70 năm Quốc hội Việt Nam

Phát huy quyền tự do dân chủ những ngày đầu

Tự do bầu cử phản ánh ý chí của nhân dân.
Tự do bầu cử phản ánh ý chí của nhân dân.
TP - PGS. TS Vũ Văn Nhiêm, Trưởng Khoa Luật Hành chính -  Nhà nước (Trường Đại học Luật TPHCM) chia sẻ những bài học quý giá từ thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 và những bài học rút ra, nhằm tiếp tục đổi mới công tác bầu cử trong thời gian tới.

Vượt lên muôn vàn khó khăn, thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đã trở thành một mốc son lịch sử của thể chế dân chủ ở Việt Nam. Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thành công trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, vì Chính phủ lâm thời, đứng đầu là Bác Hồ đã đặt niềm tin sâu sắc vào nhân dân, trên cơ sở tôn trọng tự do trong bầu cử. Tôn trọng tự do có thể coi là một bài học vô cùng bổ ích hiện nay.

Việc tôn trọng tự do của công dân trong bầu cử không có nghĩa phải nhất nhất có từ “tự do” trong mọi quy định. Tinh thần tự do trong bầu cử là sự tôn trọng ý chí của công dân, tự do lựa chọn nơi (hoặc cách thức bầu cử) trong phạm vi pháp luật cho phép, tự do thể hiện chính kiến, tự do hội họp, tự do ứng cử... Tuy nhiên, tự do không có nghĩa là thích làm gì thì làm, mà tất cả các hoạt động phải được tiến hành trong khuôn khổ của pháp luật. Ứng cử tự do là một nội dung quan trọng của bầu cử tự do.

Trừ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, các cuộc bầu cử sau này, công tác vận động bầu cử chưa thực sự được coi trọng, còn cứng nhắc và mang nặng tính khẩu hiệu. Nhiều cử tri đi bầu không biết hoặc hiểu biết rất ít, thậm chí không cần biết về các ứng cử viên. Những thông tin ít ỏi chủ yếu cóp nhặt thông qua trích ngang của các ứng viên tại nơi bỏ phiếu. Điều đó dẫn đến hệ quả là cử tri thường bầu cho qua chuyện, việc lựa chọn mang nặng cảm tính. Thậm chí khi bầu xong, cử tri không còn nhớ mình đã bầu cho ai, họ có trúng cử không, họ làm gì, hoạt động ra sao?

Một cuộc bầu cử mà không có tranh cử thì không phải là bầu cử đúng nghĩa. Ngược lại cũng rất nguy hiểm nếu như quá trình cạnh tranh, vận động tranh cử tự phát mà không có khuôn khổ pháp lý minh bạch. Do vậy không những chính thức thừa nhận mà pháp luật bầu cử cần quy định công khai, minh bạch về vận động tranh cử. Nếu không thừa nhận, hoặc quy định không rõ ràng thì nguyên tắc bầu cử tự do, bình đẳng sẽ bị ảnh hưởng và không được đảm bảo.

Bầu cử tự do, công bằng, cạnh tranh là bầu cử tiến bộ và là xu hướng phổ biến hiện nay trên thế giới. Bởi tự do bầu cử mới phản ánh đúng ý chí của nhân dân. Bầu cử công bằng là đỉnh cao nhất và toàn diện nhất của bình đẳng, mà bình đẳng là hạt nhân của dân chủ. Còn bầu cử cạnh tranh là phương thức tốt nhất để lựa chọn người đại diện thực sự của dân, do dân và vì dân.

MỚI - NÓNG