Pháp muốn làm mới hình ảnh của mình qua Việt Nam

Pháp muốn làm mới hình ảnh của mình qua Việt Nam
TP - Từ khoang VIP của chiếc chuyên cơ rời Paris, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Tiền phong.
Pháp muốn làm mới hình ảnh của mình qua Việt Nam ảnh 1
Thủ tướng Pháp Francois Fillon và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chứng kiến việc ký kết Ý định thư tài trợ khôi phục cầu Long Biên  Ảnh: Đức Tám - TTXVN

Lần đầu phát biểu trước Đại hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, xin Thủ tướng chia sẻ tâm trạng của mình?

Khi trình bày đến đoạn Bác Hồ gửi thư tới khóa họp đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đề nghị công nhận quyền độc lập của dân tộc Việt Nam vừa giành được và thiết tha đề nghị Việt Nam vào LHQ... tôi rất xúc động, đã hơi bị nghẹn lời.

Bao nhiêu là xương máu, bao nhiêu là tâm sức gắng gỏi của dân tộc để Việt Nam có vị thế hôm nay trên trường quốc tế. Càng ngẫm lại càng thấy sự vĩ đại trong tầm nhìn sức nghĩ và sự hành xử của Bác Hồ.

Nếu như đề nghị tha thiết của Người năm 1946 được chấp thuận là Việt Nam DCCH được kết nạp vào thời điểm năm 1946 thì có lẽ bước đường trường chinh đến đích độc lập tự do của dân tộc ta bớt dằng dặc lẫn gian nan khổ đau như đã từng trải qua.

Khi thoáng thấy các vị Đại sứ, đại diện nhiều quốc gia xếp thành một dãy dài để đợi bắt tay Thủ tướng Việt Nam, tôi rất bồi hồi bởi thời điểm này mình đang là người thay mặt đại diện cho nhân dân mình, đất nước mình đang nhận sự đồng thuận, sự công nhận của cộng đồng quốc tế với một Việt Nam đổi mới ổn định và đi lên.

Khi Đại sứ Hoa Kỳ bắt tay và vui vẻ nói rằng sắp tới Hoa Kỳ sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong công việc điều hành ở Đại hội đồng LHQ, tôi chợt nhớ đến cái bắt tay, thái độ và cung cách của Tổng thống Bush cùng phu nhân trong buổi tiệc tiếp tân của Tổng thống Mỹ và phu nhân chào mừng các Trưởng đoàn và phu nhân các nước.

Tổng thống Bush nói đại ý “Xin chào người bạn Việt Nam. Tôi và Laura rất vui khi gặp lại Ngài cùng phu nhân...”. Thường khi trong các cuộc chiêu đãi, bấy nhiêu lời hỏi thăm, vậy cũng đã là nhiều...

Nội các mới của nước Pháp tiếp một nguyên thủ nước ngoài và cũng là lần đầu Thủ tướng đặt chân đến Điện L’Elysée. Thủ tướng cho biết cảm tưởng của mình?

Tổng thống Pháp N. Sarkozy đã hoan nghênh kết quả cuộc hội đàm giữa Thủ tướng cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại điện Matinhông. Đó là cơ sở để hai nước Pháp - Việt tiếp tục là người bạn thủy chung, tiếp tục  đưa mối quan hệ hai nước lên thành đối tác chiến lược.

Tổng thống Pháp cũng thể hiện mong muốn làm mới hình ảnh nước Pháp ở Đông Nam Á qua hình ảnh một Việt Nam năng động, sẵn sàng hợp tác với nhau trên nhiều lĩnh vực trên cơ sở các bên cùng có lợi.

