Pháp lệnh Dân số: Cần các biện pháp mạnh hơn

Pháp lệnh Dân số: Cần các biện pháp mạnh hơn
Đó là kiến nghị của ông Lê Văn Diêu - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - xung quanh việc xử lý các hành vi vi phạm Pháp lệnh Dân số...
Pháp lệnh Dân số: Cần các biện pháp mạnh hơn ảnh 1
Ảnh minh họa

Sau khi bài Xuất hiện nhiều dịch vụ sinh con theo ý muốn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Diêu. Ông Diêu cho biết: Tôi rất hoan nghênh báo Tiền phong góp tiếng nói hết sức thẳng thắn trong vấn đề dân số hiện nay. Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của bài báo.

Cần khẳng định rằng, nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi là một nội dung quan trọng của Pháp lệnh Dân số. Đấy là nội dung mang tính chất nhân đạo, là chiến lược lớn của Chính phủ nhằm đảm bảo cân bằng giới tính và, suy rộng ra là, đảm bảo an ninh quốc gia.

Xin ông cho biết quá trình giám sát việc thực thi Pháp lệnh Dân số thời gian qua cho thấy điều gì?

Tuy chưa có các thống kê hoàn chỉnh do Pháp lệnh Dân số còn mới mẻ (có hiệu lực từ tháng 5/2003), nhưng có thể nhận định, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại và nặng nề ở không ít địa phương. Có những gia đình con trai được chăm bẵm hơn con gái. Nhiều gia đình vỡ kế hoạch do cố sinh con trai.

Để thực thi tốt hơn Pháp lệnh Dân số, theo ông, Chính phủ cần phải làm gì?

Chính phủ đang soạn thảo một nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực dân số. Cá nhân tôi có quan điểm, trong việc thực thi Pháp lệnh Dân số, không chỉ các bác sĩ thực hiện kỹ thuật can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi, ngay cả những người “truyền miệng” các biện pháp liên quan, đều phải bị xử lý.

Những hành vi ấy tạo tâm lý xấu cho xã hội, không chỉ gây mất cân bằng giới tính mà, sâu xa hơn, còn dẫn đến bất bình đẳng giới. Đây là điều mà xã hội ta không thể chấp nhận được.

Ngoài ra, tôi kiến nghị Chính phủ cần có các biện pháp mạnh hơn nữa về hành chính và quản lý. Cần quy trách nhiệm rõ cho những người đứng đầu các cơ quan, địa phương. 

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Trung - Giám đốc TTYT huyện Đan Phượng - cho biết: TTYT Đan Phượng vẫn đang tiến hành xem xét, thu thập chứng cứ, tư liệu về vụ việc BS T. sử dụng kỹ thuật siêu âm can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi.

“Chúng tôi phải tìm hiểu thấu đáo. Không thể chỉ dựa vào dư luận để kỷ luật cán bộ. Nếu dựa vào dư luận, chúng tôi sợ rằng nhân viên của mình sẽ bị oan” - Ông Trung nói.

Mặt khác, Pháp lệnh cần tiếp tục được thể chế hóa. Chính phủ phải có những quy định cụ thể để xử lý.

Với trường hợp 1 BS  ở Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng (Hà Tây) vi phạm Pháp lệnh Dân số, theo ông, cần phải xử lý như thế nào?

Theo những thông tin trên báo Tiền phong, tôi cho rằng BS này có ý đồ từ lâu. Trước tiên BS này cần phải giải trình trước cơ quan về sai phạm của mình. Căn cứ vào thái độ thành khẩn, mức độ vi phạm nhiều hay ít, hậu quả đến đâu…, để có hình thức xử lý thích hợp, từ khiển trách, giáo dục đến phạt hành chính, kỷ luật. Kỷ luật bằng hình thức nào phụ thuộc vào Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng.

Cũng cần phải nói rằng, không nên cứng nhắc trong công tác xử lý. Dân gian ta có câu “Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”. Nếu người vi phạm thành khẩn và không tái phạm, nên mở một con đường cho họ.

Ngược lại, cần phải áp dụng các biện pháp xử lý mạnh hơn, cao hơn như đưa ra pháp luật.

Xin cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG