Phận đời, chuyện đò miền sông nước

Bà Tô Hoàng Dịch Thủy đưa khách sang cồn   ẢNH: HÒA HỘI
Bà Tô Hoàng Dịch Thủy đưa khách sang cồn   ẢNH: HÒA HỘI
TP - Hằng ngày lênh đênh trên sông nước giữa mưa nắng để mưu sinh, với những người phụ nữ lái đò này họ coi đó là cái nghiệp và chỉ với mong muốn có ích cho đời.

Cái nghiệp

Buổi trưa nửa đầu tháng 4 trời nắng gay gắt, bà Lê Thị Hồng ngồi trong quán cà phê vừa tránh nắng vừa đợi khách. Bà Hồng lái đò ở bến Ngã Bảy, ngay bờ kè chợ Ngã Bảy để đưa khách sang sông (qua doi Chành, doi Cát và doi Thới Hòa) cùng thuộc thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang). Nơi đây, ngày xưa là chợ nổi Ngã Bảy một thời vang danh. “Ngày xưa nhộn nhịp, đông vui bao nhiêu thì bây giờ vắng lặng  bấy nhiêu”, bà Hồng hoài niệm. 

Từ khi chợ nổi dời về trong vàm Ba Ngàn, cách khoảng 3km vào năm 2002, cùng với đường sá thông thoáng thì ở đây ngày càng vắng. “Nếu như trước đây mỗi ngày có gần 70 người chèo đò thì bây giờ họ nghỉ gần hết, còn chưa đầy chục người bám trụ. Ở đây, chỉ chở khách qua sông (qua doi) bởi nếu người dân không đi đò mà đi xe máy phải vòng khá xa. Ngoài chở khách, ai kêu chở gì thì chở nấy”, bà Hồng cho biết. 

Bà Hồng năm nay 50 tuổi, ở khu vực 2, phường Hiệp Thành (Ngã Bảy). Hằng ngày từ sáng sớm bà chạy chiếc ghe tam bản khoảng tấn rưỡi cùng với chiếc máy honda 5,5 ngựa sang chợ Ngã Bảy để đưa khách sang sông. “Từ sáng đến 12 giờ mới chạy được có hơn 20.000 đồng, toàn là ngồi không, tránh nắng. Bây giờ cũng già rồi, làm nhiêu ăn bấy nhiêu chứ chuyển sang nghề khác biết làm gì. Hơn nữa, làm mấy chục năm riết quen nghề, như cái nghiệp, bỏ thì uổng nên cứ làm qua ngày”, nói xong, bà nhớ về một thời chợ nổi Ngã Bảy sôi động.

Thời đó, bà bắt đầu chèo đò từ lúc mới hơn 20 tuổi, chợ nổi nhóm sớm, hơn 4 giờ là đông nghẹt với hàng trăm chiếc ghe lớn nhỏ từ khắp các tỉnh trong vùng đổ về. Chưa kể, những người nhỏ lẻ đến mua rồi chở đi vô các kênh rạch bán, đặc biệt là bạn hàng họ đến thuê đò ra sông mua hàng bông, trái cây trên ghe lớn rồi chở đi các tỉnh. “Mỗi chuyến chở bạn hàng ra sông chỉ 5.000 - 10.000 đồng nhưng chèo cả ngày kiếm từ trăm đến trăm rưỡi ngàn là khỏe re. Cảnh chợ đông vui, làm cả ngày mà không biết mệt”, bà Hồng nhớ lại.

Theo lời bà, thời chợ nổi huy hoàng, có nhiều đoàn quay phim trong nước và quốc tế đến đây thuê đò ra tác nghiệp. “Lúc đó tôi được họ thuê quay thường xuyên, ngày mấy trăm nghìn. Quay xong rồi có phát trên đài nước ngoài. Tuy nhiên, từ khi chợ dời vào trong vàm Ba Ngàn thì chìm luôn tới giờ”, bà Hồng nói. 