Qua việc hội kiến với Tổng thống Pháp, tôi biết đây là thời cơ để hai nước gặp gỡ nhau nhiều lĩnh vực hợp tác. Không chỉ có 13 hợp đồng đã ký. Người ta đã nói nhiều đến hình ảnh đến dấu ấn của nước Pháp qua con đường sắt xuyên Đông Dương thuở nào. Nhưng nay thì đã lạc hậu. Sắp tới việc làm mới con đường sắt xuyên Việt ấy  trở thành đường sắt cao tốc với hình thức đầu tư bằng vốn vay ưu đãi, chính là việc làm mới hình ảnh của nước Pháp!

Mà không chỉ có con đường sắt cao tốc. Rất nhiều dự án kinh tế về nhà máy điện nguyên tử, về khai thác dầu khí... Những đường nét đã thành hình của một nước Pháp muốn thông qua Việt Nam để làm mới hình ảnh của mình. Sẽ như thế nào nếu sự phát triển của ngôn ngữ Pháp của tổ chức Francophoni như lâu nay sẽ sinh sắc và phát triển cùng với sự xôm tụ làm ăn kinh tế với nhiều nước ASEAN và châu Á trong đó điểm nhấn là Việt Nam?

Tôi đã chuyển lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mời Tổng thống N.Sarkozy thăm hữu nghị chính thức Việt Nam và Tổng thống N. Sarkozy đã vui vẻ nhận lời. Có lẽ năm 2008, Tổng thống Pháp N. Sarkozy sẽ là quốc khách của Việt Nam. Một chuyến thăm tiếp tục mở ra những triển vọng và những việc làm mới của hai đối tác chiến lược với nhau.

Tai nạn sập cầu Cần Thơ ập đến khi Thủ tướng đang có những ngày hanh thông trên mặt trận đối ngoại. Có khoảnh khắc nào Thủ tướng nghĩ là sẽ rút ngắn thời gian của chuyến thăm trở về nước sớm hơn?

Tôi và nhà tôi cũng như tất cả mọi thành viên của đoàn đại biểu Việt Nam đều sững sờ và đau buồn khi nghe tin dữ ấy! Người đứng đầu của chính phủ và một số nguyên thủ thường rút ngắn những chuyến công du ngoại quốc khi trong nước nếu xảy ra những sự cố này khác trong đó có tai nạn, sự cố thiên tai. Tôi nghĩ đó là một việc làm bình thường và là hành xử cần thiết, là lương tâm trách nhiệm của chính khách cũng như người đứng đầu Chính phủ.

Nhưng đoàn đại biểu Việt Nam đã quyết định giữ nguyên lịch trình của chuyến thăm vì chúng tôi tin vào hệ thống của mình khi điều hành công việc nếu không may xảy ra những sự cố tương tự như việc sập cầu Cần Thơ. Cùng với sự điều hành nhạy bén trong công tác chỉ đạo của Bộ Chính trị, cùng với sự phối hợp chặt chẽ bén nhạy hiệu quả của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong việc điều hành công tác khắc phục hậu quả. Những cơ quan, cá nhân có trách nhiệm đã nhận được những mệnh lệnh công việc cần thiết.

Ở những thời gian nhất định, tôi luôn nhận được mọi thông tin cần thiết và có những phản hồi cụ thể. Những công việc đã và đang diễn ra trong công tác khắc phục hậu quả là câu trả lời cho công tác điều hành của Chính phủ đang không ngừng cải tiến và đã được tập dượt ít lâu nay nhằm ứng phó với mọi tình huống phát sinh trong công tác điều hành.

Cộng cả với sự may mắn là sự đồng lòng sự chia sẻ của chính quyền các địa phương, của nhân dân cả nước trước đau thương mất mát này. Bây giờ là 12 giờ đêm giờ Việt Nam. Cơn bão số 5 đã và đang vào miền Trung. Tôi đã xác định ngay ngày mai, tôi và hệ thống của mình sẽ có những ngày bận rộn.

Xin cảm ơn Thủ tướng đã dành cho Tiền phong cuộc trao đổi cởi mở này.

Xuân Ba
Thực hiện

MỚI - NÓNG