ phận hư hỏng để bảo vệ chế độ, để bảo vệ Đảng”- Ông Long mong mỏi.

Đừng xài “tiền chùa” vô tội vạ!

Vẫn ông Lê Thanh Long nêu lên một vấn đề tuy không mới nhưng vẫn còn nguyên sự bức xúc là thực hành tiết kiệm. Ông nói: “Tôi đề nghị là nên khoán vào lương, chế độ cho rõ ràng, đừng có để bây giờ xài “tiền chùa” như vậy.

Theo tôi trừ một số đồng chí bây giờ là nguyên thủ quốc gia thì có chế độ riêng, còn lại các chi phí như xăng, xe... tất cả đưa vào lương hết. Nếu không làm như vậy, theo ông Long “họ xài vô tội vạ, không ai quản lý được”. 

Ông Long còn đề xuất nên tính toán cụ thể về việc hội họp bởi lẽ hội họp rất nhiều, lễ lạt cũng nhiều, gần như 365 ngày đều có việc lễ lạt từ cơ quan lớn đến cơ quan nhỏ.

Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Lân Dũng còn tính toán cụ thể rằng nếu như đưa chi phí xe công vào lương cho những người đang được sử dụng xe công thì chẳng những họ cải thiện được đời sống mà ngân sách nhà nước sẽ giảm được một nửa chi phí hiện nay cho xe công. 

Cần đo đếm lòng tin của dân với Chính phủ

Nhà sử học Dương Trung Quốc (ĐBQH Đồng Nai) góp ý hai vấn đề để các báo cáo của Chính phủ báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau thiết thực hơn.

Ông Quốc cho rằng, Chính phủ nên tập trung vào những nội dung có thể giải quyết được dứt điểm hoặc tạo được chuyển biến rõ rệt thì báo cáo của Chính phủ mới bớt được những từ ngữ không thể định lượng được.

Mặt khác, cần phải có tính toán dài hơi hơn bởi tư duy nhiệm kỳ hiện nay vẫn rất rõ. “Chính phủ thường nêu lên những kết quả đạt được dựa trên các mục tiêu cụ thể, đó là cách làm đúng nhưng chưa đủ.

Cần phải nói rõ thêm và định lượng được là những kết quả ấy đã tác động đến lòng dân thế nào, những thành quả về kinh tế- xã hội đã đạt được tác động cụ thể đến đời sống của người dân ra sao?”- Ông Dương Trung Quốc kiến nghị.

 “Lòng tin của người dân với những việc làm của Chính phủ hoàn toàn không kém gì so với những mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội đã đạt được”- Ông Quốc nói.

Theo ông Dương Trung Quốc thì việc đo đếm lòng tin của người dân đối với sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ tuy không dễ nhưng hoàn toàn có thể làm được và nếu không đánh giá đúng yếu tố này thì sẽ rất dễ rơi vào sự chủ quan và tăng tính quan liêu.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.