Trước đây, mọi người đều còn đò chèo nhưng tình người ở đây mặn nồng, chưa bao giờ xảy ra chuyện tranh giành khách. Đặc biệt ở đây là ngay khu vực ngã 7, dòng nước chảy xiết và xoáy rất mạnh nên nhiều ghe chở đầy không rành đường vào vị trí nước xoáy là chìm thường xuyên. “Cứ 1 - 2 ngày là có ghe chìm, mỗi lần như thế thì chính những người lái đò cùng người dân cứu giúp họ”, bà Hồng kể. 

Lặng thầm

Rời thị xã Ngã Bảy nổi tiếng với chợ nổi vang danh một thời theo dòng sông Hậu ngược lên thượng nguồn đến cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ là gặp nữ lái đò Tô Hoàng Dịch Thủy (hay còn gọi bà Bé), người có thâm niên mấy chục năm đưa đò sang cồn. Người phụ nữ này có ngoại hình nhỏ nhắn, nước da ngăm đen được các em học sinh quý mến như người thân của mình, thậm chí có em gọi là mẹ.

Gia đình bà Bé đến đây sinh sống từ năm 1983, ban đầu mẹ của bà mua chiếc ghe nhỏ chèo trên sông bán nước đá, thời gian rảnh rỗi chở khách qua cồn. Vài năm sau thì mua chiếc ghe với máy dầu rồi đăng ký chở khách qua lại. Đến năm 1996 mẹ bà già yếu nên bà chính thức thay mẹ đưa đò cho đến nay. Chính vì thế thu nhập chính của bà Bé chủ yếu từ chở khách sang Cồn Sơn và với các em học sinh thì bà miễn phí.

Phận đời, chuyện đò miền sông nước ảnh 1 Bà Lê Thị Hồng đưa khách sang sông
Mấy chục năm lênh đênh trên sông nước nên bà biết tường tận về kỹ thuật cũng như kinh nghiệm tránh sóng to gió lớn. Khi nào phải chạy vòng để tránh sóng, khi nào chạy thẳng... bà đều nằm lòng. “Thường thì ở trường ít ai dạy về kỹ năng nhưng khi trải nghiệm thực tế lâu ngày mới biết mức độ sóng gió, rủi ro như thế nào. Tôi chạy riết rồi quen nên từ đó đến giờ chưa bao giờ xảy ra chuyện nguy hiểm đến khách”, bà Bé bộc bạch. 

Nói về việc chở miễn phí cho học sinh, bà chia sẻ: “Lúc nhỏ tôi cũng như các em học sinh bây giờ qua sông vất vả. Nhà cách trường một con sông nhỏ nhưng mỗi lần đi lại rất khó khăn. Chưa kể, nhiều lần xin đi nhờ đò bị từ chối nên không đi học được. Vì thế, tôi muốn giúp các em được cắp sách tới trường và muốn làm cái gì đó có ích, làm đẹp cho đời”.

Mỗi ngày bà dành 4 khung giờ cố định là sáng khoảng 6 giờ 30 đưa các em qua sông để đến trường, 11 giờ chở các em trở lại về nhà. Đối với các em học buổi chiều, thời gian đến trường là 12 giờ 30 và khi về là 17 giờ 30. Sở dĩ bà đưa ra các khung giờ như thế là để “quản” các em, tránh các em đi chơi game về trễ làm gia đình lo lắng. 

“Ở đây trực 24/24, hễ có ai gọi là chạy chứ không phiền hà gì. Người ta có chuyện gấp mới cần mình, nên đêm hôm khuya hay mưa gió gì cũng nhiệt tình hết”, bà Bé tâm sự.

Em Lê Thị Hồng Diễm vừa tốt nghiệp Đại học ngành Y Dược trường Đại học Nam Cần Thơ cách nay 3 tháng nói rằng, nếu không có cô Bé chắc bọn trẻ trên cồn tụi em khó học lên cao được. Diễm giải thích, cha mẹ vẫn có ghe đưa đi học mỗi ngày nhưng những hôm nước ròng thì không thể lấy ghe ra khỏi mương được. Rồi những lúc sóng to, gió lớn ghe nhỏ không thể qua sông. Với cô Bé lúc nào cũng nhiệt tình giúp. Thậm chí cô biết tụi em về muộn đói bụng nên nấu sẵn cơm cho ăn nên em quý và xem cô như mẹ của mình”, Hồng Diễm chia sẻ.

MỚI - NÓNG