Khát vọng lên bờ

Phận người gạo chợ, nước sông

Anh Nguyễn Văn Trang thu mẻ lưới đầu tiền của ngày mới trên hồ Suối Hai (Ba Vì)
Anh Nguyễn Văn Trang thu mẻ lưới đầu tiền của ngày mới trên hồ Suối Hai (Ba Vì)
TP - Sinh ra đã ở trên cái thuyền này rồi. Học hành không, ngoài đánh cá, nghề nghiệp nào trên bờ cũng không, đến tấc đất mong được cắm dùi cũng không nốt thì biết làm gì. Cứ xuôi dọc các dòng sông thôi. Sông này hết tôm, hết cá thì tìm đến con sông khác. Tất cả các con sông ở miền Bắc này, tôi đi hết rồi....”, ngư dân Nguyễn Văn Trang chia sẻ với chúng tôi khi vừa thả những mẻ lưới trên hồ Suối Hai (Ba Vì, Hà Nội).

Nghề theo đuôi cá

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến những phận người xuất thân từ tổ 18 Bãi (Đồng Mai, Hà Đông) đang lênh đênh trên sóng nước tại hồ Suối Hai như đã hẹn trước đó. Dưới cái nắng như thiêu, như đốt của đầu hè, trên chiếc thuyền đóng bằng xi măng, chị Nguyệt (vợ anh Trang) đang chuẩn bị bữa cơm trưa đạm bạc. Thấy chúng tôi, chị chụm tay gọi lớn ra phía góc hồ bên kia “Anh Trang ơi, mấy chú nhà báo đến rồi này”. Chờ khoảng 15 phút anh Trang chèo chiếc thuyền sắt cập bờ đón chúng tôi.

Vừa gạt những giọt mồ hôi còn đọng đầy trên mặt, vừa neo thuyền, anh Trang vừa hồ hởi: “Nắng thế này, các anh đến làm gì cho mệt. Tôi cũng vừa thả nốt mẻ lưới xong”.

Thuyền nhỏ cập về “tư dinh”, anh Trang vừa dặn vợ pha trà, vừa giới thiệu “Mời các anh lên thăm tư dinh của gia đình tôi. Mấy năm trước cả nhà 5 người cơ, nhưng phải gửi các cháu về quê cho ăn học thôi, chứ cứ lênh đênh thế này thì khổ lắm. Đời bố tôi rồi đời vợ chồng tôi, chả nhẽ đời chúng cũng lại theo nghề này nữa”, anh Trang chia sẻ.

Vừa rót chén trà, anh Trang vừa tâm sự, anh sinh năm 1978, tuy người gốc Hà Nội nhưng được cha mẹ sinh ra trên dòng sông Cầu thuộc huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang bây giờ). Ba tuổi anh đã biết cầm chèo, 5 tuổi biết thả lưới, thả rọ bắt cá, tôm. “Lên 6 tuổi vào lớp một, nhưng học được mấy tháng lại theo bố mẹ rong thuyền đi nơi khác. Ba năm học lớp 1 ở 3 nơi khác nhau, khi có giấy gọi nhập học lớp 2 thì tôi cũng bỏ, không học nữa”, anh Trang cho biết.

Cứ nơi nào có cá là gia đình anh lại neo thuyền để đánh bắt. Cuộc sống nay tỉnh này, mai có khi đã ở trên một dòng sông của tỉnh khác. “Khắp các tỉnh miền Bắc con sông nào cũng có dấu mái chèo tôi đến. Sông này hết cá thì đi sông khác, miễn sao đánh được cá, mang ra chợ bán để đổi gạo nuôi nhau”, anh Trang tâm sự.

Đến khi bước vào tuổi đôi mươi, anh cưới vợ. Vợ anh là người cùng xóm, cũng là người cùng cảnh ngộ. Khi chúng tôi đặt câu hỏi: Sao anh lấy vợ sớm thế? Anh Trang vừa gượng cười và trả lời thật đến nao lòng: Thì phải lấy thôi chứ một mình mình thả lưới rồi thì lấy ai chèo thuyền cho. Có thế, các cụ nhà tôi mới có thơ rằng “Bồng bềnh một chiếc thuyền nan/ Ngược xuôi, xuôi ngược tay nàng đung đưa/ Em ơi sóng gió không nề/ Chồng mũi vợ lái giữ nghề nuôi con”.

Sau khi lấy vợ, mấy năm sau, ba người con của anh lần lượt chào đời trên con thuyền vỏn vẹn chưa đầy chục mét vuông. “Mỗi đứa đẻ một tỉnh khác nhau. Đứa thì được đẻ trạm xá xã, đứa thì đẻ ngay trên thuyền. Nhưng được cái chúng cứ lớn thồi thồi, chả ốm đau gì”, anh Trang nói.

