35 năm chuyến bay vũ trụ Việt - Xô- Kỳ cuối:

Phạm Tuân và tình bạn xuyên thế kỷ

Phạm Tuân tiến hành thí nghiệm trên trạm vũ trụ Chào mừng 6
Phạm Tuân tiến hành thí nghiệm trên trạm vũ trụ Chào mừng 6
TP - Ngày 21/7, Trung tướng Phạm Tuân sẽ ra sân bay đón V.Gorbatko sang thăm Việt Nam trong chương trình kỷ niệm 35 năm chuyến bay vũ trụ Xô - Việt.

Lịch làm việc dày đặc 35 năm trước

Ngày 25/7: Các nhà du hành vũ trụ Liên Xô và Việt Nam bắt tay ngay vào công việc nghiên cứu đầu tiên. Đó là thu thập dữ liệu về ảnh hưởng của trạng thái không trọng lượng lên quá trình sinh trưởng và phát triển của bèo hoa dâu. Tên gọi của thí nghiệm này là “Azola”. Bèo hoa dâu là một loại thực vật khá phổ biến ở đồng ruộng Việt Nam, có khả năng chuyển hóa ni-tơ rất cao và phát triển nhanh, do vậy được các nhà khoa học Việt Nam và Liên Xô chọn để nghiên cứu sự phát triển của nó trong hệ sinh thái khép kín rất cần thiết trên các trạm không gian vũ trụ. Công việc thí nghiệm được thực hiện nhờ thiết bị đặc biệt IFS-2, từng được các nhà du hành Liên Xô và Tiệp Khắc sử dụng khi nghiên cứu tảo Chlorella.

Trong ngày, đội bay Xô-Việt còn tiến hành một loạt thí nghiệm có tên gọi chung là “Tuần hoàn máu”, nhằm nghiên cứu phản ứng của hệ thống tuần hoàn máu trong trạng thái không trọng lượng.

Ngày 26/7: Theo lịch trình, đội bay Xô - Việt sẽ trở về Trái đất trên tàu “Liên hợp-36”, con tàu vũ trụ từng đưa đội bay Xô - Tiệp lên trạm trước đó. Do vậy, công việc đầu tiên trong ngày là chuyển toàn bộ tài liệu, trang thiết bị cần thiết từ tàu “Liên hợp-37” sang “Liên hợp - 36”. Sau ăn trưa, hai đội bay tiếp tục các nghiên cứu y học, nằm trong loạt thí nghiệm về “Tuần hoàn máu”. Một trong các thí nghiệm có tên “Thử nghiệm ảnh hưởng của áp suất âm lên nửa dưới của cơ thể”, mục đích nghiên cứu phản ứng của hệ tim mạch trong các chuyến bay ngoài không gian. Để tiến hành thí nghiệm, Phạm Tuân và Gorbatko thay phiên nhau mặc bộ quần áo hút chân không có tên “Chibis”. Sau khi máy hút chân không hoạt động, áp lực hút ở phần dưới cơ thể lên đến 25-35 mmHg. Khi này, máu liền dồn hết vào các tĩnh mạch. Thí nghiệm này cho phép nghiên cứu các tính năng của hệ tim mạch và dự đoán sự hồi phục cân bằng của các nhà du hành sau chuyến bay.

Một công việc quan trọng trong ngày là chụp ảnh viễn thám trong dự án mang tên “Sinh quyển - V” (V - có nghĩa là Việt Nam). Các thiết bị được sử dụng là máy ảnh KATE-140, Spektr-15, Praktika-EE2, Pentakon-Bm. Trong vòng 5 phút, máy ảnh KATE-140 cho phép chụp chi tiết ảnh Trái đất với diện tích bao trùm khoảng 1 triệu km2. Các bức ảnh này là những nguồn tư liệu quý giá để phục vụ công tác bản đồ và tìm kiếm tài nguyên của Việt Nam. Các bức ảnh cũng cho thấy bức tranh toàn cảnh mức độ hủy hoại thiên nhiên Việt Nam do bom napalm và chất độc da cam của Mỹ trong chiến tranh, mức độ ô nhiễm các vùng nước ven biển…

