Phạt nặng việc vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá

Phạt nặng việc vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá
TP - Chiều qua, 25/10, Quốc hội (QH) thảo luận ở Hội trường Bộ Quốc phòng về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Phạt nặng việc vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá ảnh 1
Ảnh minh họa: www.khoahocphattrien.com.vn

Theo ông Đặng Vũ Minh - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - về xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, mức phạt tiền đã được quy định trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe (theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 14 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì mức phạt tiền tối đa là 20 triệu đồng đối với hành vi vi phạm về chất lượng hàng hoá) dẫn đến việc thực thi pháp luật không nghiêm.

Vì vậy, Ủy ban thường vụ QH tán thành với việc quy định có tính nguyên tắc về mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính (quy định tại khoản 3 Điều 66 của dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa) được ấn định ít nhất bằng giá trị sản phẩm, hàng hoá vi phạm đã tiêu thụ và nhiều nhất không quá năm lần giá trị hàng hoá vi phạm đó; tiền do vi phạm mà có sẽ bị tịch thu theo quy định của pháp luật.

“Quy định về phạt tiền như trên sẽ bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ con người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường. Trên cơ sở nguyên tắc này, việc quy định cụ thể mức phạt tiền đối với từng hành vi vi phạm sẽ do Chính phủ quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn” - Ông Đặng Vũ Minh nói.

Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng: “Mức phạt tối thiểu phải là 10 lần giá trị của sản phẩm hàng hoá và nhiều nhất là không quá 20 lần giá trị sản phẩm hàng hoá”.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) có ý kiến khác: “Quy định mức phạt 1 đến 5 lần như vậy cũng rất lớn. Ví dụ, 1 doanh nghiệp bây giờ kinh doanh 1 năm là 100 tỷ, trung bình 1 tuần là 2 tỷ. Nếu như bị phạt gấp 5 lần cộng với bị tịch thu chính giá trị hàng hoá bị thu hồi lại, như vậy là 6 lần thì họ bị thiệt hại đến 12 tỷ, lại còn bị đưa lên phương tiện thông tin đại chúng thì họ đã biết sợ rồi. Vì vậy tôi thấy mức răn đe ở mức độ 5 lần như thế này là vừa, đưa lên 10 lần tôi thấy quá lớn”.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng: “Việc bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng phải đặt lên hàng đầu và xuyên suốt toàn bộ luật này, để khắc phục những câu chuyện như nước tương đen có chứa chất gây ung thư vừa qua.

Một vấn đề khác, là việc khen thưởng, trao giải thưởng về chất lượng sản phẩm. Hiện nay bình chọn nhiều quá, cuối cùng người tiêu dùng cũng loạn, không hiểu chỗ nào là tốt, chỗ nào là cao, chỗ nào là vàng, chỗ nào là đỏ trong chất lượng hàng hoá, sản phẩm. Tôi đề nghị có quy định cụ thể về vấn đề này”.

Đại biểu Ngô Thị Minh đồng tình: “Phải cấm việc lợi dụng quảng bá các giải thưởng để đánh lừa người tiêu dùng”.

Dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá dự kiến được QH biểu quyết thông qua vào ngày 21/11 tới đây. Cùng ngày 25/10, buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Hoá chất.

MỚI - NÓNG