Bộ Tài nguyên&Môi trường làm việc với Hà Nội:

Phải ổn định chỗ ở và việc làm cho dân khi GPMB

Phải ổn định chỗ ở và việc làm cho dân khi GPMB
TP - Hôm qua (7/11), lãnh đạo Bộ TN&MT và thành phố Hà Nội đã làm việc về công tác quản lý tài nguyên, môi trường, nhà đất trên địa bàn thành phố.

“Cùng một thửa đất, cùng một dự án, nhưng giá đền bù lại chênh lệch tới 50 triệu đồng”- Ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng Ban GPMB TP Hà Nội nêu vấn đề. Theo ông Biền, sở dĩ có chênh lệch là do sự thay đổi chính sách đền bù, nhất là khi thực hiện một dự án mà thời gian tiến hành lại “vắt” qua hai nghị định.

Cuối tháng 10/2006, Ban đã đối thoại với dân nhưng tình hình vẫn nóng. Thực tế, khi GPMB đường vành đai 3 (đường Khuất Duy Tiến) có hộ đất lấn chiếm được đền bù 100%, nhưng hộ khác chỉ được hỗ trợ, gây bức xúc.

Hậu GPMB chưa đồng bộ về tái định cư, giải quyết công ăn việc làm cho người mất đất. “Nghe tin có dự án, giá tăng. Khi làm hạ tầng, giá tăng đột biến, vậy phải thu phần chênh lệch đó về Nhà nước”- Ông Biền đề nghị. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đồng tình, Nhà nước đầu tư hạ tầng, làm tăng giá trị đất nhưng chưa thu được phần giá trị gia tăng đó.

Trước bức xúc của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực cho rằng, giá đền bù khi GPMB phải căn cứ vào thời điểm trước khi có quy hoạch, khi đất chưa tăng giá, chưa “sốt ảo”.

Liên quan đến các dự án thu hồi đất nông nghiệp, ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở TNMT&NĐ Hà Nội cho biết, đều là tư liệu sản xuất Nhà nước cho dân mượn, nhưng giá đất nông nghiệp nội thành, ngoại thành chênh nhau quá lớn. “Cách nhau bờ ruộng, nhưng giá đền bù đất nông nghiệp cho người dân Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm) và Phú Thượng (quận Tây Hồ) chênh nhau nhiều lần, dân khiếu kiện dai dẳng” - Ông Nguyễn Quốc Triệu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết. Theo ông Triệu, thành phố không thể điều chỉnh giá đền bù cho người dân Xuân Đỉnh, vì điều chỉnh là phạm luật. Bất cập vì thiếu sự chuyển tiếp trong chính sách đền bù về đất đai.

Theo Bộ trưởng Trực, để tháo gỡ, Bộ TN&MT đang hoàn tất dự thảo nghị định mới trình Chính phủ thông qua thật sớm. Theo đó, đất lấn chiếm (vi phạm quy hoạch xây dựng, hành lang bảo vệ công trình công cộng, chỉ giới đường giao thông, đất của cơ quan tổ chức…) sẽ không được Nhà nước công nhận. “Giá đất ở, đất sản xuất, đất nông nghiệp cũng phải xác định rõ giá trị. Đất nông nghiệp, kể cả đất nông nghiệp nội thành mà quá cao là bất hợp lý”- Ông Trực nói.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng: “Không phải cứ đền bù nhiều tiền là hết trách nhiệm. Chính sách phải giúp người dân ổn định cuộc sống, ổn định chỗ ở, công ăn việc làm. Không làm tốt, chính thành phố sẽ phải gánh hậu quả”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.