Phận người bên biển lở

Biển Cửa Đại vẫn sạt lở dù được đầu tư làm kè mềm bằng công nghệ mới.
Biển Cửa Đại vẫn sạt lở dù được đầu tư làm kè mềm bằng công nghệ mới.
TP - Tiếng sóng Cửa Đại như tiếng lòng khi biển ngày đêm gặm nhấm bãi bờ nham nhở. Những thân cò với cuộc mưu sinh cũng như những rặng dừa cuối cùng kia, gồng mình chịu chống chọi với sóng biển một cách yếu ớt và ngã nhào xuống biển lúc nào không hay…

Đợt sóng biển đánh ầm ầm vào dải kè mềm làm bằng những bao tải nhập từ Hà Lan chứa đầy cát ở biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) khiến vài du khách không khỏi giật mình. Mới đây thôi, dãy dừa đẹp thơ mộng của bãi biển Cửa Đại là chốn dừng chân tấp nập khách. Nay biển lở, bãi vắng hoe. Vài vị khách Tây ghé, đứng trên những bao tải khổng lồ, xếp chồng lên nhau nhìn như vảy cá sấu, bấm vài tấm ảnh bên biển cuộn sóng hung dữ rồi vội vã ra đi, chẳng ai thèm ghé hàng quán ngồi ngắm biển thơ mộng, hay tựa lưng gốc dừa nghỉ mát, đọc sách, tình tứ như xưa.

Chiếc mũ phớt trùm kín mắt, ông co mình nằm gọn trên hai chiếc ghế nhựa, đánh giấc ngủ trưa ngon lành. Ngoài kia, tiếng sóng đánh rào rào chát chúa vào những khoảng trống bờ kè không đủ làm ông thức giấc. Bao nhiêu năm gắn mình với Cửa Đại, ông đã quá quen với âm sắc nơi đây. Biển đang ru ông ngủ. Phía xa, vài chị em cũng trải chiếu, dưới những lá dừa xòe ô che mát, họ ngủ ngon lành vì vắng khách. Có lẽ trong giấc mơ trưa của họ bãi biển của ngày xưa đang hiện.

“Ngày nào chị em cũng khấn cầu hết, mong sao biển thôi đừng sạt lở. Xót lắm. Nhưng rồi, biển lở vẫn cứ lở!”.

 Trần Thị Năm

Người đàn ông có dáng ngủ khắc khổ ấy và cũng là người đàn ông duy nhất của 12 hộ dân buôn bán hàng nước ở đây là ông Nguyễn Bi mà dân làng trong vùng ai cũng biết.

Đánh thức bằng mấy tiếng gọi lớn, ông Bi mới tỉnh dậy, vui vẻ vì sáng đến trưa giờ mới có khách mở hàng. “Ngày trước, biển chưa lở khách đông nườm nượp, bán sướng lắm. Giờ biển tan tành, chẳng mấy ai ghé quán nữa. Có hôm không bán được trái dừa nào” ông vừa chặt dừa vừa nói chuyện với khách. Kéo ghế ngồi, ông Bi cau mày, nét buồn đăm chiêu hiện rõ khi khách hỏi chuyện biển, chuyện đời, chuyện nghề.

Hơn nửa đời người gắn mình với bãi biển này cuộc đời ông cũng như biển lúc êm ái, lúc thơ mộng nhưng cùng đây cuồng phong bão táp, tan tành như biển trưa nay. Tính từ ngày vợ mất, ông bảo “nối nghiệp” của vợ đã được tròn 3 năm. Cái nghề hàng nước đáng ra là của đàn bà, nhưng rồi không công ăn việc làm nghèo khó bủa vây thì kẻ vai u bắp thịt như ông cùng đường cũng phải theo bà ra đây phụ bán, chắt bóp nuôi con.

Ông Bi kể, hai vợ chồng quen nhau rồi yêu nhau cũng bên những rặng dừa của bãi biển này. Cửa Đại gắn bó với thời trai trẻ, tuổi xuân và với cuộc mưu sinh của hai vợ chồng ông. Hai đứa con ra đời cũng sớm theo cha mẹ ra đây, để tiếng sóng ngủ và vị mặn của biển ngấm vào da thịt giúp chúng mau lớn nhanh.

Ngày đó, những rặng dừa ngút ngàn, xa tít ra ngoài phía biển kia, khách đông vợ chồng ông làm ăn, tích góp nuôi con ăn học. Bao nhiêu khổ cực vợ chồng ông dành hết về mình để mong đời con thoát kiếp cơ hàn. Con học hành rồi đi làm, lập gia đình ở xa. Niềm vui bên con cháu, khi tuổi xế bóng chưa được hưởng thì vợ qua đời vì bạo bệnh. Bà bỏ ông, bỏ bãi biển, bỏ những rặng dừa ra đi để ông lầm lũi với cuộc mưu sinh nơi sóng gió.

Hai đứa con bảo đưa ông vào Nam sống với chúng nhưng ông không chịu. Ông bảo với chúng rằng, cuối đời ông muốn gắn bó với biển Cửa Đại, với rặng dừa đã in hằn hình bóng vợ thân yêu. Bởi thế, ông bảo mấy ngày sóng lớn, chỉ sợ biển sẽ lại đánh sâu, nuốt nốt mấy hàng dừa còn lại chỗ bà vẫn hay ngồi thì buồn, đau lắm.

