Phản biện trước Quốc hội, các bộ trưởng nói gì?

Phản biện trước Quốc hội, các bộ trưởng nói gì?
TP- Hôm qua, 29/10, ngày thứ hai Quốc hội thảo luận tại Hội trường về tình hình Kinh tế - Xã hội, các Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Giáo dục & Đào tạo, Nông nghiệp & phát triển nông thôn... đã sớm đăng đàn “giải trình” về trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành.

ĐB Bùi Văn Duôi  (Hòa Bình) thẳng thắn: Báo cáo của Chính phủ nêu những tồn tại, yếu kém, nhưng khuyết điểm của cơ quan nào, ngành nào không thấy chỉ ra.

Và như thế, những cơ quan nào, những người nào góp phần làm cho nông dân vừa qua thiệt hại về giá gạo, thiệt hại về chăn nuôi và nhiều thiệt hại khác thì ít nhất cũng nợ nhân dân hoặc Quốc hội một lời xin lỗi!.

Theo ĐB này, nói là các bộ, ngành chỉ làm quản lý Nhà nước không quản lý doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp nhà nước đặc biệt như ngành điện cứ “đòi thì cho mà xin là được”.

“Ngành may mặc mà không có điện thì chịu rồi, không thể sản xuất theo hợp đồng đã ký với khách hàng, khách hàng nước ngoài người ta phạt, còn ngành điện thì vô can và cứ liên tục đòi tăng giá bảo là giá điện chưa bằng giá khu vực”-Ông Duôi bức xúc.

“Chính phủ, các bộ, ngành cũng như các địa phương, nhất thiết cần nhìn lại mình để làm đúng hơn, kiên quyết hơn”-Đại biểu Thào Hồng Sơn  (Hà Giang) đề nghị. Theo ĐB này, tầm nhìn định hướng phải mang tính chiến lược, bền vững, chế tài phải nghiêm khắc, tất cả mọi sai trái đều phải bị xử lý thích đáng.

“Đành rằng nền kinh tế nước ta còn nghèo, việc thu hút đầu tư nước ngoài là quan trọng, nhưng không vì thế mà bùng nhùng như vụ Cty Vedan để dư luận, nhân dân bức xúc”-Ông Sơn nói.

ĐB Sơn dẫn chứng, việc Việt Nam “đứng thứ hai về xuất khẩu gạo trên thế giới” mà phải nhập khẩu trên 200.000 tấn ngô/năm để chế biến thức ăn chăn nuôi, là không đáng có, vì giá cao, gây khó khăn cho nông dân và các nhà chăn nuôi. Là nước có bờ biển dài 3.000 km mà năm 2008 Việt Nam phải nhập khẩu 430.000 tấn muối ăn (riêng nhập khẩu muối đã góp trên 3 triệu USD vào mức nhập siêu) là điều không đáng.

“Nếu không hành động kịp thời và quyết liệt trong những năm tới nông dân, ngành chăn nuôi, ngành muối, ngành than và một số các ngành khác sẽ phải đối mặt với việc mất cân đối cung, cầu nghiêm trọng bởi những lẽ trên”-ĐB Sơn bức xúc.

Ông Sơn đề nghị Chính phủ dành một phần ngân sách thu mua hết số gạo dư của nông dân, và có chính sách trợ cước, trợ giá vận chuyển từ nơi dư đến nơi thiếu để đối lưu đổi gạo lấy ngô của bà con ở miền núi về chế biến thức ăn chăn nuôi, thay vì phải nhập khẩu ngô từ nước ngoài.

Cùng quan điểm này, ĐB Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định) cho rằng, vấn đề quản lý điều hành và chế độ trách nhiệm của cá nhân và xã hội nêu không được rõ, dẫn đến thực tế kỷ cương, phép nước của việc thực hiện chưa  nghiêm, làm cho nhân dân lo lắng.

“Vì sao điện thiếu, cắt điện liên tục, lỗi này ở bộ nào, ngành nào và trách nhiệm của bộ chủ quản như Bộ Công Thương đến đâu? Vì sao phải nhập khẩu muối, nhập khẩu ngô, nhập khẩu thịt, trong khi điều kiện của đất nước chúng ta có đủ, dư thừa? Vì sao chúng ta nói nông nghiệp, nông thôn, nông dân rất nhiều, nhưng vẫn được mùa thì rớt giá? Tôi nghĩ rằng những vấn đề này cần phải được thể hiện rõ trong các cơ quan tham mưu cho Chính phủ”-ĐB Đồng đặt vấn đề.

