Phải làm rõ cái chết của 100 lao động Việt Nam ở Malaysia

Phải làm rõ cái chết của 100 lao động Việt Nam ở Malaysia
TP - Ông Phạm Quốc Anh - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam - cho rằng: Bộ LĐ-TB&XH cần phải khẩn trương làm việc nghiêm túc, đưa ra kết luận rõ ràng, công khai về số lao động bị chết khi đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Phải làm rõ cái chết của 100 lao động Việt Nam ở Malaysia ảnh 1
Ông Phạm Quốc Anh

Mới đây, trả lời phỏng vấn báo chí ông Vũ Đình Toàn - Trưởng ban QLLĐ Việt Nam tại Malaysia - cho biết: Trong năm 2007, lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng Malaysia bị chết 100 người.

Trước đó, thông tin này không hề được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố.

Bên lề hội nghị tư vấn về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động Việt Nam ở nước ngoài do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Nhóm hoạt động về người lao động di trú ở khu vực Asean và Dự án hợp tác về phát triển con người khu vực Đông Nam Á của Canada tổ chức, PV Tiền phong có cuộc trao đổi với ông Phạm Quốc Anh.

Ông Anh cho rằng, về vấn đề lao động Việt Nam bị chết ở nước ngoài, Bộ LĐ-TB&XH cần phải khẩn trương làm việc nghiêm túc, đưa ra kết luận rõ ràng, công khai về số lao động bị chết khi đi xuất khẩu lao động. Ông Anh nói:

Mới đây, tôi đọc báo có nói về một số người lao động Việt Nam đi lao động tại Malaysia bị chết. Tôi đã trực tiếp trao đổi với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, các anh ấy cũng nói rằng cái chết xuất phát từ nhiều nguyên nhân nên việc đưa ngay thông tin là không có lợi.

Không phải các anh ấy muốn giấu thông tin, nhưng trong từng trường hợp cụ thể, có người do khâu kiểm tra sức khỏe không kỹ nên sang đấy điều kiện lao động căng thẳng dẫn đến bị đột tử.

Các anh bên Bộ LĐ-TB&XH khẳng định sẽ xem xét một cách nghiêm túc, kết luận một cách sòng phẳng, rõ ràng. Nhưng tôi cho rằng, những thông tin ấy làm cho dư luận chung sững sờ, vì theo tôi, phải kiến nghị với Bộ LĐ-TB&XH, Đại sứ quán phải vào cuộc để kết luận từng trường hợp một cho rõ ràng, như thế mới tạo nên sự yên tâm cho người đang có ý định đi lao động xuất khẩu.

Thưa ông, số lao động Việt Nam tử vong ở nước ngoài, đặc biệt là tại thị trường Malaysia lớn như vậy nhưng vẫn chưa có công bố rộng rãi, phải chăng chúng ta đang bưng bít thông tin?

Các anh ở Bộ LĐ-TB&XH cũng nói họ không giấu diếm gì cả, những trường hợp chết, sau đó đã được làm thủ tục thông báo về gia đình. Còn bây giờ đăng lên báo chí ngay sẽ không có lợi trong dư luận xã hội vì có nhiều vấn đề chưa được rõ ràng.

Vậy, theo ông trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH đến đâu trong vấn đề này?

Theo tôi, khi có trường hợp chết từ vài ba người trở lên, Bộ LĐ-TB&XH cần phải vào cuộc ngay sẽ tốt hơn rất nhiều. Tiếc rằng, qua những vụ việc vừa rồi thì những nghiên cứu, kết luận là hơi chậm trễ. Quan điểm của tôi là phải khẩn trương làm việc nghiêm túc, kết luận rõ ràng và công khai.

Phải làm gì để hạn chế tình trạng này, thưa ông?

Thực tế cho thấy, chúng ta đưa lao động ra nước ngoài xong là “buông”. Các cơ quan chuyên trách về lao động ở nước ngoài không sát sao theo dõi, bảo vệ quyền lợi người lao động; đặc biệt là những lao động đi làm việc tại các gia đình thì mình phải nghiên cứu, học tập các nước khác có kinh nghiệm.

Hơn nữa, đây là vấn đề liên quan đến các tổ chức xã hội, do đó phải làm sao huy động được những tổ chức này tham gia tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho những người lao động trước khi xuất cảnh cũng như có các cơ chế hỗ trợ khi họ về nước.

Xin cảm ơn ông.

Phong Cầm
Thực hiện

Liên quan đến việc 200 lao động Việt Nam bị ngược đãi tại Jordan trong tuần qua, trao đổi với PV chiều ngày 3/4, ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết:

“Cho đến thời điểm này, cán bộ ngoại giao (ông Trần Việt Tú - Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập - PV) và 2 doanh nghiệp của Việt Nam đã tới Jordan để làm việc với người lao động, chủ doanh nghiệp và Bộ Lao động Jordan.

Chúng ta đưa người đi để làm việc, còn cái chưa rõ trong hợp đồng giữa giới chủ và người lao động thì theo luật là phải xem xét thống nhất các điều khoản, tất nhiên phải dựa trên luật pháp của Jordan. Phía bạn vẫn rất muốn lao động Việt Nam tiếp tục ở lại làm việc”. 

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.