Phân biệt tỏi ta với tỏi Trung Quốc

Phân biệt tỏi ta với tỏi Trung Quốc
TP - Việt Nam có nhiều vùng đất trồng tỏi nổi tiếng như Phan Rang (Ninh Thuận), huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Lý Sơn có sự khác biệt so với các vùng khác về thổ nhưỡng và rất bất lợi về thời tiết: khô hạn vào mùa nắng và giông bão liên miên trong mùa mưa. 

Thế nhưng, chính những khác biệt và khắc nghiệt của thiên nhiên cùng với sự kỳ công trong canh tác đã tạo ra các loại tỏi thơm ngon nhất nước. Tương tự, vùng đất cát Phan Rang khiến tép tỏi nhỏ, săn chắc và có hương vị đặc trưng. Tỏi ở các vùng này không chỉ sử dụng làm gia vị trong chế biến món ăn mà còn được dùng để ngâm rượu.

Bởi sản lượng có hạn nên giá tỏi Lý Sơn khá cao: từ 60-70 ngàn đồng/kg, có thời điểm trên dưới 80 ngàn đồng/kg. Tỏi Phan Rang, Đà Lạt… cũng gần 50 ngàn đồng/kg; trong khi đó, tỏi Trung Quốc chỉ khoảng 20-30 ngàn đồng/kg và giữ được rất lâu trong môi trường tự nhiên. 

Với chênh lệch giá cả như trên và trước xu thế người tiêu dùng Việt Nam ngại dùng nông sản Trung Quốc, có xu hướng chuyển sang sản phẩm nội địa, nhiều tiểu thương cố tình nhập nhèm xuất xứ hàng hóa, thậm chí trộn lẫn tỏi Trung Quốc với tỏi ta và bán với giá của hàng nội. 

Để giúp người tiêu dùng tránh bị nhầm lẫn, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã công bố cách nhận diện tỏi Việt Nam với mặt hàng cùng loại của Trung Quốc. Tỏi ta có nhiều loại nhưng củ thường là nhỏ, kích thước các củ không đồng đều; khi lột bỏ cuống, các tép nhỏ và chụm lại, khó bóc vỏ, mùi thơm rất đặc trưng, ít cay nồng. Tỏi Lý Sơn củ nhỏ với vỏ màu trắng, còn tỏi Đà Lạt có vỏ ngoài màu tím nâu...

Ngược lại, tỏi Trung Quốc thường to tròn, kích thước củ khá đồng đều, vỏ ngoài màu trắng hơi ngả vàng, láng bóng; các tép tỏi to, trắng bóng và xòe ra, vỏ mỏng, rất dễ bóc, có vị hăng, the chứ không thơm.

MỚI - NÓNG