Phận người bên biển lở ảnh 1

 Ông Nguyễn Bi, buồn rầu bên biển lở.

“Buồn lắm. Từ ngày bà mất, hàng ngày tôi ra đây để tìm vui là chính, lời lỗ đủ ăn qua ngày là được. Từ ngày biển lở, bãi bờ tan hoang, bán không đủ… uống chứ nói gì đến ăn. Cứ đà này, không biết rồi đây có còn chỗ mà ngồi bán nữa hay không”. Tiếng thở dài của ông theo tiếng sóng đánh tan vào hư không.

Mối đe dọa được cảnh báo

Gió về chiều thổi mạnh hơn, khiến dáng người phụ nữ ấy liêu xiêu hơn trước biển. Chưa tới 4 giờ chiều nhưng bà phải dọn hàng quán mình để nhường cho mấy người bán quán nhậu. Bảo là hàng quán nhưng tôi nhẩm đếm gia tài bà chỉ có 5 chiếc bàn, chục chiếc ghế, với mấy chai nước ngọt, mấy quả dừa nằm lăn lóc. Từng ấy thôi, nhưng đã giúp bà nuôi 4 con ăn học, 3 đứa đã ra trường có công ăn việc làm, cậu con trai út đang là sinh viên năm 3 ĐH Nông lâm Huế.

Bà là Trần Thị Năm đã ngồi bán ở đây ngót gần 20 năm. Bà Năm tâm sự: những chị em ở đây buôn bán ai cũng nghèo khổ. Được phường và thành phố tạo điều kiện, ra đây có chỗ buôn bán nên ai cũng phấn khởi. Từ ngày biển lở, tất cả chỉ biết nhìn nhau mà khóc ròng.

Bà kể rằng, gần 30 năm trước, Cửa Đại từng một lần sạt lở lớn. Đó là vào những năm 1987 - 1988. Lần đó, dân làng xin chính quyền lập đàn cầu tế 3 ngày 3 đêm. Lúc ấy, biển bồi trở lại. Và cũng với niềm tin ấy, cuối năm 2013 khi biển sạt lở, một đàn cầu tế cũng được lập nên chỗ biển lở ngay trước mặt bà. Hôm đó, ngoài dân làng còn có các chủ, quản lý các khách sạn, resort. Họ cũng đến khấn cầu biển đừng lở để cứu lấy những công trình trăm, nghìn tỷ đang bị biển ăn dần. Riêng chị em khấn cầu biển đừng lấy đi những rặng dừa để chị em còn có chỗ mưu sinh nuôi con cái, gia đình. Những chân hương cắm dài trên bãi biển ngay dưới những bao tải lớn hàng ngày là của chị em. Bà Năm bảo: “Ngày nào chị em cũng khấn cầu hết, mong sao biển thôi đừng sạt lở. Xót lắm. Nhưng rồi, biển lở vẫn cứ lở!”.

Nhìn Cửa Đại nham nhở, tôi lại nghĩ dường như thần linh đã không nghe thấu lời khấn cầu của dân làng. Hay là chính thần linh cũng đang bất lực trước con người, khi mà các chuyên gia trong và ngoài nước tại các hội thảo khoa  học tìm cách cứu biển Cửa Đại cảnh báo rằng: Sạt lở biển Cửa Đại là do thủy điện. Việc các nhà máy thủy điện phía thượng nguồn hệ thống Thu Bồn giữ lại một lượng cát lớn khiến hạ du thiếu hụt, mất cân bằng cát. Cát không đủ để bồi sau những lần sạt lở.

Phận người bên biển lở ảnh 2 Giấc ngủ trưa bên biển lở vắng khách.
…Tôi đếm số gốc dừa còn lại ở bãi biển công cộng này gần bằng số lượng 31 chị em bán hàng nước, hàng rong. Mỗi người mỗi cảnh nhưng tựu chung ai cũng nghèo khó. Mấy chục năm qua, họ quang gánh ra biển, dìu dắt nhau dưới bóng dừa mưu sinh. Dáng người như dáng dừa trước gió bão. Họ bảo rằng: hết tháng này là vào mùa mưa bão, tất cả phải nghỉ bán đi làm “thợ đụng”. Bên nỗi lo cơm áo, họ còn canh cánh nỗi lo biển sẽ cướp nốt những rặng dừa bãi cát còn lại của bãi biển Cửa Đại. Tiếng sóng như tiếng lòng khi biển ngày đêm gặm nhấm bãi bờ nham nhở. Những thân cò với cuộc mưu sinh cũng như những rặng dừa cuối cùng kia, gồng mình chịu chống chọi với sóng biển một cách yếu ớt và ngã nhào xuống biển lúc nào không hay.

Bản thân họ, cũng mong manh những phận dừa!

Nhiều lần lên thượng nguồn Thu Bồn nơi các nhà máy thủy điện ngự trị vào mùa nước kiệt, nhìn bát ngát bãi bồi, bãi cát trong các lòng hồ nằm lại trên non, mới thấy cảnh báo về “cái chết” của Cửa Đại là có cơ sở. Và rùng mình hơn khi đọc kết quả nghiên cứu của Chương trình hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 – 2015 do UBND tỉnh Quảng Nam ban hành, dự báo đến năm 2020, gần 1/3 Hội An sẽ bị nhấn chìm do biến đổi khí hậu. Thiên tai hay nhân tai? Thần linh có cứu được Cửa Đại và Hội An khỏi những nguy cơ đã được cảnh báo?!

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.