Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của QH Nguyễn Ngọc Trân:

Phải phát biểu để đấu tranh với những gì kìm hãm bước tiến đất nước

Phải phát biểu để đấu tranh với những gì kìm hãm bước tiến đất nước
TP - Bên lề phiên thảo luận tổng kết hoạt động của QH khóa XI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Ngọc Trân đã dành cho Tiền phong những suy tư tâm huyết của một người đã có 15 năm làm đại biểu nhân dân.
Phải phát biểu để đấu tranh với những gì kìm hãm bước tiến đất nước ảnh 1
Đại biểu QH Nguyễn Ngọc Trân

Ông Trân nói: “Nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc” theo tôi là một nhận xét, hay một sự đánh giá. Tôi cũng không rõ từ đâu có nhận xét này, nhưng chắc chắn là từ cử tri. Cảm nghĩ lần đầu tiên của tôi khi nghe đến nhận xét này, đó là cử tri theo dõi rất kỹ các phát biểu, và hoạt động nói chung của đại biểu Quốc hội.

Điều này là rất đáng mừng và càng nhắc nhở tôi phải hết sức sâu sát với nguyện vọng và ý kiến của cử tri, phản ánh đầy đủ, bảo vệ những ý kiến đúng, và đấu tranh với những gì còn đang kìm hãm bước tiến của đất nước. Theo tôi, vấn đề không phải là “kỹ năng phát biểu”.

Cuộc sống thường nhật của người dân và xã hội vốn rất đa dạng. Đất nước ta đang chuyển biến mạnh mẽ với đường lối đổi mới. Chúng ta lại chủ động hội nhập với thế giới bên ngoài đang biến động.

Là người đại biểu của dân trong bối cảnh quốc gia và quốc tế như vậy, nếu chỉ có “kỹ năng phát biểu” thì rất không đủ. Phải đọc, lắng nghe, tìm hiểu, suy nghĩ và tích lũy nhằm không ngừng nâng cao tầm hiểu biết và năng lực của mình để có thể làm tròn nhiệm vụ mà Đảng và cử tri giao phó.

Còn phải giữ cái tâm cho sáng. Đừng bao giờ hoạt động hay phát biểu (hoặc không phát biểu) vì quyền lợi hay danh vọng riêng của mình. Đừng bao giờ lợi dụng danh nghĩa, quyền hạn và đặc quyền của đại biểu QH cho việc riêng. Tâm có sáng mới dám phát biểu vì dân, vì Đảng, mà không sợ “mất”.

Là Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của QH, ông nghĩ sao khi Báo cáo công tác nhiệm kỳ XI của QH nêu rõ những hạn chế trong công tác đối ngoại của QH như sau: Việc chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động chưa thật tốt; việc nắm bắt, trao đổi cung cấp thông tin chưa thông suốt, dẫn đến hiện tượng nhiều đoàn cùng nghiên cứu một nội dung tại cùng một nước; việc kết hợp một số dự án nước ngoài với hoạt động đối ngoại chưa thật hài hòa, hiệu quả còn thấp...

Đánh giá trên là đúng. Tôi xin đề cập đến hai nguyên nhân:

Thứ nhất, sự phối hợp liên ủy ban trong công tác đối ngoại chưa tốt. Nhìn rộng hơn, tôi nghĩ sự phối hợp liên ngành, sự phối hợp trung ương - địa phương để thực hiện các nhiệm vụ cần có sự phối hợp, nhìn chung còn là một điểm yếu trong hệ thống các thiết chế nhà nước của chúng ta hiện nay, như tôi đã có lần chất vấn Chính phủ.

Thứ hai, khối lượng công việc rất nhiều nhưng số đại biểu QH chuyên trách quá ít. Ở Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, có tất cả 34 ủy viên, trong đó có 4 ủy viên chuyên trách là Chủ nhiệm và 3 Phó Chủ nhiệm.

Nếu tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách trên tổng số ĐBQH khóa XI là gần 25%, thì tỷ lệ này ở UB Đối ngoại là 11,76%. Số còn lại là kiêm nhiệm theo cơ cấu.

Từ đầu khóa XI, chưa bao giờ UB Đối ngoại họp có được đầy đủ các thành viên (hãn hữu được 65%). Số có mặt lại ít dần theo thời gian vì một số được đề bạt, đảm đương những trọng trách cao hơn.