Ngày 27/7: Ngày làm việc bắt đầu từ 8h sáng với các thí nghiệm y học. Gorbatko và Phạm Tuân tiến hành thí nghiệm “Hô hấp” bằng máy chuyên dụng “Pnevmo-test-78”. Dữ liệu về ảnh hưởng của môi trường không trọng lượng đến cơ quan hô hấp được thu thập, đối chiếu để các nhà khoa học nghiên cứu, đề ra biện pháp nhằm nâng cao thể lực cho các nhà du hành vũ trụ. Giữa ngày, đội bay Xô - Việt tiếp tục các thí nghiệm “Sinh quyển-V” và “Bèo hoa dâu”. Sau bữa trưa, Gorbatko và Phạm Tuân tiến hành một loạt thí nghiệm có tên “Phân cực”, “Terminator” (thí nghiệm thiên văn học), “Khí quyển”, “Tương phản” (xác định sự thay đổi bầu không khí ở các thành phố lớn và các trung tâm công nghiệp), “Xích đạo”… Hai nhà du hành L.Popov và V.Ryumin phối hợp với đội bay Xô-Việt thực hiện các thí nghiệm này.

Cũng trong ngày, Phạm Tuân và Gorbatko chuẩn bị và bắt đầu các thí nghiệm được đánh số từ 1 đến 5 mang tên “Hạ Long”. Loạt thí nghiệm này được tiến hành trong nhiều ngày, nhằm nghiên cứu phát triển các tinh thể (từ hợp chất bán dẫn với thành phần cơ bản là nguyên tố Tellurium (Te), Bismuth (Bi) và Antimony (Sb)) (do các chuyên gia Liên Xô, Việt Nam và CHDC Đức chuẩn bị trước đó).

Ngày 28/7: Trước bữa ăn sáng, Gorbatko và Phạm Tuân lấy mẫu máu phục vụ cho thí nghiệm “Trao đổi chất”. 10h sáng, đội bay Xô-Việt bắt đầu thí nghiệm “Mô phỏng-2”, sau đó là thí nghiệm “Bình minh”. Sau bữa trưa, Gorbatko và Phạm Tuân tiếp tục thí nghiệm phát triển tinh thể cho chất bán dẫn gallium phosphate thuộc series thí nghiệm  “Hạ Long”.

Trong ngày  diễn ra cuộc họp báo “Vũ trụ-Trái đất” với sự tham gia của các nhà báo Liên Xô, Việt Nam và quốc tế tại Trung tâm điều hành các chuyến bay. Từ vũ trụ, Gorbatko và Phạm Tuân trả lời câu hỏi của các nhà báo, nói về các kỷ vật họ đem lên vũ trụ như Tuyên ngôn độc lập và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cờ của hai quốc gia, biểu trưng của các tổ chức như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Hội hữu nghị Xô - Việt, Việt - Xô… Họ còn mang lên vũ trụ một số báo đặc biệt do báo “Izvestia” và báo “Nhân Dân” cùng chuẩn bị nội dung, in dành riêng cho chuyến bay quốc tế này.

Cuộc họp báo kết thúc vào lúc gần 22h.

Ngày 29/7: Từ 10h sáng, Gorbatko và Phạm Tuân tiếp tục thí nghiệm về bèo hoa dâu. Sau đó, từ 10h40, tham gia  thí nghiệm “Operator” nhằm kiểm tra khả năng làm việc cường độ cao của các nhà du hành trong điều kiện thời gian cực ngắn.

Sau bữa trưa, hai nhà du hành lại tiếp tục các thí nghiệm “Phân cực”, “Terminator”, “Khí quyển”, “Tương phản”. Từ 15h40, theo thứ tự, Phạm Tuân và Gorbatko tiến hành cuộc khảo sát toàn diện về hệ tuần hoàn, hệ hô hấp khi tập hết công suất bằng máy đạp xe VEL-1. Thí nghiệm này nhằm nghiên cứu cơ chế thích nghi của cơ thể trong tình trạng quá tải khi làm việc trong vũ trụ và từ đó đề ra biện pháp hồi phục sức khỏe cho các nhà du hành vũ trụ sau chuyến bay.

Ngày 30/7: Nhiệm vụ chính trong ngày là kiểm tra thiết bị của 2 tàu vũ trụ “Liên hợp-36” và “Liên hợp-37”. Gorbatko và Phạm Tuân tiếp tục hoàn tất các thí nghiệm từ trước về bèo hoa dâu và chụp ảnh viễn thám.

Công việc tiếp theo, các nhà du hành vũ trụ chuẩn bị đóng gói, bảo quản các kết quả thí nghiệm đã tiến hành. Sau đó, họ kiểm tra hệ thống định hướng và điều khiển của tàu “Liên hợp-36”. Cuối ngày, các nhà du hành quay phim báo cáo sơ bộ kết quả các thí nghiệm.