Khoảng gần một năm trở lại đây, gia đình anh Trang bắt đầu mưu sinh trên hồ Suối Hai này “mỗi tháng phải đóng tiền phí dịch vụ (đánh rọ tôm - PV) 3,5 triệu đồng cho chủ hồ, còn đánh lưới thì đóng thêm phí nhiều hơn, nhưng chỉ được phép khai thác ở khu vực theo giờ, còn ban đêm khu vực lòng hồ họ cấm. Nếu may đánh được con cá to cũng phải thả xuống, chứ không được mang về. Nếu tham mà lấy, bị phát hiện sẽ bị phạt rất nặng”, anh Trang cho biết.

Phận người gạo chợ, nước sông ảnh 1 Chị Nguyệt (vợ anh Trang) đang chuẩn bị bữa trưa trên “tư dinh” của hai vợ chồng

Chỉ như đánh bắt thuê

Chúng tôi hỏi: Vì sao anh lại chuyển từ lòng hồ Hòa Bình về Suối Hai để đánh bắt? Anh Trang lục dưới đáy thuyền lên cuốn sổ da đóng gáy vuông vắn, giơ ra như lý do “Cuốn sổ này ghi các khoản nợ. Tôi chuyển nhiều chủ rồi đấy! Đây là cuốn sổ ghi nợ của bà chủ tôm trước khi về đây”. Mở sổ ra, quá nửa cuốn chi chít những thống kê chi tiết từng khoản thu chi mấy năm qua: Từ năm 2014, khi mới quay lại sông Đà, được bà chủ đầu tư  mua rọ với kinh phí là 40 triệu đồng, chốt sổ đến ngày 16/5/2017 (thời điểm gia đình anh chuyển về hồ Suối Hai - PV) gia đình anh Trang vẫn còn nợ 38 triệu đồng.

Cuốn sổ này còn thống kê đầy đủ từ cái kim sợi chỉ, ăn tiêu hằng ngày, tất tật do bà chủ cung cấp: “Chúng tôi có thuyền đi đánh bắt nhưng chẳng khác gì người làm thuê. Lúc lên sông Đà, chẳng có gì ngoài chiếc thuyền mang đi. Những rọ tôm, lưới cá được chủ bỏ tiền ra ứng trước mua đầu tư cho. Mới đầu, bỏ kinh phí ra đầu tư vài nghìn chiếc rọ, mỗi cái có giá 7 - 8 nghìn đồng nhưng thả chưa đầy tháng rách nát hết, hết tháng lại phải đầu tư thêm. Tôm, cá đánh bắt về cân cho chủ, trừ hết nợ mới được lấy tiền”, anh Trang nói.

Anh Trang kể tiếp: Mỗi tối thả 2-3 nghìn rọ, sáng ra thu về đem cân. Hôm được thì kiếm hơn chục kg tôm thu 6-7 trăm nghìn đồng còn dư tiền trả nợ. Hôm ít thì chỉ thu  được dăm ba cân, trừ tiền xăng dầu, mồi, ăn uống thì lỗ vốn. Nhiều lần thấy chủ tôm cân rẻ quá, biết bị ép giá, muốn mang lên bờ bán nhưng trên rừng núi không biết đi đâu, bán cho ai, nên đành chấp nhận.

Anh Trang cho biết, khi có ý định về hồ Suối Hai để đánh bắt, anh cũng lên chốt sổ nợ, trình bày hoàn cảnh với bà chủ tôm. Họ cũng không giữ vì đã hiểu hoàn cảnh và thông cảm. Họ nói “có tiền thì gửi trả sau” nhưng không vì thế mà “có ý định trốn hay quỵt nợ...”.

Nhắc đến con cái, anh Trang cho hay: Đứa con gái lớn năm nay vừa tròn 19 tuổi. Theo bố mẹ từ bé, mới đây về thăm quê có người thương, rồi tìm hiểu, đồng ý lấy nhau. “Tôi vay mượn anh em làng xóm ít tiền tổ chức đám cưới cho cháu đỡ tủi. Còn hai đứa bé đang gửi học ở nhà, cứ đến tháng xoay không kịp lại điện về nhờ ông bà vay nộp tiền học, vài hôm gom đủ lại gửi về bù”, anh Trang tâm sự.

(Còn nữa)

Khi chúng tôi hỏi: Anh có ý định lên bờ lập nghiệp không? Anh Trang ngùi ngùi: Trả hết nợ mới mong về. “Tôi cũng muốn lắm và đã từng tính chuyện lên bờ. Mấy năm trước để vợ chồng khăn gói về quê, quyết tâm đi học lấy bằng lái xe taxi, nhưng đi không thạo, đường không thông, làm chẳng được bao nhiêu, nên sớm bỏ. Vợ tôi lại không biết chữ, đến về quê, chồng cũng phải đưa đi bắt xe, thử hỏi ngoài làm ruộng thì về nhà làm được gì? Hàng trăm cây số đường sông, chỗ nào, xóm nào chúng tôi cũng biết, nhưng trên bờ mang tiếng cư dân Hà Nội, nhưng không biết lăng Bác Hồ ở đâu”, anh Trang ngậm ngùi.

MỚI - NÓNG