Phát dại đến chết vì tin thầy lang

Tiêm phòng chó dại cắn ở Thái Nguyên. Ảnh: Phạm Sơn
Tiêm phòng chó dại cắn ở Thái Nguyên. Ảnh: Phạm Sơn
TP - Thời gian qua Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư tiếp nhận một số bệnh nhân dại nhưng không đi tiêm phòng vì thầy lang chẩn đoán không cần tiêm phòng vắc-xin dại sau khi bị chó cắn. Tất cả các trường hợp này đã tử vong vì bịlên cơn dại.

Mới đây nhất, Khoa Cấp cứu của bệnh viện này tiếp nhận bệnh nhân nam 12 tuổi N.H.H (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), bị chó cắn vào bắp chân.

7 ngày sau gia đình giết thịt con chó để ăn, được người quen mách địa chỉ thầy lang có thể phát hiện có phải chó dại cắn hay không nên gia đình bệnh nhân bỏ ý định cho con đi tiêm phòng vắc-xin và huyết thanh phòng dại. Thầy lang khẳng định, con chó cắn bệnh nhi không bị dại. Tin tưởng thầy lang, gia đình không cho con tiêm phòng.

26 ngày sau khi bị chó cắn, bệnh nhân không ngủ được, xuất hiện dấu hiệu vật vã, kích thích, sợ nước, sợ gió, sợ tiếng động. Bệnh viện Nhi Thái Bình chẩn đoán bệnh nhân bị dại và chuyển lên BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư ngày 17/5 vừa qua. Một ngày sau, gia đình xin cho bệnh nhi về và tử vong tại nhà vì không còn khả năng cứu chữa.

Trước đó, một bệnh nhân nam sống tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cũng tin lời thầy lang khẳng định không bị chó dại cắn nên không tiêm phòng và đã tử vong tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư vì lên cơn dại. Người nhà bệnh nhân cho biết, thầy lang dùng lá xát vào vết chó cắn, thấy không hiện vết cắn trên lá thì thầy lang khẳng định con chó không bị dại và bệnh nhân không cần tiêm phòng, không phải chữa trị gì.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó khoa Cấp cứu BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư khuyến cáo, người dân không nên tin lời bất kỳ thầy lang nào trong việc xoa, xát lá lên vết thương để khẳng định chó cắn người có dại hay không. Việc làm này dẫn đến tử vong cho bệnh nhân nếu không may con chó đó bị dại mà bệnh nhân lại không đi tiêm phòng như những trường hợp kể trên.

Trung bình một năm BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư tiếp nhận từ 50-70 bệnh nhân dại. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 10 bệnh nhân nhập viện. Bác sĩ Cấp cho biết thêm, hiện nay vắc-xin phòng dại được nuôi cấy trên tế bào nên ít tác dụng phụ hơn vắc-xin dại thế hệ cũ, độ an toàn cao hơn.

Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Phần lớn các trường hợp bị dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Bác sĩ Cấp khẳng định, khi người hay động vật lên cơn dại đều tử vong.

Trên thế giới mới chỉ có 5 ca bệnh dại được chữa khỏi. Tuy nhiên, đây đều là những ca dại do dơi cắn hoặc trước đó bệnh nhân đã được tiêm phòng vắc-xin phòng dại nhưng chưa kịp phát huy tác dụng trọn vẹn nên bệnh cảnh không nặng.

Người bị chó dại cắn có thời gian ủ bệnh sớm nhất là vài ngày, có người kéo dài đến vài năm. Thông thường người bị bệnh thường ủ bệnh trong khoảng từ 3-6 tháng. Nếu bị chó dại cắn càng gần dây thần kinh trung ương thì càng phát bệnh nhanh. Do đó, bác sĩ khuyến cáo, những người bị cắn ở vùng đầu mặt cổ thì cần tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt, trong vòng 12 tiếng kể từ khi bị chó cắn.

Theo bác sĩ Cấp, người bị chó cắn khi không tiêm phòng, hoặc tiêm quá muộn khi bệnh đã phát ra thành bệnh dại, giai đoạn ban đầu người bị bệnh sẽ cảm thấy: bồn chồn, mất ngủ lo lắng, sau hoảng hốt kích thích, đến lúc phát bệnh điển hình thì sợ nước, sợ gió, một số bệnh nhân tăng tiết nước bọt, nam giới xuất tinh tự nhiên. Khoảng một tuần sau khi phát bệnh, bệnh nhân sẽ tử vong.

Hiện nay y học chưa thể chẩn đoán một người bị chó cắn thì có bị dại hay không. Vì vậy, nếu một người bị chó cắn mà không chắc về tình trạng sức khỏe của con chó thì nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng. Bên cạnh đó, phải theo dõi con chó đã cắn người trong khoảng 10 ngày, nếu sau đó mà con chó vẫn bình thường, không phải chó dại thì có thể dừng tiêm.

MỚI - NÓNG