Phản biện trước Quốc hội, các bộ trưởng nói gì? ảnh 1
Bộ trưởng Võ Hồng Phú phát biểu giải trình  Ảnh: Hồng Vĩnh

Sẽ điều chỉnh giảm giá dầu thô

Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc đăng đàn để bảo vệ “dự báo tình hình năm 2008-2009 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2009”. Ông Phúc cho rằng các nhận định chính trong báo cáo của Chính phủ là hoàn toàn đúng và chính xác.

“Tăng trưởng GDP năm 2008 từ mức 6,5-7% như báo cáo là có thể thực hiện được. Hiện nay trong nội bộ chúng tôi dự báo con số khoảng 6,7%; chỉ số CPI khoảng 22%”-Ông Phúc nói.

Theo ông Phúc tình hình nền kinh tế năm 2009 sẽ khó khăn hơn. Về việc có một số ĐBQH cho rằng nền kinh tế đang có nguy cơ thiểu phát, ông Phúc nói: “Bộ KH&ĐT chưa đánh giá là khả năng thiểu phát vì mới chỉ có 1 tháng chỉ số giá là âm. Nếu giảm liên tục trong 3, 4 tháng thì mới có thể nói là thiểu phát. Vấn đề là cần phải theo dõi sát, có sự điều hành hợp lý và có sự điều chỉnh phù hợp”.

Đánh giá tác động của khủng hoảng tài chính Mỹ tới nền kinh tế Việt Nam trong năm tới, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, đánh giá ban đầu thì khó có khả năng gây khủng hoảng tài chính ở Việt Nam, song mức độ tác động ở một số lĩnh vực như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), xuất nhập khẩu, bảo hiểm, chứng khoán, tỷ giá… là có và từ đó tác động đến sản xuất kinh doanh.

Về dự toán ngân sách, theo Bộ trưởng Ninh, với tình hình giá dầu thế giới biến động giảm nhanh và mạnh hiện nay, chắc chắn Chính phủ phải điều chỉnh giảm giá dầu đưa ra tính toán trong dự toán NSNN (mức trong dự toán là 90USD/thùng, trong khi giá thực tế hiện là 63USD/thùng).

Mong bà con nông dân ĐBSCL hiểu và chia sẻ

Vì nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng “dừng xuất khẩu gạo lúc giá đang cao gây thiệt hại cho bà con nông dân ĐBSCL hàng ngàn tỷ đồng”, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã phải đăng đàn giải trình rất cặn kẽ lý do vì sao hồi cuối tháng 4, Chính phủ chỉ đạo tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo. “Chính phủ không chủ trương dừng xuất khẩu gạo mà chỉ là yêu cầu DN tạm dừng ký tiếp hợp đồng xuất khẩu gạo”-Ông Phát khẳng định.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, cuối tháng 3/2008, trên cơ sở dự báo về biến động thời tiết ảnh hưởng đối với vụ lúa đông xuân, khả năng khi thu hoạch vào tháng 5, nếu thời tiết biến động thì sẽ không đảm bảo an ninh lương thực, xác suất này là 50:50.

Thời điểm đó, các DN đã ký hợp đồng xuất khẩu 2,4 triệu tấn gạo và đã giao hàng được 800.000 tấn. Từ tháng 4, giá gạo thế giới lên 1.200USD/tấn, khiến các DN đã mua gom gạo khiến gạo trong nước sốt giá, nên  Chính phủ chỉ đạo các DN tạm ngừng ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu gạo. 

Sau khi thu hoạch vụ đông xuân, được mùa Chính phủ đã cho tiếp tục ký hợp đồng. “Đến nay chúng ta đã xuất khẩu được 3,9 triệu tấn  gạo, và tính trung bình 9 tháng qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ kém Thái Lan có 1USD/tấn. Gần đây, Chính phủ đã họp và đánh giá lại chủ trương này, thấy hoàn toàn đúng. Chúng tôi mong bà con nông dân ĐBSCL hiểu và chia sẻ”-Ông Phát nói.

MỚI - NÓNG