Phản khoa học về đô thị !

Phản khoa học về đô thị !
TP- “Tận dụng mọi khoảng trống để xây dựng là phản khoa học về đô thị. Đô thị không chỉ cần những con đường, mà cần có khoảng trống không gian nữa”- Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm (Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam nói.
Phản khoa học về đô thị ! ảnh 1

Ông Phạm Sỹ Liêm. Ảnh : NT

Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm nói: Thứ nhất, vấn đề đặt ra là về nguồn gốc, người ta đều biết đây vốn là một đường phố.

Thời điểm 19 tháng Chạp 1946, do cần một nơi để chôn những người chết lúc đó, nói chung là những người chết do chiến tranh, trong đó tất nhiên có nhiều liệt sỹ (thực ra lúc đó không biết chuyển đi đâu nên đã chọn địa điểm này).

Sau này, UBND TP Hà Nội xem xét vị trí nghĩa trang này có thích hợp không, lúc đó tôi đang công tác tại UBND thành phố.

Thưa ông, khi đó việc di chuyển nghĩa trang để làm chợ diễn ra như thế nào?

Khi đó tôi là Phó Chủ tịch UBND thành phố, phụ trách mảng xây dựng. Các đồng chí trong UBND thành phố xem xét, thấy cần chuyển nghĩa trang đi, có cả ý kiến nhân dân nữa. Đúng lý ra, phải khôi phục lại con phố ở vị trí này.

Nhưng lúc bấy giờ phía ngoài nghĩa trang đã hình thành một cái chợ tự phát rồi. Thành phố bàn tạm thời đưa chợ dồn vào phía trong, giải phóng mặt phố này vì ở đó có Tòa án đang bị chợ lấn ra. Lúc đầu, chỉ có mấy miếng bạt, mấy chiếc cột, giống bao nhiêu chợ cóc khác trong thành phố thôi.

Nhưng chỗ này để một cái chợ nhếch quá nên UBND quận đã cho làm mái che tương đối tử tế. Còn nguồn gốc, tên chợ là 19-12 vì là ở đó có cái nghĩa trang như thế. Thực ra, chúng tôi cũng chỉ tính tạm thời thôi, chứ ai lại lấy đường phố để làm chợ. Thế nhưng, trong lúc mà mình chưa có khả năng giải quyết, nhân dân dồn vào đó, vẫn hơn là để chợ mọc ở ngoài hè phố.

Như vậy lúc đó thành phố chỉ tính làm chợ tạm thôi?

Đúng như thế. Vì thế mới làm mái tạm, mọi thứ đều tạm. Tức là để giải quyết cái trước mắt thôi. Bởi nếu không thì đã cho xây ngay rồi.

Cần minh bạch quy hoạch

Phản khoa học về đô thị ! ảnh 2 Nếu làm một trung tâm thương mại ở đây là một sự đặt ngược. Cái đó sẽ bị lên án khá nặng nề. Ý kiến của tôi là khôi phục lại tuyến phố này, đặt tên là phố 19-12 cũng rất hay. Ở đấy có một tấm bia, ghi lại câu chuyện về ngày 19-12 đó, kể cả chuyện ở đây từng có một cái chợ được đặt tên là “chợ âm phủ” – chợ âm phủ, đối với tâm linh người Việt rất có ý nghĩa. Phản khoa học về đô thị ! ảnh 3

Thành phố đã giải tỏa chợ tạm 19-12 để xây dựng một  tổ hợp trung tâm thương mại cao tới 17 tầng, ông thấy như vậy có hợp lý không?

Lịch sử như vậy và xem ra chợ ấy vẫn còn là nhu cầu, cho nên nếu nó tồn tại trong khoảng đó cũng vẫn được. Chợ khác với trung tâm buôn bán quy mô. Tôi có cảm giác thành phố nhận diện chưa chính xác nên đã biến nhiều chợ thành siêu thị như chợ Cửa Nam và nhiều chợ khác cũng đang bị biến ra thế: tầng 1 thành nơi buôn bán hàng thực phẩm, thay chợ.

Nghĩ thế tưởng là tiện, nhưng không biết rằng đến chợ bằng gì, ai đến chợ? Chợ là cho những người ở gần khu vực ấy, họ đi bộ ra chợ, hoặc trên đường về ghé qua, mua vài thứ về làm bữa cơm, có khi mua buổi chiều để dành cho sáng hôm sau.