Thực tế chỉ ra rằng không phải các vị này không muốn đi họp nhưng vì các vị ấy đều là người đứng đầu các ngành hoặc có trách nhiệm ở địa phương, quá bận với công tác, mà công tác ở ngành, ở địa phương mới là chính, mới là con đường tiến thân của các vị đó. Tham gia với các UB chỉ là kiêm nhiệm. Đây là một sự thật của việc “cử đại biểu Quốc hội theo cơ cấu” trong hoạt động của các cơ quan của Quốc hội.

Tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên 7 bài học. Ông có suy nghĩ gì về các bài học này?

Tôi cho rằng bài học thứ nhất là căn bản. Báo cáo tổng kết cho rằng “mọi hoạt động của QH phải bám sát đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, nhất là về kinh tế, hoạt động của cơ quan tư pháp,...”.

Tôi rất tâm đắc và muốn nhấn mạnh thêm: Trong đường lối đổi mới toàn diện của Đảng bao hàm QH cũng phải tự đổi mới. Chính sự tìm tòi tự đổi mới mình mà QH góp phần cụ thể hóa đường lối đổi mới của Đảng trong phương thức lãnh đạo QH, đúng như Nghị quyết của Đảng đã viết: “Đảng lãnh đạo để QH thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật theo hướng phát huy dân chủ, thẳng thắn, nâng cao trí tuệ”.

Vế thứ hai của bài học kinh nghiệm: “Đảng đổi mới sự lãnh đạo là yếu tố quan trọng tạo nên những thành công trong hoạt động của QH nhiệm kỳ qua”.

Là đại biểu QH ba khóa IX, X, XI, suốt 15 năm, tôi có thể khẳng định đổi mới sự lãnh đạo của Đảng không chỉ là “yếu tố quan trọng” mà là “yếu tố quyết định”trong điều kiện của nước ta hiện nay.

Mong ước của cử tri là Đảng đổi mới phương thức lãnh đạo để vừa phát huy được sức sống và năng lực của lập pháp, hành pháp và tư pháp, vừa bảo đảm được tính thống nhất năng động và sáng tạo của quyền lực Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đổi mới phương thức lãnh đạo không thể theo hướng biến QH trở thành “QH-công chức” mà nguy cơ hệ lụy là “hành chính hóa QH”, làm suy yếu đi bản chất phản biện cần thiết để QH hoàn thành tốt ba chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước.

Xin cảm ơn ông.

Võ Văn Thành (thực hiện)

Phát huy cao hơn nữa vai trò đại biểu QH là đảng viên

Phát biểu cuối cùng trong phiên thảo luận của QH về Báo cáo công tác cả nhiệm kỳ QH khóa XI, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã dành thời gian để nêu ý kiến “với tư cách là đại biểu QH không phải là đảng viên”. Ông Dương Trung Quốc nói:

Tôi nghĩ rằng, dư luận hay bàn vấn đề cơ cấu 10% đại biểu là người ngoài Đảng trong QH hợp lý hay không hợp lý, nhưng tôi quan tâm hơn là chất lượng đại biểu QH. Trong QH thì giữa đại biểu là đảng viên và ngoài Đảng là hoàn toàn bình đẳng và được tôn trọng - đó là một sự thực.

Nhưng có một sự thực nữa là tôi thường được các đồng nghiệp, các đại biểu QH là đảng viên cổ vũ bằng cách nói rằng “ý kiến của anh phát biểu tốt, tôi cũng tán đồng ý kiến của anh, nhưng tôi không thể phát biểu như anh được, vì tôi là đảng viên”.

Vậy thì, có phải chính đội ngũ đảng viên trong QH chưa phát huy được hết vai trò, chưa phát huy hết năng lực của mình hay không. Chính ở đây chúng tôi muốn đề cập đến phương thức lãnh đạo của Đảng, Đảng lãnh đạo toàn diện, trong đó có QH.

Chúng tôi hy vọng rằng các đại biểu là đảng viên trong QH phải trở thành những người thể hiện tính dân chủ cao nhất, phát huy được tất cả năng lực của đội ngũ lãnh đạo ngay trong QH.

Chính vì thế chúng tôi mong rằng trong nhiệm kỳ tới, không chỉ là vấn đề tăng cường thêm tỷ lệ phần trăm các đại biểu ngoài Đảng, mà cũng nên phát huy cao hơn nữa vai trò của các đại biểu là đảng viên trong QH. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.