Ngày 31/7: Sau bữa sáng, Gorbatko và Phạm Tuân tham gia việc kiểm tra các hệ thống của “Liên hợp-36” lần cuối. Sau đó, 2 đội bay cùng quay phóng sự lần cuối cùng trên trạm Chào mừng 6. Tiếp theo, 2 đội bay vào vị trí. Ba tiếng sau, tàu “Liên hợp-36” tách khỏi trạm vũ trụ và bắt đầu bay tự động về Trái đất. 18h15’. Chuyến bay của đội bay quốc tế thứ sáu đã thực hiện thành công. Thiết bị đổ bộ đã đưa 2 nhà du hành vũ trụ Liên Xô và Việt Nam hạ xuống một địa điểm cách thành phố Dzezkazgan 180 km về hướng Đông Nam.

Phạm Tuân và tình bạn xuyên thế kỷ ảnh 1

Phạm Tuân và Gorbatko ở thành phố Ngôi Sao

…Những ngày sau đó ở Baikonur là dày đặc các cuộc kiểm tra y sinh học, các cuộc họp đánh giá sơ bộ các kết quả thí nghiệm. Tại Công viên ngay sát khách sạn “Vũ trụ” đã xuất hiện một cây du. Người trồng cây là Phạm Tuân.

Hai nhánh sông hợp lưu

Đã 35 năm trôi qua kể từ chuyến bay lịch sử Xô - Việt, chuyến bay thứ sáu trong Chương trình hợp tác quốc tế sử dụng khoảng không vũ trụ vào mục đích hòa bình (INTERCOSMOS). Đánh giá về người bạn đồng hành của mình, trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí “Tin tức vũ trụ” gần đây, V.Gorbatko nói: “Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn cảm thấy rất tự hào là đã bay cùng Phạm Tuân. Anh ấy là phi công duy nhất đã bắn hạ được pháo đài bay B-52 của quân xâm lược Mỹ. Phạm Tuân rất thông minh, nắm bắt các bài lý thuyết và thực hành rất nhanh. Tôi hầu như không phải gặp bất cứ khó khăn gì, thêm nữa, anh ấy đã từng tốt nghiệp Trường Không quân Krasnodar”.

Tình bạn, tình thầy trò và sứ mệnh lịch sử đã gắn kết Gorbatko và Phạm Tuân với nhau. Trung tướng Phạm Tuân cho biết, chính các chuyên gia của Trung tâm đào tạo các nhà du hành vũ trụ Gagarin chọn họ thành một “cặp đôi”, sau khi đã nghiên cứu rất kỹ tính cách, sở thích, phản xạ của họ qua các bài kiểm tra. Có lẽ đó chính là một trong những yếu tố rất quan trọng, để Gorbatko và Phạm Tuân hiểu nhau, phối hợp tốt với nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ trong chuyến bay lịch sử năm nào.

Trung tướng Phạm Tuân cho biết, sau chuyến bay, V.Gorbatko và ông thường xuyên gặp nhau trong các chuyến công tác, các chuyến thăm hữu nghị. Ngày 21/7, ông sẽ ra sân bay đón V.Gorbatko sang thăm Việt Nam trong chương trình kỷ niệm 35 năm chuyến bay vũ trụ Xô-Việt.

V.Gorbatko-“Terek-1”, Phạm Tuân-“Terek-2”. Hai nhánh sông “Terek” hùng vĩ ngày nào sẽ lại hợp lưu.

Có một tình bạn vũ trụ nào bền lâu hơn thế?

V.V.Gorbatko kể lại trong cuộc phỏng vấn của tạp chí “Tin tức vũ trụ” về giây phút này: “Tôi nhớ rất rõ, Phạm Tuân đã vui mừng thế nào khi chúng tôi tiếp đất. Bình thường anh ấy rất ít khi biểu lộ tình cảm. Buổi chiều hôm đó, thời tiết rất tốt… Tôi kiểm tra lại hành lý mang về từ vũ trụ. Bỗng Phạm Tuân cầm lấy tay tôi. Tôi thấy khuôn mặt anh rạng rỡ nụ cười hạnh phúc. “Đồng chí chỉ huy, chúng ta đã ở trên mặt đất”. Niềm vui khi được trở về thật khôn tả. Tôi cũng vậy, mỗi khi được trở về từ chuyến bay. Trái đất là Trái đất, là đất mẹ, mà chúng ta ai cũng muốn được trở về”.

MỚI - NÓNG