Bây giờ vào siêu thị, phải gửi xe máy mà tiền đi chợ thì có bao nhiêu - nó mâu thuẫn với mục đích đi mua chứ chưa nói chuyện giàu nghèo gì. Tôi chỉ mua khoảng chục ngàn, hai chục ngàn, có khi chỉ mua mớ rau, con cá, nhưng lại mất 5% - 10%, mất thêm thời gian gửi xe là không hợp lý.

Biến chợ thành siêu thị, tức là chưa cân nhắc được sự khác biệt giữa chợ và siêu thị. Thứ hai là những địa điểm lựa chọn như thế cũng vô duyên.

Thưa ông, sao ông lại cho là vô duyên?

Nhân thể, tôi cũng nói luôn như chợ Cửa Nam là một ví dụ: Ở một ngã 5 rất đông đúc, đi liền với đường sắt nối Đông- Tây Hà Nội, ở nơi then chốt, yết hầu như vậy mà họ lại làm siêu thị (chợ Cửa Nam đang được xây thành trung tâm thương mại-PV). Nghĩa là chẳng hiểu gì về đô thị, về giao thông. Người quản lý quy hoạch không nên tách công trình ra khỏi công dụng, chức năng của nó.

Quay lại chợ 19-12, chúng ta phải đặt câu hỏi: Thành phố đã biến 5 chợ thành 5 trung tâm thương mại rồi, bây giờ cũng mới đang thực hiện thôi. Sao lại sốt ruột mở thêm một trung tâm thương mại như vậy nữa. Quy hoạch xây dựng trung tâm thương mại này có hay không?

Thành phố phải xuất trình quy hoạch cho làm trung tâm thương mại ở đây. Nhưng nếu thành phố trình ra một quy hoạch, thì có thể nói quy hoạch này là quy hoạch không công khai, không minh bạch.

Vấn đề thứ hai nữa, trong trung tâm đô thị Hà Nội bây giờ đang thiếu trung tâm thương mại hay là thiếu đường đi? Chúng ta đang thiếu đường đi, mà đó vốn là đường đi. Sao thiếu đường đi mà lại chặn đường đi làm công trình là thế nào?

Đặt ngược

Thưa ông, nhưng hiện nay dự án cơ bản đã làm xong các thủ tục rồi?

Đáng lẽ, chúng ta là những người quản lý kế hoạch, chúng ta phải hướng dẫn chỉ đạo, thậm chí điều khiển những người kinh doanh bất động sản theo ý định quy hoạch của mình. Nghĩa là, không phải để bị những người kinh doanh bất động sản họ điều khiển trở lại, làm tổn hại đến quy hoạch của thành phố.

Do vậy, nếu làm một trung tâm thương mại ở đây là một sự đặt ngược. Cái đó sẽ bị lên án khá nặng nề. Ý kiến của tôi là khôi phục lại tuyến phố này, đặt tên là phố 19 -12 cũng rất hay. Ở đấy có một tấm bia, ghi lại câu chuyện về ngày  19-12 đó, kể cả chuyện ở đây từng có một cái chợ được đặt tên là “chợ âm phủ” – chợ âm phủ, đối với tâm linh người Việt rất có ý nghĩa.

Trong dự án, người ta có nói sẽ để lại một con đường nội bộ xuyên từ phố Hai Bà Trưng sang phố Lý Thường Kiệt, rộng khoảng 7–8 m, thưa ông?

Tôi xin hỏi lại là, siêu thị là nơi hút luồng ô tô, xe máy đến. Chỗ ấy, bên là Tòa án, bên là ngã 6 đang nhộn nhịp, lại thu hút thêm ô tô, xe máy vào làm gì. Đứng về quy hoạch đã không đúng. Nhưng mà, đã từng có “lý sự” là làm nhà lên trên đường, vì người ta thấy đất đai rất đắt, làm như vậy cho đỡ tốn kém, tận dụng. Nhưng tận dụng như thế là hoàn toàn phản lại đô thị học, đô thị không chỉ cần có đường đi, mà cần cả khoảng trống không gian.

 Hồng Phúc
Thực hiện

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG