Phải xem xét trách nhiệm sau kiểm toán

TP - Sáng 6/10, tại tòa nhà Quốc hội mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 32, nhằm hoàn tất công việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8 sắp tới, trong đó có việc vận hành thử trụ sở Nhà Quốc hội mới, sau 5 năm xây dựng.
Phải xem xét trách nhiệm sau kiểm toán ảnh 1

Sáng 6/10/2014, tại Hội trường Ba Đình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cảm ơn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, nhân dân và cử tri cả nước đã chấp thuận, triển khai xây dựng trụ sở Nhà Quốc hội mới, kế thừa vị trí Hội trường Ba Đình lịch sử trước đây.

Sau khai mạc, UBTVQH cho ý kiến về chương trình kiểm toán năm 2015. Theo báo cáo, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung kiểm toán tổng hợp, phân bổ ngân sách của các địa phương; đẩy nhanh công tác kiểm toán, đảm bảo công khai, minh bạch một số công trình, dự án mà dư luận quan tâm.

Đồng thời đặt trọng tâm đảm bảo đánh giá việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, công tác quản lý, điều hành của Chính phủ với một số nội dung trong lĩnh vực ngân sách Nhà nước, đầu tư, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tài chính - ngân hàng; tăng cường kiểm toán toàn diện để đánh giá tài chính, ngân sách đất nước cho giai đoạn phát triển tới năm 2020.

Tính đến ngày 30/9, cơ quan này đã triển khai 143/186 cuộc kiểm toán (đạt 76,9% kế hoạch 2014). Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 4.556,6 tỷ đồng; trong đó tăng thu 1.311,6 tỷ đồng; giảm chi 196,6 tỷ đồng; xử lý khác 2.448,4 tỷ đồng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, các cuộc kiểm toán cần được tiến hành tập trung hơn, tránh dàn trải, kéo dài. Cần có kết luận chặt chẽ, chú ý những vấn đề được rút kinh nghiệm sau kiểm toán, có hướng đề xuất xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và một số ĐB đề nghị, năm 2015 kiểm toán không nên thực hiện dàn trải đối với các tỉnh, thành phố, cần tập trung vào các công trình, dự án trọng điểm Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, tăng cường kiểm toán đối với những công trình dự án lớn, đặc biệt chú trọng kiểm toán các công trình đã hoàn thành trong năm 2014; bổ sung kiểm toán việc quản lý sử dụng kinh phí một số chương trình mục tiêu quốc gia. Có ý kiến đề nghị kiểm toán các doanh nghiệp nước ngoài thường xuyên báo lỗ, có hành vi chuyển giá, gây thất thu ngân sách.

Về kiểm toán trụ sở Nhà Quốc hội mới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước phấn đấu hoàn thành kiểm toán công trình này trên cơ sở các tiêu chí chấp hành đúng các quy định của pháp luật; không tham nhũng, tiêu cực; đảm bảo chất lượng, tiến độ, công năng sử dụng. Phấn đấu Kỳ họp thứ 9 (5/2015), báo cáo công khai, minh bạch trước Quốc hội và nhân dân kết quả kiểm toán.

Xác định thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật

Chiều 6/10, UBTVQH cho ý kiến dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều ý kiến tán thành dự thảo chỉ nên quy định về văn bản pháp luật - là văn bản có chứa quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng nhiều lần đối với mọi cá nhân, tổ chức trong phạm vi cả nước...

Tại báo cáo tiếp thu, giải trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Chính phủ đã đổi tên dự án Luật thành “Luật Văn bản pháp luật”. Tuy nhiên, một số ý kiến thảo luận đề nghị để tên gọi của dự thảo luật là Luật Ban hành văn bản pháp luật. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cần ghi rõ từ “ban hành”, phân biệt đây là luật ban hành văn bản pháp luật chứ không phải luật về nội dung. Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể, minh bạch về thẩm quyền ban hành, nội dung và hình thức của văn bản pháp luật.

Chính phủ nêu rõ, với chủ trương tinh gọn đến mức cao nhất hệ thống văn bản pháp luật, trong đó xác định lại thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của một số chủ thể theo quy định của Hiến pháp năm 2013, dự thảo Luật không quy định thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

“Các ý kiến thống nhất cần đơn giản hóa hệ thống pháp luật, làm cho hệ thống pháp luật dễ tiếp cận, dễ áp dụng, dễ tuân thủ với chi phí tuân thủ thấp. Đa số ý kiến đều nhất trí không quy định hình thức nghị quyết liên tịch, thông tư liên tịch”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết.

Tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm

Theo chương trình sáng nay (7/10), UBTVQH họp riêng cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; cho ý kiến về việc chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm những người thuộc đối tượng Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 8 này.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.